Tại chùa Xá Lợi (đường Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.HCM) đã diễn ra lễ húy nhật lần thứ 44 của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, nguyên Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt vào sáng nay, 11-4 (15-3-Đinh Dậu).
Theo tiểu sử, cư sĩ Chánh Trí sinh ngày 1-4-1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Ông là một nhân sĩ trí thức và kinh qua nhiều chức vụ trong chính quyền thời đó.
Đặc biệt biết đến đạo trong những năm làm việc khắp lục tỉnh miền Tây, ông để tâm nghiên cứu tìm hiểu về Phật giáo, Nho giáo và các tư tưởng tôn giáo triết lý khác. Đến đâu ông cũng tham vấn các vị danh Nho nổi tiếng để thử tài học vấn và biện bác, nhưng chưa vị nào giúp ông thỏa nguyện. Đến khi làm việc ở Sa Đéc, ông đến tham vấn HT.Thích Hành Trụ – là giảng sư tại chùa Long An, chính nơi đây ông thực sự quy ngưỡng cảm phục trước đức độ và trí tuệ của vị danh Tăng nên cầu làm đệ tử của ngài. HT.Thích Hành Trụ đặt pháp danh cho ông là Chánh Trí.
Là một Phật tử thuần thành, ông ăn chay trường từ ngày thọ Tam quy Ngũ giới, làm Phật sự không biết mệt mỏi. Năm 1950, tại Sài Gòn, ông vận động thành lập Hội Phật học Nam Việt. Ban đầu hội đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng, sau dời qua chùa Phước Hòa. Ông vận động và đứng ra xây dựng ngôi chùa lịch sử Xá Lợi, ngôi chùa tiêu biểu cho nét văn hóa mới của Đông Tây hòa quyện, làm trụ sở của Hội Phật học Nam Việt.
Năm 1958, Hội chuyển về chùa Xá Lợi. Ông làm Tổng thư ký của hội khi mới thành lập và Hội trưởng từ 1955 cho đến ngày mất. Hội đã mở các lớp Phật học phổ thông, lúc bấy giờ do chư Thượng tọa Thiện Hòa, Trí Hữu, Thiện Hoa, Quảng Minh diễn giảng.
Hàng tuần, tại chùa Xá Lợi, ông còn tổ chức các thời thuyết pháp cho đại chúng do ông mời các vị cao Tăng, Đại đức trong nước hay nước ngoài đăng đàn. Có khi chính ông là giảng sư.
Bên cạnh đó, Hội Phật học Nam Việt còn xuất bản tạp chí Từ Quang do ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tạp chí này suốt gần 24 năm liên tục (1951- 1975) đã đóng góp không nhỏ cho công việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh.
Để làm đòn bẩy thúc đẩy cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam, năm 1952, ông và Hội Phật học Nam Việt đã tạo nên Phật sự vô cùng quan trọng, gây được tiếng vang khắp toàn quốc – đó là lễ rước ngọc xá-lợi tại Sài Gòn vào ngày 13-9-1952 – nhân dịp phái đoàn Phật giáo Sri Lanka đi dự Đại hội Phật giáo thế giới kỳ II tại Tokyo, có mang theo một viên ngọc xá-lợi để tặng Nhật Bản.
Trong giai đoạn đấu tranh năm 1963, ông giữ nhiệm vụ Tổng thư ký Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đòi hỏi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi bình đẳng tôn giáo. Ông và Hội Phật học Nam Việt đồng ý để Ủy ban đặt trụ sở trung ương tại chùa Xá Lợi. Năm 1964, ông tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến chương GHPGVNTN và được bầu làm Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo.
Khi Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập, tạm đặt tại chùa Xá Lợi trong khi chờ xây xong cơ sở, ông nhận làm giáo viên cho Viện trước tiên, và sau đó ông còn giữ chức Phụ tá Viện trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh kiêm Tổng thư ký niên khóa 1967- 1968.
Ngoài ra, ông còn để tâm nghiên cứu kinh điển Phật đà, với nhiều tác phẩm dịch thuật có giá trị như: Tâm và Tánh (do Nhà Xuất bản Đuốc Tuệ – Hà Nội ấn hành năm 1950); Ý nghĩa Niết-bàn (1962); Một đời sống vị tha (1962); Tâm kinh Việt giải (1962)…
Ngày 15-4-1973, ông còn cùng các đại biểu các tỉnh của Hội Phật học Nam Việt họp đại hội tại chùa Xá Lợi, chia tay vào lúc 23 giờ khuya. Sáng 17-4-1973, tức rằm tháng ba năm Quý Sửu, vào lúc 8 giờ 15, ông nằm ngay thẳng, từ giã cõi trần rất nhẹ nhàng, thanh thản, hưởng thọ 69 tuổi.
B.San – Hồng An