Post: : Admin

Mấy tuần qua, câu chuyện về thùng bánh mì từ thiện đặt trước một căn nhà gần ngã tư Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng (phường 24, Bình Thạnh, TPHCM) phục vụ miễn phí, giúp hàng trăm lượt bà con lao động nghèo, lại một lần nữa gây xúc động cho nhiều người về những cách làm từ thiện đa dạng của người dân TPHCM.



Ổ bánh mì bình dân để bà con nghèo tiếp tục cuộc mưu sinh. Ảnh: Thu Hường

Câu chuyện thùng bánh mì từ thiện cũng như  bữa cơm 2.000 đồng, tủ thuốc từ thiện, điểm vá xe, sửa giày miễn phí… những ngày gần đây xuất hiện ngày càng nhiều, đã làm ấm lòng người thành phố. So với nhiều địa phương khác, người thành phố làm từ thiện nhiều hơn và hình thức làm từ thiện cũng đa dạng hơn. Đối với các doanh nghiệp, việc trích một phần lợi nhuận của mình để chia sẻ với cộng đồng, thể hiện trách nhiệm xã hội của mình là điều dễ hiểu, nhưng có những gia đình không hề khá giả, nhiều khi còn phải chật vật mưu sinh, vậy mà vẫn nghĩ đến những người cuộc sống còn cơ cực hơn mình, họ sẵn sàng gom góp những đồng tiền ít ỏi của mình để giúp những người gặp hoạn nạn hoặc đồng bào gặp thiên tai…

Ai đã từng nuôi người thân nằm viện trong suốt một thời gian dài mới thấy hết ý nghĩa của các bếp ăn từ thiện đang phát triển ngày một nhiều ở TPHCM. Bệnh nhân nằm điều trị dài ngày, viện phí và các khoản tiền khác luôn vượt quá khả năng của nhiều gia đình. Chăm lo cho bữa ăn của người bệnh cũng là một khoản chi phí không nhỏ, nên nhiều thân nhân người bệnh có khi phải nhịn ăn để dành tiền mua thêm một chút thức ăn bồi dưỡng bệnh nhân. Chính vì thế, một hộp cơm từ thiện những lúc ấy có ý nghĩa vô cùng. Đến thăm những điểm nấu cơm từ thiện mới thấy, nhiều bà con không có tiền của để đóng góp thì họ góp công. Hàng ngày, bà con đến bếp ăn phụ nhặt rau, gọt củ, phụ chụm củi, nấu cơm, chỉ mong một chút công sức của mình sẽ góp phần giúp người bệnh nghèo bớt khổ.

Mỗi lần trên trang Nhịp cầu nhân ái Báo SGGP xuất hiện một Hoàn cảnh cần giúp đỡ - viết về những trường hợp bệnh ngặt nghèo không có tiền chữa bệnh - là ngay lập tức nhận được sự đóng góp ủng hộ của người dân thành phố. Bác hưu trí sẵn sàng góp hết những đồng tiền dành dụm dưỡng già, em học sinh sẵn sàng trút ống heo với mơ ước những đồng tiền nhỏ của mình góp phần cứu sống người bệnh...

Những ngày trước tết, các doanh nghiệp, các tổ chức, các mạnh thường quân và người dân thành phố tất bật chuẩn bị những chuyến quà đưa về các địa phương vùng sâu, vùng xa lo tết giúp bà con nghèo. Ở chỗ này, người ta gom góp quần áo cũ, giặt giũ phân loại để mang đến cho người già, trẻ em ở các vùng sâu; ở nơi khác, chị em tiểu thương cùng nhau đi vận động quyên góp để chuẩn bị những gói quà tạm đủ cho mỗi gia đình có một cái tết đầm ấm ở vùng quê nghèo. Những chiếc áo ấm mặc dù không còn mới nhưng được giặt giũ sạch sẽ thơm tho sẽ xua đi cái rét cắt da, ủ ấm cho những đứa trẻ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Những gói bánh mứt, kẹo, chai dầu ăn, bịch bột ngọt, chai nước mắm… dù giá trị không cao, nhưng người dân thành phố đã gửi gắm vào đó thông điệp của tình yêu thương, của tinh thần sẻ chia đùm bọc, thấm sâu cái nghĩa đồng bào…

Người dân TPHCM làm từ thiện theo nhiều cách khác nhau tùy điều kiện mỗi người. Trong khi giới doanh nhân thành phố mỗi năm chi hàng trăm tỷ đồng để  xây nhà tình thương, xây cầu bê tông thay cầu khỉ, làm đường nông thôn, giúp mổ tim bệnh nhân nghèo, tặng xe lăn người khuyết tật…, thì người nghèo có khi chỉ vài mươi ngàn đồng vẫn có cách giúp những người lao động nghèo giải khát trên đường mưu sinh cực nhọc; những bạn sinh viên học sinh vẫn sẵn sàng dành những ngày cuối tuần của mình để vào các trung tâm nuôi người già, trẻ mồ côi khuyết tật, đem đến cho họ một chút hơi ấm của tình người.


Đặng Nhung

(SGGP)