Post: : Admin

Các cộng đồng Phật giáo cuối cùng còn sót lại tại Pakistan đang đứng trước nguy cơ biến mất khỏi quốc gia này.



Phật giáo có nguy cơ biến mất khỏi Pakistan

Phật giáo có nguy cơ biến mất khỏi Pakistan


Theo lời tường thuật của một phái đoàn gồm 5 Phật tử đến từ Naushahro Feroze, Sindh sau khi tham dự sự kiện mang tên “Roots or Routes: Exploring Pakistan’s Buddhist and Jain Histories” (tạm dịch: Nguồn gốc hay tiến trình: Khám phá lịch sử Phật giáo và đạo Jain ở Pakistan), một buổi triển lãm đặc biệt trường phái Gandhara tại Bảo tàng Taxila ở Pakistan vào tuần trước cho biết, các cộng đồng Phật giáo ở đây không có chỗ để thờ tự, thiếu các vị thầy hướng dẫn tâm linh và không nhận được sự hỗ trợ nào từ chính phủ.

Taxila là nơi linh thiêng nhất đối với cộng đồng Phật tử tại Pakistan, vì tro cốt và xá-lợi răng của Đức Phật được giữ gìn và phụng thờ tại đây. Tuy rất vui khi được tham quan cuộc triển lãm với chủ đề liên quan đến Phật giáo, nhưng các Phật tử cũng nhấn mạnh rằng tương lai của Phật giáo ở Pakistan không có vẻ gì khả quan: “Chúng tôi rất vui khi được đến thăm nơi này nhờ vào những vị đã đứng ra tổ chức cuộc triển lãm. Mặc dù chúng tôi được quyền tự do chọn lựa tôn giáo và không có bất kỳ sự ngăn cản nào đối với việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo của chúng tôi, nhưng tôn giáo [Phật giáo] ở Pakistan đang trên đà diệt vong vì nhiều lý do khác nhau”. Lala Muneer, trưởng đoàn Phật tử cho biết.



Muneer còn cho biết thêm rằng mặc dù số lượng Phật tử thực sự ở Pakistan không được liệt kê với số liệu chính thức, nhưng theo ước tính của ông, chỉ có khoảng 650 gia đình theo đạo Phật ở các vùng nông thôn Sindh, bao gồm các huyện Ghotki, Sanghar, Khairpur, Nawabshah và Nowshahro Firoz. Tuy nhiên, họ không thể thực hành các nghi lễ Phật giáo vì không có bất kỳ chùa chiền hay bảo tháp nào tại đây. Mỗi Phật tử phải tổ chức các sự kiện, lễ hội và nghi thức một cách tự phát tại tư gia.


Theo Tiến sĩ Nadeem Omar Tarar, Giám đốc điều hành Trung tâm Văn hóa và Phát triển của Pakistan (CCD), các di sản tôn giáo từng ở Taxila một thời hoàng kim đã bị lu mờ theo thời gian bởi sự thay đổi nhân khẩu khi quốc gia này giành độc lập. Các cộng đồng có trách nhiệm giữ gìn di sản Phật giáo của Pakistan đã không nhận thức được tầm quan trọng của những bảo vật quý giá này nên dẫn đến tình trạng như ngày nay.

Hầu hết các Phật tử tại Pakistan sống ở Sindh và các khu vực như vùng Rohi thuộc Nam Punjub. Tuy nhiên, có rất ít dữ liệu chính xác về số lượng người theo Phật giáo ở quốc gia này. Trong đó, một số Phật tử còn cho biết rằng họ đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, bạo lực thể xác và hủy hoại tài sản từ những thành phần khác trong xã hội.

Lala Rajoo Raam, một người đại diện cho cộng đồng Phật tử Baori, bày tỏ sự lo lắng về cộng đồng của mình: “Hầu hết người dân trong cộng đồng của chúng tôi đều không có CNIC [Chứng minh nhân dân được số hóa] thì làm sao chúng tôi có thể mong đợi bất kỳ một quyền công dân nào?”.

Ram còn cho biết thêm những cuộc tấn công của những người Hồi giáo cực đoan. “Ở thành phố Bahawalpur, nhiều ngôi đền Hindu trở thành mục tiêu để trả thù. Trong hoàn cảnh đó, ngôi chùa của chúng tôi cũng bị phá hủy. Sau đó, chúng tôi cũng không xây dựng lại bất kỳ ngôi chùa nào nữa”, vị Phật tử này cho biết.