Post: : Admin

Xuất thân trong gia cảnh nghèo khó, nhưng anh Phạm Thành Ngôn (huyện Núi Thành - tỉnh Quảng Nam) và anh Lê Viết Luận (huyện Diên Khánh - tỉnh Khánh Hòa) đã luôn nỗ lực làm việc để trở thành những thợ mộc có tay nghề giỏi. Họ còn giống nhau ở tấm lòng giàu sự cảm thông và chia sẻ với những người khó khăn khi sẵn sàng dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, giúp người yếu thế tự tin hòa nhập cộng đồng.



Mang sức sống mới đến với người khuyết tật

Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn khiến anh Phạm Thành Ngôn không có cơ hội được học tập tới nơi tới chốn. Tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh Ngôn quyết định đi học nghề mộc để có thể tự lập cuộc sống. Hoàn thành khóa học nghề năm 2008, anh Ngôn đã tích lũy được chút kiến thức và kinh nghiệm về cách chọn mua gỗ, pha gỗ, tạo hình hay xử lý gỗ để đảm bảo độ bền, đẹp cho mỗi sản phẩm ra đời. Thế nhưng, lăn lộn nhiều tháng ròng nhưng anh Ngôn vẫn không tìm được việc làm vì chưa có tay nghề lâu năm. Trên bước đường tìm việc ấy, anh Ngôn gặp một số người khuyết tật cũng cùng hoàn cảnh và tâm trạng đi xin việc mãi không được như mình, họ bị từ chối vì e ngại những khiếm khuyết trên cơ thể họ không thể đáp ứng công việc đòi hỏi phải có sức khỏe, hoa tay.


Anh Ngôn tận tình hướng dẫn cách làm cho học viên

Anh Ngôn quyết định vay mượn tiền của họ hàng, bạn bè thân thiết để đầu tư kinh phí thành lập xưởng mộc ngay tại nhà. Những ngày đầu xưởng mộc đi vào hoạt động, anh Ngôn chưa biết việc làm ăn có thuận lợi hay không nhưng vẫn quyết định thuê thêm người. Khác với những chủ xưởng mộc anh từng biết là chỉ tuyển thợ có tay nghề, người lành lặn, anh Ngôn lại chỉ nhận những người khuyết tật vào làm việc. Có lẽ, xuất phát điểm của quyết định này là từ sự đồng cảm với họ trong những ngày anh lặn lội tìm việc làm. Người khuyết tật chân, người điếc câm dù chưa biết gì về nghề mộc nhưng anh Ngôn vẫn nhận họ vào vừa dạy nghề miễn phí, vừa bố trí việc làm, giúp họ có thu nhập tự lập cuộc sống.

Thời gian đầu đưa ra quyết định nhận người khuyết tật vào làm việc, anh Ngôn không được gia đình ủng hộ, bạn bè khuyên can, nhưng dần dà, thấy công việc của anh vẫn thuận lợi, sản phẩm của xưởng mộc do chính những người thợ khuyết tật làm ra không kém người lành, thậm chí có nhiều sản phẩm được tạo hình bắt mắt, mới lạ và khá tinh xảo khiến khách hàng tìm đến đặt hàng ngày càng nhiều nên anh Ngôn nhận được khá nhiều lời động viên, khen ngợi.

Anh Ngôn tâm sự: “Tôi rất tin tưởng vào khả năng, ý thức làm việc của người khuyết tật, họ cần được xã hội quan tâm, tạo điều kiện, bởi vậy tôi vẫn quyết định nhận họ vào dạy nghề, tạo việc làm, mặc dù xung quanh tôi có những lời can ngăn, phân tích thiệt hơn. Từ con số 2 lao động khuyết tật, đến nay xưởng sản xuất mộc mỹ nghệ của tôi tăng lên cả chục em. Ngoài việc nuôi ăn, ở miễn phí, mỗi tháng các em còn nhận được mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập tuy không nhiều những cũng giúp các em có thể tiết kiệm một khoản tiền để tự lo lắng cho bản thân và giúp đỡ gia đình”.

Với mong muốn tạo thêm việc làm và đầu ra cho sản phẩm, giúp người khuyết tật cải thiện thu nhập, anh Ngôn thường tranh thủ sớm tối đi tìm đối tác, giới thiệu sản phẩm và tham khảo thêm nhiều mẫu mã mới, đa dạng, phong phú nhằm thu hút khách hàng.

Khi xưởng mộc ngày một làm ăn khấm khá, anh Ngôn được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn, thuê đất để đầu tư mở rộng xưởng mộc, mua sắm thêm máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, gia công. Đó chính là cơ hội để ông chủ xưởng mộc giàu lòng nhân ái tiếp tục mở rộng cánh cửa đón nhận người khuyết tật vào dạy nghề, tạo việc làm.  

Giúp người đồng cảnh vươn lên

Còn với anh Lê Viết Luận, mặc dù đôi chân không còn khỏe mạnh sau một trận sốt bại liệt năm lên 3 tuổi, nhưng không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, anh đã quyết tâm đi học nghề mộc để có thể tự lập cuộc sống.


Từ một người khuyết tật sống dựa vào gia đình, anh Luận đã mày mò học nghề tự lập cuộc sống và tạo việc làm cho người đồng cảnh

Được học nghề ở một xưởng mộc gần nhà, phần nào giúp anh vơi bớt vất vả khi không phải di chuyển quá nhiều. Thuận lợi hơn khi thầy giáo dạy nghề luôn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn, bởi thế tay nghề của anh sớm thành thạo. Là người sáng dạ, lại dám nghĩ dám làm, vì vậy sau khi học xong, mặc dù mới bước vào nghề mộc nhưng anh Luận đã quyết tâm vay vốn, mở cơ sở sản xuất đồ gỗ với hy vọng giúp người đồng cảnh.

Xưởng mộc của một ông chủ khuyết tật ra đời khiến nhiều người dân hiếu kỳ, tò mò, người thì động viên, người lại đoán già đoán non chắc gì đã làm nên cơ đồ. Cố gắng không để ý đến những lời đàm tiếu của mọi người, anh Luận miệt mài lao động, chịu khó mày mò, sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, tinh xảo để chứng minh khả năng làm việc của anh không thua kém người lành.

Những sản phẩm của cơ sở sản xuất của ông chủ khuyết tật sớm nhận được sự tin yêu của khách hàng, điều đó giúp anh Luận nhận được khá nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn. Với mong muốn chia sẻ khó khăn với những người đồng cảnh, anh Luận đã tiếp nhận thêm người khuyết tật vào làm việc tại cơ sở.

Trong xưởng của anh hiện có mười lao động là người khuyết tật có việc làm ổn định với thu nhập trung bình từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Hoàng Xuân Nam - một lao động khuyết tật tại cơ sở mộc Viết Luận tâm sự: “Khuyết tật đôi chân đã khiến tôi trở thành gánh nặng của gia đình. Sau bao năm sống dựa vào người thân, tôi thực sự may mắn khi được anh Luận biết đến và nhận dạy nghề miễn phí, tạo điều kiện cho tôi được làm việc ngay tại cơ sở sản xuất mộc của anh Luận. Hơn 2 năm làm nghề, tôi đã trở thành thợ chính, nhờ thế tôi đã có thể sống được bằng sức lao động của mình, điều đó giúp cho cuộc sống của tôi bước sang một trang mới”.

Anh Luận cho rằng, để người khuyết tật có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành, mạnh thường quân và cần có nhiều hơn những lớp học nghề, những cơ sở sản xuất tạo điều kiện cho người khuyết tật được học, làm việc. Để đóng góp vào mong muốn đó, anh Luận đang nỗ lực từng ngày để trong thời gian không xa, anh có thể mở rộng cơ sở và tiếp nhận thật nhiều người khuyết tật vào làm việc. 

Theo Người Bảo Trợ