Đầu-đà (dhuta) là tịnh hạnh chứ không phải khổ hạnhhành xác. Thực hành hạnh đầu-đà tuy khắc khổ nhưng hỗ trợ rất lớn cho hành giả trong tiến trình tu tập.
Đầu-đà (dhuta) là tịnh hạnh chứ không phải khổ hạnhhành xác. Thực hành hạnh đầu-đà tuy khắc khổ nhưng hỗ trợ rất lớn cho hành giả trong tiến trình tu tập. Thế Tônluôn tán thán hạnh đầu-đà, vì hạnh lành này trợ duyên tích cực cho hành giả hướng đến thành tựu giới-định-tuệ.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có người tán thán A-lan-nhã (tịch tĩnh) là đã tán thánTa. Sở dĩ như thế, vì nay Ta thường tự tán thán hạnh A-lan-nhã. Nếu có người phỉ báng A-lan-nhã tức là phỉ báng Ta. Nếu có người tán thán khất thực tức là đã tán thán Ta. Sở dĩ như thế, vì Ta hằng tán thán người hay khất thực. Nếu người hủy báng khất thực là đã hủy báng Ta. Có người tán thán độc cư tức là tán thán Ta. Sở dĩ như thế là vì Ta hằng tán thán người độc cư. Có người hủy báng người độc cư là đã hủy báng Ta. Có người tán thán người ngồi một chỗ, ăn một bữa, tức là đã tán thán Ta. Sở dĩ như thế, vì Ta hằng tán thán người ngồi một chỗ, ăn một bữa. Ai hủy báng người này tức là đã hủy báng Ta. Nếu có người tán thán người ngồi dưới gốc cây tức là tán thán Ta không khác. Sở dĩ như thế là vì Ta hằng tán thán người ngồi dưới gốc cây. Nếu có ai hủy báng người ngồi dưới gốc cây tức là đã hủy báng Ta. Nếu có ai tán thán người ngồi chỗ đất trống, tức là đã tán thán Ta. Sở dĩ như thế, là vì Ta hằng tán thán người ngồi nơi đất trống (lộ tọa). Ai hủy nhục người ngồi nơi đất trống tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người ở chỗ vắng vẻ an nhàn tức là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta hằng tán thán người ở chỗ vắng vẻ an nhàn. Ai hủy nhục người ở chỗ vắng vẻ an hành tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người mặc áo năm mảnh là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta hằng tán thán người mặc áo năm mảnh. Ai hủy nhục người mặc áo năm mảnh tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người giữ ba y tức là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì ta hằng tán thán người giữ ba y. Ai hủy nhục người giữ ba y tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người ngồi ở gò mả là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta hằng tán thán người ngồi ở gò mả. Ai hủy nhục người ngồi ở gò mả tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người ăn một bữa, tức là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta thường tán thán người ăn một bữa. Ai hủy nhục người ăn một bữa tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người ăn đúng ngọ là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì ta hằng tán thán người ăn đúng ngọ. Ai hủy báng người ăn đúng ngọ tức là hủy báng Ta. Ai tán thán người hành đầu-đà tức là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta hằng tán thán các người hành đầu-đà. Ai hủy nhục người hành đầu-đà tức là đã hủy nhục Ta. Nay Ta dạy các Tỳ-kheo hãy như sở hành của Đại Ca-diếp, không có sơ sót. Vì sao như thế? Vì Tỳ-kheo Ca-diếp có các hạnh này. Thế nên các Tỳ-kheo, hãy thường nên học như Đại Ca-diếp.
Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
Theo pháp thoại, 12 hạnh đầu-đà (về nội dung tuy có đôi chút khác biệt so với các bản kinh khác) là nếp sống phạm hạnh bậc nhất, khó làm. Tuy khó nhưng Thế Tôn thường ca ngợi vì đầu-đà giúp thành tựu giới, tăng trưởng định và phát huy tuệ.
Quảng Tánh