Phật giáo gần như song hành xuyên suốt lịch sử đất nước và nhiều người Việt là tín đồ nhà Phật. Tuy nhiên nạn mê tín dị đoan ngày càng phát triển trong cả một số chùa trực thuộc Giáo hội Phật giáo VN quản lý, khiến dư luận và giới phật tử chân chính bức xúc.
Mặc dù tại chùa Hương đã có biển ghi không mang vàng mã, thịt trong mâm lễ nhưng vẫn có du khách chuẩn bị cả giò (chả) trong mâm lễ, sau đó được nhà chùa yêu cầu bỏ ra – Ảnh: Xuân Long |
Cư sĩ TRẦN ĐÌNH SƠN – nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, phó Ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo VN – đã bày tỏ như thế khi những hình ảnh không đẹp mắt tiếp tục mở màn và diễn tiến cùng mùa lễ hội năm nay.
Mê tín tràn lan
Phật giáo du nhập vào VN ngót nghét 2.000 năm, thời nào cũng có những vấn nạn tăng ni, phật tử hành đạo không đúng giáo lý. Âu đó cũng là lẽ thường của xã hội.
Tuy nhiên, vào những thời Phật pháp hưng thịnh, được cả giới cầm quyền lẫn giới trí thức ủng hộ thì tà không thể lấn át chánh pháp, có chăng chỉ tồn tại trong từng cá nhân, trong dân gian.
thời suy thì chính quyền nhiều khi ủng hộ vì mục đích muốn lợi dụng mà làm ngơ: thay vì ngăn chặn những tệ đoan, họ đẩy giới tu sĩ Phật giáo vào việc thờ phụng cúng bái, không để cho Phật giáo xen vào những hoạt động phụng sự xã hội một cách tích cực.
Từng có thời kỳ Phật giáo trong dân gian bị hòa trộn với một số tín ngưỡng đa thần nên trở thành phức tạp. Giới tu hành chân chính không còn được phát huy tài đức để giáo hóa giúp đời, giúp đạo hiệu quả như trước, mà gần như bị đẩy vào chốn thôn dã núi rừng. Còn lại hầu hết, ngoài thờ Phật còn thờ cả thần thánh, ma quỷ để gây nên niềm tin huyền bí nhằm mục đích trục lợi là chính.
Mãi đến giữa thế kỷ 20, phong trào chấn hưng Phật giáo mới được thành lập. Tuy nhiên gần đây, cùng với chính sách mới về tín ngưỡng, tôn giáo, những truyền thống cả tốt lẫn xấu có cơ hội phục nguyên và bành trướng, không nằm trong đường hướng tích cực, có chiến lược, có chủ đích.
Do vậy, nạn mê tín dị đoan mới tràn lan như chúng ta thấy hiện nay. Nhiều nhà chùa, nhiều vị tu sĩ không được đào tạo có đủ tài và đức, đảm nhận hướng dẫn tinh thần cho quần chúng đã đành, ngược lại còn lợi dụng để phát triển mê tín dị đoan nơi cửa chùa thông qua việc bày đặt các lễ hội, thông qua cúng bái, xăm quẻ bói toán tràn lan…
Đừng để nhập nhằng nữa
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, muốn bài trừ hiệu quả những tệ đoan nói trên, cả hai phía, giáo quyền và chính quyền đều phải có sự nhìn nhận đúng đắn về tư tưởng tốt đẹp của đạo Phật, để định ra giải pháp điều chỉnh hợp lý.
Cụ thể, trách nhiệm trước tiên thuộc về Giáo hội Phật giáo VN: phải có chỉ đạo rất sâu sát hoạt động của chùa chiền, đừng để nhập nhằng giữa tà pháp và chánh pháp lâu hơn nữa! Những chùa nào đã đứng trong giáo hội phải tuân thủ chánh pháp, các tăng sĩ phải phát huy tư tưởng tốt đẹp của đạo Phật để xây dựng đạo đức xã hội, hướng theo cuộc sống lành mạnh, bài trừ vấn nạn mê tín mù quáng.
Đừng như hiện nay, những chùa thuộc giáo hội vẫn tồn tại, thậm chí tràn lan sự trục lợi thông qua những màn mê tín trá hình, lợi dụng sự cúng bái mù quáng của quần chúng khiến quần chúng bị đánh lừa vì quá tin tưởng những vị sư đó thuộc giáo hội, coi như được “bảo chứng” rồi.
Cạnh đó, những chùa chiền am miếu không thuộc giáo hội quản lý thì coi như chùa của dân gian, mọi hoạt động được quản lý và điều chỉnh đúng theo luật lệ của chính quyền, những cái gì chánh thì khuyến khích phát huy, những gì là tà thì phải có biện pháp bài trừ.
Còn chính quyền rất nên yểm trợ những ngôi chùa, những vị sư thực hành theo đúng Phật pháp. Những tu sĩ, tín đồ mượn danh Phật giáo thực hành các hoạt động mê tín, lợi dụng lòng tin trục lợi cho mình đều phải được trừng trị nghiêm theo pháp luật.
Riêng giới phật tử nên tìm hiểu chánh pháp để sống tốt, chọn chùa chiền chân chính đến tu tập. Chỉ nên tin và ủng hộ tu sĩ Phật giáo có đủ phẩm chất, tư cách, đừng có a dua theo những hoạt động phù phiếm, hư huyễn, mê tín dị đoan…
Thái Lộc ghi
(theo Tuổi Trẻ)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)