Dòng tâm con người luôn nghĩ suy không ngừng, các ý nghĩ ấy luôn sanh diệt khi tâm chưa an tịnh và trạo hối khiến cho tâm bị khấy động giống như mặt hồ luôn gợn sóng.
Tâm bị loạn động không thể bình an
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật có nhắc đến một pháp khiến cho trạo hối tăng trưởng quảng đại đó là khi tâm không được chỉ tịnh khi ấy các luồng suy nghĩ bất tận khiến cho tâm bị loạn động làm cho tâm không lúc nào bình an:
"4. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến trạo hối chưa sanh được sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tâm không được chỉ tịnh. Với người tâm không chỉ tịnh, này các Tỷ-kheo, trạo hối chưa sanh được sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được tăng trưởng quảng đại."(Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt Chương I - Một Pháp).
Khi tâm được cột vào một đề mục thiền được chọn, lúc đầu nó sẽ phản ứng như con cá bị bắt lên khỏi mặt nước vì tâm luôn quen với môi trường phóng túng buông lung theo trần cảnh.Lâu dần, định lực gia tăng và củng cố,tâm được an tịnh thành tựu kiên cố định. Khi ấy các dòng suy nghĩ được lắng dịu, tâm được tĩnh lặng,bình an. Khi suy nghĩ về quá khứ có những chuyện khiến ta bị hối tiếc điều này khiến cho tâm bị khấy động, phân tán, khó tập trung được vào đề mục tu tập từ đó dẫn đến trạo hối phát triển và tăng trưởng quảng đại, dẫn đến phiền não sanh khởi đem lại khổ đau.
Còn với những bậc chân nhân,an trú trong pháp hành, tâm lắng đọng bình an,thành tựu chỉ tịnh và các vị tận hưởng được sự an vui khi hành trì theo pháp bảo, tu dưỡng nhân tâm,hành trì theo lời Phật dạy. NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.