Trong kinh điển, Đức Phật có nói về một số pháp chướng ngại đối nghịch gây cản trở cho sự phát sanh tài sản, dung sắc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và các vấn đề khác. Nắm bắt được những pháp như vậy, ta cố gắng khắc phục và đoạn trừ để gặt hái được nhiều sự an vui trong cuộc sống.
Những chướng ngại ấy được nhắc đến như sau:
“Thụ động và không hăng hái là chướng ngại cho tài sản. Không trang sức, không tô điểm là chướng ngại cho dung sắc. Hành động không thích ứng là chướng ngại cho không bệnh. Ác bằng hữu là chướng ngại cho giới đức. Không chế ngự các căn là chướng ngại cho Phạm hạnh. Lừa dối là chướng ngại cho các bạn bè. Không học tập là chướng ngại cho nhiều trí. Không nghe, không hỏi là chướng ngại cho trí tuệ. Không có chú tâm, không có quán sát là chướng ngại cho các pháp. Tà hạnh là chướng ngại cho Thiên giới.”
(Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chương X – Mười Pháp).
Lời bàn:
Người có tinh thần phấn chấn và chủ động trong công việc thì dễ đem lại thành công trong việc tầm cầu tài sản chân chánh. Các vị ấy với tính tình vui vẻ sẽ đem lại nhiều thiện cảm trong việc giao tiếp và có năng lực hùng biện, cũng như phát triển được nhiều yếu tố khác khiến cho việc làm ăn được tiến triển thuận lợi theo như ý nguyện.
Ngược lại những người thụ động, tinh thần không hăng hái khó lòng thành tựu được trong việc tạo ra nhiều của cải vật chất bởi tinh thần quyết định tất cả. Một con người mạnh mẽ, cá tính phối hợp với trí tuệ thì dễ thành công hơn những người có hệ thần kinh suy yếu, nhu ngược. Tiếp theo là vấn đề dung sắc, nếu một người họ biết trang điểm và tự làm đẹp mình bằng các vật trang sức thì cũng cải thiện được phần nào dung sắc vốn có của mình. Và việc không biết cách giữ gìn sức khỏe bằng các hành động không thích ứng sẽ gây nên nhiều chứng bệnh. Các chướng ngại còn lại thì dễ hiểu và có thể tự suy xét theo trí tư của mình.
Nhìn chung, các pháp đối nghịch với những điều cát tường, thạnh lợi thường phát sanh do việc thiếu đi sự tu tập và hành trì theo Giáo Pháp. Các bậc chân nhân biết rằng pháp nào đem lại phiền não khổ đau, họ sẽ ra sức tránh né và đoạn trừ và khiến cho phước báu được tăng thịnh từ đó gặt hái được nhiều an vui trong cuộc sống. NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Phước Trung
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)