Miệng tụng Phật danh, mắt nhìn tượng Phật, tai lại nghe tiếng chính mình, âm thanh từ lưỡi phát ra, thiền vị vui sướng tấm lòng, mũi ngửi mùi hương. Niệm Phật như thế là xoay sáu căn trở về một, làm sao loạn được?
Nay ta niệm Phật, thực hành một phương tiện: tự xem tâm này như một cái bình báu sạch, danh hiệu Phật như hạt gạo. Từng chữ, từng câu như gạo bỏ vào bình, rơi xuống như ngọc xâu thành chuỗi. Gạo đã vô tận mà bình cũng chẳng đầy, chẳng văng một hạt nào ra ngoài bình.
Ðoái nghĩ cái bình này chẳng to đầy một tấc, bên trong chứa trọn tam thiên đại thiên thế giới, trăm ức vi trần số Phật, ba mươi sáu vạn ức, mười một vạn ức chín ngàn năm trăm vị Phật A Di Ðà đồng danh đồng hiệu an trụ trong ấy. Ta cũng ở chung với các ngài tại một chỗ, vui chơi an ổn. Ðấy mới là chỗ để ta an tâm lập mạng vậy.
Từ trước đến nay, ta chỉ niệm Phật hời hợt thoáng qua. Bây giờ thì cần nên biết là mỗi chữ đều phát xuất từ trong tâm, lại còn phải biết là mỗi chữ đều nhập vào trong tâm. Trong lúc niệm Phật, trước hết nên nhắm mắt, ngồi ngay ngắn ngưng thần định lự, chẳng được có một mảy tâm tạp loạn, tâm tranh cạnh, tâm hôn trầm, lười biếng, mở miệng thốt ra tiếng sao cho tiếng từ tâm phát ra, tâm dựa vào miệng truyền. Thở điều hòa, tiếng nhịp nhàng, chẳng rề rà, chẳng gấp gáp, từng chữ phân minh, từng câu nối tiếp nhau. Nếu tách ra thì từng chữ hệt như một câu, nếu gộp lại thì trăm ngàn câu hệt như một câu. Miên miên, mật mật từ một tiếng cho đến ngàn vạn tiếng, từ một khắc cho đến mười hai thời, chẳng gián đoạn, chẳng tiếp nối, chẳng khuyết, chẳng rỉ. Lâu dần thuần thục, hoa nở thấy Phật, đến lúc ấy tự chứng nghiệm.
Nhận định:
Những lời của cụ này đều là lời của bậc niệm Phật đã đạt mà có, thật là pháp niệm Phật rất hiệu nghiệm. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Trích “Niệm Phật Pháp Yếu”