Quy chế hoạt động Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh) được thành lập theo điều 29 đến điều 36 chương VI Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
————————
Số: 022/QĐ/HĐTS CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————————
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 01 năm 2014
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
BAN TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM CẤP TỈNH
TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI
Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
− Căn cứ điều 29 đến điều 35 chương VI Hiến chương GHPGVN;
− Căn cứ Nghị quyết số 230/NQ/HĐTS ngày 24/11/2012 Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ (2012 – 2017).
− Căn cứ Nghị quyết số 004/NQ/HĐTS ngày 05/01/2014 Hội nghị kỳ 2 Khóa VII Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
− Căn cứ Quyết định số 01/QĐ/HĐCM ngày 10/01/2014 của Đức Pháp chủ GHPGVN, V/v duyệt y Quy chế hoạt động trong hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay, ban hành Quy chế hoạt động Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Giáo hội nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), gồm có 04 chương, 24 điều đã được Hội nghị kỳ 2 Khóa VII Hội đồng Trị sự thông qua ngày 05/01/2014 và Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh duyệt y (đính kèm Quy chế hoạt động).
Điều 2: Quy chế hoạt động Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành trực thuộc Trung ương Giáo hội chính thức có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3: Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành trực thuộc Trung ương Giáo hội chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế hoạt động Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành nhiệm kỳ VII (2012 – 2017) đã được tu chỉnh.
Nơi nhận:
– Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố
“để thực hiện”
– BTG Chính phủ, UB TW MTTQVN
– BTG/SNV các tỉnh, thành
“để biết ”
– Lưu VP1 – VP2. TM. BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
(đã ký)
Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———————————
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG BAN TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG NHIỆM KỲ VII (2012 – 2017)
Quy chế hoạt động Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh) được thành lập theo điều 29 đến điều 36 chương VI Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Quy chế hoạt động Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh được ban hành nhằm quy định cụ thể quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của mỗi thành viên trong Ban Thường trực Ban Trị sự và Văn phòng Ban Trị sự để nâng cao hiệu quả công tác, tăng cường đoàn kết trong nội bộ Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh; sự liên hệ giữa Ban Thường trực Ban Trị sự với các cơ quan hữu quan, các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện).
CHƯƠNG I
CƠ CẤU TỔ CHỨC – NHIỆM VỤ – QUYỀN HẠN
Điều 1: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh do Đại hội Phật giáo cấp tỉnh suy cử, được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN chuẩn y, gồm các chức danh:
-Trưởng ban
-Phó Trưởng ban Thường trực
-Các Phó Trưởng ban
-Các Trưởng ban đặc trách chuyên ngành tương ứng với các Ban Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
-01 Chánh Thư ký
-02 Phó Thư ký
-01 ủy viên Thủ quỹ
-Các ủy viên thường trực
-Các Ủy viên.
Điều 2:Tham gia thành viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh tuổi đời không quá 70 tuổi (tùy theo yêu cầu của từng địa phương); không kiêm nhiệm quá 02 chức danh trong Ban Thường trực Ban Trị sự, mỗi chức danh không quá 3 nhiệm kỳ.
Điều 3: Ban Trị sự, Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Thực hiện theo điều 31 – 35 chương VI Hiến chương GHPGVN (sửa đổi lần thứ V).
2. Tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường hướng, chương trình hoạt động Phật sự tại địa phương theo sự hướng dẫn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các hoạt động Phật sự trọng yếu phải dựa trên cơ sởnghị quyết, chương trình hoạt động của Trung ương Giáo hội và của Ban Trị sự hoạch định.
3. Ấn định chương trình hoạt động hằng năm theo nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự của Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh đề ra.
4. Ấn định thành phần, số lượng đại biểu dự Đại hội Phật giáo cấp tỉnh, thành.
5. Ấn định số lượng thành viên Ban Trị sự, Ban Thường trực Ban Trị sự theo quy định của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
6. Đôn đốc, kiểm tra các hoạt động Phật sự của thành viên Ban Trị sự, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện và hoạt động Phật sự của các Ban ngành chuyên môn thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh. Kịp thời giải quyết các đề xuất chính đáng của các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện và các Ban ngành thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh.
7. Đệ trình Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội tuyên dương công đức hay Yết ma cử phạt đối với các thành viên trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh và cấp huyện.
8. Đề nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN xét duyệt danh sách Tăng Ni tấn phong giáo phẩm trong các kỳ Hội nghị Trung ương Giáo hội và Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc.
9. Chuẩn y thành phần nhân sự các Ban chuyên môn, Ban Giám hiệu các cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc Ban Trị sự cấp tỉnh.
10. Phê chuẩn thành phần nhân sự Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện.
11. Thông qua, Quy chế, Nội quy hoạt động của các Ban chuyên môn, Ban Giám hiệu các cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh.
12. Được quyền phân công, luân chuyển, bổ sung nhân sự tham gia Ban Trị sự cấp huyện, trên cơ sở trao đổi với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương trong trường hợp Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện thiếu nhân sự.
13. Quyết định bổ nhiệm Trụ trì các cơ sở của Giáo hội đối với Tăng Ni trong phạm vi thẩm quyền. Nếu cơ sở có liên quan Hệ phái, Sơn môn, Pháp phái thì tham khảo ý kiến trước khi bổ nhiệm.
14. Báo cáo Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và báo cáo tổng kết cuối năm vào thượng tuần tháng 6 và tháng 12 dương lịch hằng năm theo thời gian quy định.
Điều 4: Các kỳ họp định kỳ (tháng, quý, năm) của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh do Trưởng ban Trị sự triệu tập và chủ tọa để đánh giá các Phật sự đã thực hiện; xem xét, thảo luận, quyết định công việc Phật sự của Ban Trị sự trong thời gian sắp tới. Thời gian họp vào thượng tuần tháng 6 và tháng 12 dương lịch. Kỳ họp được xem là hợp lệ khi số thành viên hiện diện quá bán tổng số thành viên của Ban Thường trực, trong đó nhất thiết phải có vị Trưởng ban hoặc vị Phó Trưởng ban Thường trực được Trưởng ban ủy nhiệm chủ trì Hội nghị.
Khi có Phật sự quan trọng cần được giải quyết kịp thời, Trưởng ban Trị sự có quyền triệu tập phiên họp bất thường để cùng nhau giải quyết, sau khi đã thống nhất ý kiến với các Phó ban Trị sự và Chánh, phó Thư ký. Đối với các kỳ họp định kỳ, trường hợp Trưởng ban Trị sự vì duyên sự đặc biệt không thể chủ trì và tham dự thì ủy nhiệm cho vị Phó Trưởng ban Thường trực thay mặt Trưởng ban ký thư triệu tập và chủ tọa kỳ họp.
Các kỳ họp toàn Ban Trị sự hoặc Ban Thường trực phải được tiến hành trong tinh thần dân chủ, thảo luận và bàn bạc, cùng nhau xây dựng đoàn kết theo tinh thần lục hòa của Đạo Phật. Đối với những thành viên Ban Trị sự, Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện, khi có thư mời họp nhưng không tham dự, hoặc tự ý bỏ họp mà không có lý do trong 3 lần thì xem như tự ý bỏ việc và chịu trách nhiệm trước toàn Ban Trị sự; Ban Trị sự có thể bổ nhiệm thành viên khác để thay thế, thông qua một phiên họp của toàn Ban Trị sự và có biên bản hợp lệ.
Điều 5: Trưởng ban Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực và các vị Phó ban, Chánh phó Thư ký có trách nhiệm triển khai thực hiện các công tác Phật sự đến các địa phương, các Chùa, Tổ đình, Thiền viện, Tu viện, Tịnh viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường (gọi chung là Tự viện), Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn theo tinh thần nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự do tập thể Ban Trị sự biểu quyết thông qua trong kỳ họp.
Trưởng ban Trị sự, các vị Phó ban và Chánh phó Thư ký chịu trách nhiệm trước toàn Ban Trị sự về việc lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự đã được tập thể Ban Trị sự thông qua.
Đối với những vấn đề khẩn thiết, đột xuất ngoài những điều quy định trong các nghị quyết và chương trình hoạt động của Ban Trị sự cần được giải quyết ngay, để đảm bảo cho các hoạt động Phật sự chung; Trưởng các Ban ngành liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các công tác Phật sự, phải nhóm họp để phối hợp thực hiện dưới sự chủ trì của Trưởng ban Trị sự hoặc Phó Trưởng ban Thường trực. Sau khi thực hiện xong công tác, phải báo cáo kết quả cho Ban Thường trực Ban Trị sự trong phiên họp gần nhất để tri tường.
Điều 6: Trong thời gian giữa 2 kỳ họp của Ban Trị sự, Trưởng Ban Trị sự chịu trách nhiệm lãnh đạo chung, Phó Trưởng ban Thường trực, Chánh Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng phối hợp giải quyết các công việc quan trọng như quyết định bổ nhiệm Trụ trì, mở Đại Giới đàn, tuyển chọn Giới tử, mở Trường Trung cấp Phật học, giới thiệu Tăng Ni đi học, hành đạo, dự kiến nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Phật giáo cấp tỉnh… đều phải thực hiện đúng theo tinh thần các nghị quyết Trung ương và nghị quyết Đại hội Phật giáo cấp tỉnh. Để đảm bảo tính công khai, dân chủ, Trưởng ban Trị sự chủ trì cuộc họp của Ban Thường trực Ban Trị sự để hội ý giải quyết. Các công tác Phật sự chỉ được triển khai thực hiện khi được đa số hoặc quá bán thành viên Ban Thường trực Ban Trị sự biểu quyết thông qua bằng một nghị quyết.
Điều 7: Trưởng ban Trị sự là người đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh về tư cách pháp lý, pháp nhân đối với Nhà nước. Thay mặt Ban Trị sự và Ban Thường trực Ban Trị sự thực hiện việc quan hệ các mặt với Chính quyền, Mặt trận và các Ban, Ngành đoàn thể của tỉnh, thành phố; Chịu trách nhiệm về các hoạt động Phật sự trong phạm vi đơn vị của mình trước Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN. Ngoài ra, Trưởng ban Trị sự còn có vai trò là vị lãnh đạo tổng quát của cơ quan Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh.
Trưởng Ban Trị sự là người phát ngôn chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, hoặc ủy nhiệm cho Phó Trưởng Ban Thường trực hay Trưởng ban Thông tin Truyền thông bằng văn bản thi hành.
Điều 8: Phó Trưởng ban Thường trực là cấp dưới của Trưởng ban Trị sự, thay mặt Trưởng ban giải quyết các công việc thông thường hằng ngày; các Phó ban tùy theo yêu cầu đuợc kiêm nhiệm phụ trách một số ngành chuyên môn. Nếu Trưởng ban đi vắng thì vị Phó Trưởng ban Thường trực thay mặt Trưởng ban xử lý thường vụ. Nếu Trưởng ban Trị sự khuyết nhiệm thì vị Phó Trưởng ban Thường trực quyền Trưởng ban đến mãn nhiệm kỳ (nếu thời gian gần mãn nhiệm kỳ) hoặc sẽ hợp thức hóa trong phiên họp khoáng đại của Ban Trị sự và có biên bản, công văn đề nghị Trung ương Giáo hội chuẩn y bằng một quyết định (nếu thời gian nhiệm kỳ còn quá lâu).
Điều 9:
a) Chánh Thư ký chịu trách nhiệm điều khiển các hoạt động Văn phòng Ban Trị sự, tổng hợp tình hình, đề xuất phương hướng kế hoạch Phật sự của Ban Trị sự phù hợp các ngành hoạt động trong Giáo hội; dự thảo các văn kiện, báo cáo cho Đại hội Phật giáo cấp tỉnh, các kỳ họp của Ban Thường trực và Ban Trị sự. Thừa ủy nhiệm Trưởng ban ký các văn thư có tính cách hành chánh.
b) Phó Thư ký kiêm Chánh văn phòng phụ tá Chánh Thư ký trong các chức năng và nhiệm vụ của Chánh Thư ký, thay mặt Chánh Thư ký khi Chánh Thư ký có duyên sự cần thiết phải vắng mặt.
Phó Thư ký chỉ được phép ký các văn bản liên hệ trong phạm vi nội bộ Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh. Đối với các văn bản có liên quan với các cơ quan chính quyền trong tỉnh, thành phố hoặc liên quan đến tỉnh, thành khác… hoặc liên hệ với Trung ương thì phải từ Chánh Thư ký trở lên mới được ký ban hành văn bản. Trong 02 vị Phó Thư ký, một vị Phó Văn phòng phụ trách tổng hợp.
c) Chánh Thư ký và Phó Thư ký sau khi được sự cho phép của Trưởng ban, có nhiệm vụ tuyển chọn nhân viên phục vụ các bộ phận của văn phòng Ban Trị sự; Tiếp nhận, phân phối và lưu trữ công văn, quản lý khuôn dấu, chịu trách nhiệm giữ gìn các tư liệu của các chuyên ngành.
Điều 10: Trưởng ban Pháp chế có nhiệm vụ tham mưu cho Ban Thường trực Ban Trị sự giải quyết các vấn đề có liên quan pháp lý. Mọi quyết định của Ban Pháp chế phải được Ban Thường trực Ban Trị sự thông qua mới được thi hành.
Điều 11: CácỦy viên Thường trực có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp thường kỳ của Ban Thường trực Ban Trị sự, hỗ trợ các Ban ngành trực thuộc Ban Trị sự triển khai thực hiện các hoạt động Phật sự chuyên ngành hoặc công tác đặc trách do Ban Thường trực Ban Trị sự phân công.
Điều 12: Đối với những đơn vị không đủ điều kiện thành lập Ban Trị sự, thì thành lập Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh theo điều 29 Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; quyền hạn, nhiệm vụ, chức năng của Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh cũng được quy định như Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh.
Điều 13: Nhiệm kỳ của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh là 5 năm, ứng với nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
CHƯƠNG II
CÁC BAN NGÀNH TRỰC THUỘC GHPGVN CẤP TỈNH
Điều 14 :Các Ban, Ngành chuyên môn của Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh gồm có:
1) Ban Tăng sự
2) Ban Giáo dục Tăng Ni
3) Ban Hướng dẫn Phật tử
4) Ban Hoằng pháp
5) Ban Nghi Lễ
6) Ban Văn hóa
7) Ban Kinh tế tài chánh
8) Ban Từ thiện xã hội
9) Ban Phật giáo Quốc tế (tùy yêu cầu thực tế của địa phương)
10) Ban Thông tin Truyền thông
11) Ban Pháp chế
12) Ban Kiểm soát.
Điều 15: Các Ban ngành trực thuộc Ban Trị sự được thành lập 01 Ban, số lượng tùy theo yêu cầu nhưng không quá 27 thành viên và được Ban Thường trực Ban Trị sự chấp thuận bằng một quyết định.
Các Ban ngành trực thuộc Ban Trị sự đề xuất với Ban Thường trực Ban Trị sự chương trình hoạt động của ngành mình phụ trách phù hợp với nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự của Trung ương Giáo hội và của Ban Trị sự, Nội quy Ban ngành trực thuộc Trung ương Giáo hội. Trên cơ sở ủy nhiệm của Ban Thường trực Ban Trị sự, Trưởng Ban ngành trực thuộc Ban Trị sự được quyền ký ban hành một số văn bản liên quan đến chuyên ngành của mình. Mỗi quý phải báo cáo về hoạt động của ngành lên Ban Thường trực Ban Trị sự, đồng thời gửi bản sao báo cáo về Văn phòng các Ban ngành trực thuộc Trung ương Giáo hội.
CHƯƠNG III
TÀI CHÁNH – THỦ QUỸ – KIỂM SOÁT
Điều 16: Tài chánh và tài sản của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh gồm có:
1)Công đức phí do thành viên và Tăng Ni Phật tử đóng góp.
2)Tài vật hiến cúng hợp pháp.
3)Tài vật do Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh tự tạo hợp pháp.
Điều 17: Trưởng ban Kinh tế Tài chánh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh chịu trách nhiệm lập kế hoạch tài chánh hằng năm của Ban Trị sự. Kế hoạch tài chánh này được thi hành sau khi Ban Thường trực Ban Trị sự thông qua.
Điều 18: Quỹ hoạt động của Ban Trị sự do vị ủy viên Thủ quỹ Ban Thường trực Ban Trị sự đảm nhiệm. Mọi nguồn tài chánh được tập trung vào quỹ của Ban Trị sự. Việc thu chi do Trưởng ban Trị sự ký duyệt với tư cách là chuẩn chi viên.
Điều 19: Kiểm soát do vị Trưởng ban Kiểm soát Ban Thường trực Ban Trị sự đảm nhiệm, có nhiệm vụ theo dõi, góp ý vào các hoạt động của Ban Trị sự. Trưởng ban Kiểm soát ký tên và nhận xét vào các văn bản báo cáo tài chánh của thủ quỹ.
CHƯƠNG IV
HỆ THỐNG – TRÁCH NHIỆM LIÊN HỆ – HỘI HỌP
Điều 20: Trưởng ban Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực và Chánh, Phó Thư ký có trách nhiệm liên lạc và trực tiếp chỉ đạo các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện để thực hiện nghị quyết và chương trình hoạt động Phật sự của Ban Trị sự.
Điều 21: Kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện các quyết định hay nghị quyết về mặt chuyên ngành, do Trưởng ban chuyên ngành liên hệ đề ra, phải được Ban Thường trực Ban Trị sự thông qua trước khi thi hành.
Điều 22: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh tổ chức kỳ họp hằng tháng, quý hoặc 6 tháng một lần và Hội nghị tổng kết cuối năm để kiểm điểm công tác, hoạch định chương trình hoạt động của Ban Trị sự theo từng quý và cả năm.
Điều 23: Trưởng ban hoặc Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện là thành viên của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh do Ban Thường trực Ban Trị sự cơ cấu vào Ban Trị sự trong mỗi nhiệm kỳ của Đại hội, theo các tiêu chuẩn: Có đạo đức, uy tín, năng lực hoạt động để phục vụ Đạo pháp và Dân tộc.
Điều 24: Quy chế này gồm có 04 chương, 24 điều, được tu chỉnh tại Hội nghị Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam với đa số 2/3 thành viên biểu quyết thông qua ngày 05 tháng 01 năm 2014.
Quy chế hoạt động Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Chỉ có Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới được quyền sửa đổi, nếu xét thấy cần thiết trong quá trình thực hiện.
BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM