Thật là diễm phúc khi ĐẠI HỘI NỮ GIỚI PHẬT GIÁO THẾ GIỚI được tổ chức tại đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta! Con vô cùng cảm động được tham dự hội nghị nầy.
Sự dấn thân của người nữ Phật tử tại gia
Điều đầu tiên con xin kính dâng lên lời cảm ơn chân thành nhất của chúng con đến quý Bậc Đại Ân Sư đã tác thành giới thân huệ mạng cho chúng con trong những tháng ngày con ở Phật học Viện Dược Sư TP Hồ Chí Minh cũng như Ni Viện Diệu Quang và Phật học Viện Hải Đức Nha Trang. Chính nhờ những lời dạy vàng ngọc của quý Ngài đã khai mở tuệ nhãn cho chúng con nên dù phong ba bảo táp của cuộc đời có mạnh cách mấy cũng không làm lung lạc được chân lý sáng ngời của Đức Thế Tôn trong lòng con dù con không còn nương tựa nơi bóng quý Ngài mà phải cô đơn lạc loài trong biển khổ mênh mông qua hình thức cư sĩ và tự mình chèo chống! Đã không bị đánh đỗ được mà lại còn chứng minh sự mầu nhiệm tuyệt vời của Chư Phật, Chư Bồ Tát trong cuộc đời nếu chúng ta quyết tâm sống đúng theo lời dạy của Đức Như Lai trong bất cứ hình thức nào, hoàn cảnh nào, với niềm tin NHÂN QUẢ thì chúng ta sẽ gặt hái được những quả ngọt trái lành không sớm thì muộn! Dĩ nhiên, sự thử thách vẫn là hàng đầu, bởi vì:
Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả,
Anh hùng hào kiệt có hơn ai!
– Phan Bội Châu –
Ở đời mà còn thế, huống chi chúng ta muốn ngược nước chèo thuyền để được trở về với ngôi nhà xưa thanh tịnh thì phải trải qua tam A Tăng kỳ kiếp gội rửa trần lao phiền não đã vô minh gây tạo trong vô lượng kiếp mà hữu duyên được trả trong kiếp nầy lại phải đới nghiệp cho những người mình muốn độ thì hẳn nhiên chúng ta phải chịu nhiều gian nan khốn khó là chuyện ắt phải có rồi!
Kính thưa quý vị,
Trong kinh PHÁP HOA Đức Thế tôn đã dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, Chư Phật ra đời chỉ vì một Đại Sự nhân duyên là Khai, Thị, Ngộ, Nhập PHẬT TRI KIẾN cho chúng sanh mà thôi!” Và, trong bài thuyết pháp đầu tiên Phật giảng cho 5 anh em Đại Đức Kiều Trần Như, đến khi kết thúc Ngài bảo: “Các con hãy đi, đừng dẫm chân lên nhau, để truyền trao những lời dạy của Như Lai đến với thế nhân!”. Và Ngài cũng dạy: “cúng dường chúng sanh là cúng dường Chư Phật – Tôi không dám khinh quý Ngài vì quý Ngài sẽ thành Phật – Không có giai cấp trong gìong máu cùng đỏ, giọt nước mắt cùng mặn…” Vì vậy, là một trong 7 chúng của Đức Như Lai, chúng con luôn ghi nhớ lời Ngài dạy và nhận thấy rằng việc Hoằng Pháp lợi sanh ở vùng sâu Tây nguyên cũng như hoà hợp hoà giải giữa Đạo Pháp và Dân tộc Việt Nam là Chánh nghiệp, cần yếu, nên dù có phải tan xương nát thịt chúng con cũng không lùi bước! Đừng bao giờ nghĩ, người Nữ nghiệp dày không hành được NHƯ LAI SỰ, mà, chỉ một lòng dấn thân vì mục đích Hoằng Pháp Lợi Sanh thì bên ta luôn có Chư Phật Chư Bồ Tát trợ lực một cách rất nhiệm mầu, không ai ám hại ta được đâu! Nếu có hại thì thật là tội nghiệp, chỉ như chọi trứng vào đá mà thôi!
Chứng minh cho lời khẳng định trên là hình ảnh cụ thể về việc độ sinh nơi biên địa vùng sâu ở Tây Nguyên Việt Nam nầy. Hơn 6.000 đồng bào Dân Tộc thiểu số theo Phật không phải là chuyện đơn giản, nếu không đặt trọn niềm tin nơi Tam Bảo, nơi Nhân quả,chúng ta không thể nào chiến thắng trước những thế lực của VÔ MINH, của MA CHƯÓNG để thành tựu một cách viên mãn theo ước nguyện được! Nhưng, chúng ta phải nghĩ,những nghịch duyên lại là những thắng duyên mãnh liệt nhất trong thế giới quan trùng trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm Kinh. Nếu không có những nghịch duyên thì chúng ta không đủ công đức để đạt đến Vô Ngã! (Không còn thấy cái TA) Và, nhờ Vô Ngã ta mới có được VÔ UÝ chân chính!( Không sợ vì biết mình không sai lầm, vì làm đúng theo lời Phật dạy, chứ không phải thấy ta là hơn hết nên không sợ ai!).
Trong bước đường hành Đạo này, nếu không có VÔ UÝ thì không thể nào vượt qua được những chông gai thử thách đang đón chờ chúng ta trong từng giây, từng phút! Vì vậy mới có câu Thần Chú của Bát Nhã để sách tấn chúng ta: “Yết Đế, Yết Đế, Ba La Yết Đế, Ba La Tăng Yết Đế, Bồ Đề Ta Bà Ha” (Hãy vượt qua, hãy vượt qua, cố gắng vượt qua, cố gắng vượt qua tất cả để đạt đến Vô Thượng Bồ Đề). Vì, nếu không có Đề Bà Đạt Đa thì Đức Thích Ca không thể mau thành Phật, nếu không có Thị Mầu thì Ngài Thị Kính không thể chóng thành Quan Âm! Nên chúng ta luôn hạnh phúc an lạc bên cạnh những “Đại Thiện Tri Thức” mà ta thường gặp trong đời! Chúng ta luôn nghĩ câu này để an tâm mạnh bước: “Người ta nói ai chứ có nói mình đâu mà sợ. mà dừng chân, mà buồn giận, mà phải bỏ mất lý tưởng độ sinh của mình? – Như vậy thì họ muốn mình khóc là mình phải khóc, họ muốn mình cười là mình phải cười sao? Chúng ta lại đánh mất chính mình rồi!”. Hơn nữa trong Bát Nhã Tâm Kinh có câu “BẤT TĂNG BẤT GIẢM” tức là “LỞ BÊN NÀY ĐỂ BỒI BÊN KIA” (Mình chịu thiệt thòi, oan trái để việc độ sinh được thành tựu vậy!).
Hành trang vào đời của chúng con là Từ Bi và Trí Tuệ biểu hiện qua Tứ Nhiếp Pháp mà Đức Thế Tôn đã dạy :
– Bố thí: Đối với đồng bào nghèo khổ này thì tài thí là quan yếu nhất. Bà con nơi đây lúc nào cũng thiếu thốn nên phải bán lúa non, vay chịu lãi 10% của người buôn cho mượn nên đã đói lại càng đói thêm! Từ ngày chúng con về với họ thì tiền lãi giảm còn khoản 5 – 6%! Có gia đình khi người nằm xuống không còn một hạt gạo đừng nói là có hòm để chôn! Chúng con phải luôn chia xẻ với nỗi đau thường nhật của mọi người trong khả năng khiêm tốn của mình nhưng điều đó lại làm cho người ta cảm động rất sâu xa! Còn Pháp thí và Vô Uý Thí chúng con chưa thực hiện trọn vẹn vì chưa có Chùa cũng nhưng chưa hội đủ điều kiện thuận duyên, chỉ dạy được cho họ pháp môn niệm Phật cùng một ít băng giảng mà thôi.
– Ái Ngữ: Tình yêu thương thể hiện qua nụ cười và lời nói chân thật nhẹ nhàng, không dối trá nó khác xa với những gì họ thường gặp nơi những người buôn ăn lời cắt cổ đã khiến họ xem mình như một bà mẹ, bà chị đáng tin cậy.
– Lợi hành: vận động giúp họ những giếng nước, bồn chứa, lớp học, nhà tình thương, những lớp học xoá mù ban đêm… nhưng với chúng con việc này còn rất khiêm tốn vì không được sự ủng hộ nhiều nên chưa thể thực hiện được theo ước nguyện, hy vọng trong tương lai được quý vị hảo tâm hiểu cho và ủng hộ chúng con trong công tác này thì công đức của quý vị thật vô lượng vô biên!
– Đồng sự: Chúng con đã bỏ cửa hàng Văn Phòng Phẩm to lớn của gia đình ở Thị Xã để vào mua đất trong làng, hướng dẫn và cùng làm theo mô hình vườn, ao, chuồng với họ cho họ thấy cái lợi của phương pháp này mà làm theo thành ra bây giờ kinh tế họ đã khá lên nhiều. Chúng con đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm nên bà con rất yêu quý. Có khi cùng nằm với cái giường đầy mùi nước tiểu trẻ con nhưng mình cũng ráng chịu, cùng ăn bốc với họ… thế cho nên họ vui vô cùng và nhờ vậy họ đã đến với Đạo Phật một cách nhẹ nhàng, tình cảm như thế đó!
Còn đối với Quốc gia và xã hội chúng ta phải thực hiện Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả nên chúng ta không phải là người cố chấp hẹp hòi mà phải rộng lượng bao dung, vô cùng sung sướng khi gặp những đứa con “Cùng tử” trở về (Phẩm Tín Giải trong Kinh Pháp Hoa), mở rộng vòng tay đón tiếp và phương tiện quyền xảo để dẫn dắt con mình chứ không phải thấy gần ai là chụp mũ ở với thế lực đó và trở thành Giáo gian! Chúng sinh càng lầm lỗi, càng nghèo khổ, đói rét… ta lại càng phải yêu thương và phải tìm mọi cách để dẫn dụ ra khỏi nhà lửa Tam Giới (tham, sân, si). Nếu không gần gũi họ, yêu thương họ, giảng cho họ nghe những lời dạy vàng ngọc của Phật, thì làm sao chúng ta độ được họ? – Bồ Tát độ sinh đâu còn phân biệt, Vô Phân Biệt Trí mà! Và, độ sinh mà tính toán thiệt hơn như làm kinh tế thì làm sao độ sinh được? Như trong mấy lần Quy Y cho đồng bào Dân tộc, lần đầu với 650 người, sau đó họ lần lượt ra quy y hơn 700 người nữa và kỳ qua (19/04/2009) với gần 4.000 bà con mà trong tay chúng con không có một đồng xu lại thêm sự phỉ bang, tẩy chay, vu cáo chụp mũ… đủ thứ không phải từ trong địa phương mà nó lan toả trên khắp thế giới nhưng con tin tưởng tuyệt đối vào sự nhiệm mầu trợ lực của Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Thiên Long Thánh chúng sẽ giúp cho về kinh tế đầy đủ theo ước nguyện – và thật vậy, tất cả những ước mong của chúng con về quà cáp không những đủ theo nguyện vọng mà lại còn nhiều hơn thế nữa! (Mỗi phần quà trị giá 200.000đ, trong khi con chỉ mong được 100.000đ là quá tốt lắm rồi! Và những chi phí ăn uống, tiếp khách, trang trí, khách sạn… hơn một tỷ đồng đâu phải là chuyện dễ trong thời buổi kinh tế suy thoái hiện nay?). Có phải Phật Pháp nhiệm mầu không thưa quý vị? Vậy mà có một số lớn trong hàng đệ tử của Phật nơi Kontum luôn lo sợ việc độ những người dân tộc này về họ sẽ ăn bám của Chùa đến khi Chùa hết tiền thì họ sang Đạo khác!? Thật là đau lòng! Tất cả chúng sanh ta gặp trong đời đều là thân thuộc của ta từ trong vô lượng vô biên kiếp, phải khởi lòng yêu thương vô cùng tận, Đức Thế Tôn đã dạy chúng ta như thế!
Kính thưa quý vị,
Về nhân sinh quan, Đạo Phật có một cách sống mà các Đạo khác khó thể có, đó là Đạo Phật đi đến đâu thì hoà nhập ngay với Văn hoá, phong tục tập quán của đất nước đó, cùng gắn liền cái mạch sống của Đạo Pháp và Dân Tộc làm một chứ không phải cái nhìn về những Mẫu Quốc để bành trướng và có ác tâm muốn tiêu diệt những ai không theo mình! Vì vậy mà vận mệnh của Phật Giáo luôn gắn liền với vận mệnh của Dân Tộc nước đó: “Khi nào Dân Tộc mạnh thì Phật giáo mạnh, Dân tộc suy thì Phật giáo suy và ngược lại, Phật giáo mạnh thì Dân tộc mạnh, Phật giáo suy thì Dân tộc cũng suy theo mà trong suốt hơn 2000 năm lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều ấy qua các triều đại!”. Do đó, Phật giáo không được làm chính trị theo Phật dạy, nhưng Phật giáo phải có trách nhiệm bảo vệ an ninh qua sự xâm lăng của ngoại bang, trước những chia rẽ, độc tài, tham nhũng, bất công… áp lực lên dân tộc mình, vì nỗi đau của người là nỗi đau của mình, nhưng phải là:
Nhạn độ hàn đàm, nhạn quá, đàm vô lưu ảnh,
Phong lai sơ trúc, phong khứ, trúc bất lưu thanh.
Thị cố quân tử, sự đáo nhi tuỳ ứng, sự khứ nhi tuỳ không.
Quân tử đại sự đương như thị!
Tạm dịch:
Chim nhạn qua sông lạnh, chim đi rồi, sông không còn lưu ảnh,
Gió qua rừng trúc, gió đi rồi, trúc không còn tiếng vang.
Cho nên người quân tử, duyên đến tuỳ theo đó mà làm, duyên qua rồi mọi thứ lại trở về với không.
Việc lớn của người Quân tử phải như vậy!
Người Quân tử còn như thế huống chi người Phật tử lại không được sao? Đó là hình ảnh của Đức Vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông của chúng ta và những vị Vua Quan Phật tử,Quý bậc Đại Sư , Quốc Sư… trong các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê thuở trước cùng hiện tại. Còn về việc thực tập các pháp tu qua kinh nghiệm của chúng con trong thời mạc pháp này thì hằng ngày chúng con luôn giữ ít nhất 2 thời công phu khuya và tối, mỗi lần con trì tụng 21 biến chú Đại Bi và 108 biến chú Dược Sư, sau đó niệm Phật tuỳ theo sức khoẻ, thỉnh thoảng phải tụng Kinh bộ, nhất là phải tụng Thuỷ sám, Lương Hoàng Sám,… nhờ năng lực của Chư Phật gia hộ cùng với cái nổ lực của bản thân chúng ta mới vượt qua những bẫy sập của Ma Quân được! Thời này nạn Sư Tử trùng thực Sư Tử nhục lại nhiều vô kể mới là đau lòng và vì vậy đa số chúng ta bị nhầm, bị hẫng, nhưng đừng buồn vì Đức Thế Tôn đã huyền ký như thế rồi!
Nói tóm lại, trong cõi đời này, kém may mắn hơn, chúng ta là thân nữ; nhưng may mắn hơn, chúng ta thấy mình có viên Minh Châu luôn ngời sáng, chúng sanh nơi biên địa cùng khổ hay những bậc lãnh đạo Quốc gia cũng có viên Minh Châu luôn ngời sáng và như thế, không có gì khác nhau giữa “giới tính – sang hèn”, chúng ta hãy lên đường:
“…Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập,
Như nhất chúng sanh vị thành Phật,
Chung bất ư thử thủ Nê Hoàn…”
Tạm dịch:
Đời ác, với 5 sự trói buộc phiền muộn, con thề vào trước,
Nếu còn một chúng sanh chưa thành Phật,
Con quyết tâm không an trú trong Niết Bàn!…
(Lời phát nguyện mỗi sáng khi tụng Kinh Lăng Nghiêm)
Đó là để xứng đáng đệ tử của Ngài Long Nữ trong Pháp Hoa Kinh và Mẹ hiền Quán Thế Âm Bồ Tát!
Nam mô Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh!
Trích Hương Từ Bi số 8
Hạnh Mãn, Hoàng Thị Xuân Hương
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)