Bữa nọ, tự nhiên chạnh lòng khi bạn treo một trạng thái trên mạng “Nếu mai là ngày tận thế, làm sao tôi trả hết nợ trong đời và làm sao người trả hết nợ cho tôi”.
Chuyện vay nợ ở đời chẳng có gì là lạ. Nợ tiền, nợ của được phân định rạch ròi dễ bề vay trả. Ở quê nhiều khi là mượn một lon gạo, nợ một chén dầu, nợ vài lon nếp. Có nợ thì có trả, sòng phẳng dễ ợt và trơn tru, chỉ cần vạch cái hàng rào là chạy qua nhà hàng xóm mượn, bữa sau cũng thế mà đon đả cười vui qua trả lại.
Nhưng những thứ không đong đếm được ví như ân tình thì làm sao mà trả hết. Bởi thế mà nhà Phật từng răn dạy “Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm”.
Bạn yêu người đó năm năm, nồng đậm và thiết tha chừng nào thì ngày mà người đó rũ sạch để quay lưng đi cũng đớn đau chừng ấy. Bạn đòi người ta trả lại năm năm thanh xuân, năm năm của tuổi trẻ nhiều mộng ước tin yêu. Trời, làm sao mà trả đây! Không lẽ họ ở vậy năm năm cho bạn bằng lòng hả dạ. Quy ra vật chất rồi bắt kẻ kia trả cho đủ, gọi là bù đắp thì chẳng còn là nợ ân tình nữa rồi. Thương yêu dẫu gì cũng là tự nguyện, đâu ai buộc bạn phải yêu người ta.
Đời mình còn nhiều món nợ to tát hơn thế nhiều. Chúng mình nợ ba mẹ cả trời biển công sinh thành và dưỡng dục. Về già, ba mẹ chẳng mong con cái chăm lo gọi là đền đáp công ơn, thế mà lắm đứa con chia định rạch ròi, ba mẹ ở nhà tui chừng này thì ở nhà anh chừng đó, nuôi cả anh và tui chớ đâu nuôi mình tui.
Món nợ của ta và cha mẹ chẳng bao giờ trả hết được bằng yêu thương chứ đừng nói đến trả bằng chuyến du lịch, bằng bữa cơm ngon, bằng tuổi già nhàn hạ. Chúng mình đã nợ vô vàn giọt mồ hôi của cha, nợ những cằn nhằn của mẹ, nợ những lo toan, nợ những thương yêu bất tận từ người.
Chúng mình nợ thầy cô giáo những lời giảng, những lời răn dạy. Những bài học về cuộc sống và bài học trong sách vở, thầy cô chỉ dạy những điều hay, ta gom lại làm hành trang cho mình.
Mình nợ lời cảm ơn với chị quét rác cho đường phố sạch sẽ sau buổi liên hoan, buổi bắn pháo hoa, buổi ca nhạc ngoài trời, cho mình, sau một đêm rã rời vì đứng chen nhau xem hội, sáng ra đã thấy đường phố sạch sẽ để mà hít thở. Núi rác hôm qua cả ngàn người bỏ lại đổi bằng tất bật mưu sinh của các chị trong đêm.
Mình nợ cô bán hàng rong tất tưởi gánh đồ ra phố để rau trái còn tươi mơn mởn. Những cọng rau còn thơm mùi sương sớm, bàn tay đầy mủ nhựa khi hái trái cây. Cả gánh hàng của cô đổi lại chưa bằng một buổi hẹn hò cà phê của ta với bạn, thế mà gánh hàng ấy cô nuôi mấy đứa con vào đại học.
Mình nợ bác sửa xe một cái bắt tay với bàn tay lem luốc đầy dầu mỡ, cảm ơn vì nếu không có bác còng lưng ngồi gõ gõ đục đục chắc chảy nước mắt mà dắt xe đi bộ cả quãng dài.
Nợ nâng niu những mầm xanh, những bông hoa bé nhỏ vừa hé nụ cho mình tha hồ ngắm. Nợ lời hẹn ước một buổi bình minh trên biển, nợ buổi chiều cuối ngày lang thang trên phố nghe bạn kể về cuộc tình vừa tan.
Nợ những lời cay đắng mình nói ra trong lúc giận dỗi, nợ lời ân cần khuyên nhủ khi người ta cần bấu víu ở mình. Nợ những lời dịu dàng khi đã nghiêm khắc khắt khe quá với cậu em bé nhỏ, nợ một buổi ngồi lắng nghe cô em gái mới lớn tâm sự về cái thời nhăng nhít mình cũng từng đi qua.
Nợ lời cảm ơn khi người ta cố làm mình bật cười từ vài câu bông đùa tếu táo lúc mình đang buồn bã. Nợ một lời thương chưa ngỏ, nợ một nhung nhớ chẳng dám tròn câu.
Có món nợ lớn lao vô cùng cứ ngỡ chẳng bao giờ ta trả được và những món nợ mà mình tặc lưỡi cho qua vì xem như chúng nhỏ bé, tủn mủn chẳng đáng gì.
Trót mang kiếp người là trót mắc nợ nên chỉ mong kiếp này mình sống sao đủ để đong đếm mà trả bớt gánh nợ cuộc đời. Người ta chỉ thanh thản ra đi khi đã trả xong món nợ của trần ai, và cho ai đó đôi lần lỡ mắc nợ mình, hình dung năm tháng phôi pha món nợ kia rồi cũng nhạt bớt, chỉ cần sống sao cho êm đềm…
Diệu Ái
http://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/nhung-mon-no-trong-cuoc-doi-1435286621.htm