Tôi đi tu từ lúc 7 tuổi, ở chùa quê nội 3 năm. Ba năm sau, mẹ về quê ngoại, tôi lại được đưa về chùa Từ Lâm ở Trảng Bàng cho gần nhà. Cha tôi mất trong cơn bạo bệnh khi tôi vừa tròn 3 tuổi, em nhỏ còn bồng trên tay. Sự nghiệp của cha không còn, nhà tôi nghèo lại thêm nghèo. Mấy cậu dựng cho mẹ con tôi một cái chòi ở tạm. Mẹ tôi gánh lấy một cuộc dâu bể tang thương, tảo tần nuôi đàn con bữa đói bữa no trong nỗi đau của người góa phụ 25 tuổi.
Từ quê nội về quê ngoại, tôi càng cảm khái nhân duyên của cuộc đời mình thật chẳng ra làm sao. Nhất là trong khoảng thời gian ra làm Phật sự, gặp gỡ nhiều bậc cao tăng thạc đức, tôi càng cảm nhận sâu sắc về sự có mặt của mình trong cuộc đời này. Tuy nhiên, dù ở đâu tôi cũng rất vui vì sống hòa hợp với mọi người. Không cha, không mẹ, không người thân nhưng tôi vẫn vui vẻ, bình thường. Kiến thức, sở học của tôi được lượm lặt trong hoàn cảnh như vậy. Một dọc dài thời gian cho tới lúc chán nản, tôi buông hết theo Thầy lên núi tu thiền.
Lên núi, Thầy sắp đặt mọi việc. Tới giờ ăn phải ăn, giờ tu phải tu. Anh em sống chung với nhau khoảng 10 người nhẹ nhàng, thanh thoát. Ở núi non mà lại đóng cửa nên người ngoài không lui tới. Khi tôi về núi thì đã gần 30 tuổi, bệnh đau lưng bắt đầu trở nên lì lợm. Thấy vậy, Thầy nói: “Chết không sợ mà sợ đau lưng. Tu hành nhát nhúa thì làm gì được?” Lời Thầy dạy đã thức tỉnh nỗi u mê nhiều đời của tôi.
Tôi nhắc lại những đoạn nhân duyên ngắn ngủi trong cuộc đời mình để sách tấn đại chúng. Huynh đệ ở đây đang tu thế nào? Hành trì thế nào? Cho dù là Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, nếu tu không có niềm vui, không có sự hòa hợp, không có đạo lý thì không ra làm sao.
Hòa thượng Trúc Lâm đã dạy chúng ta phải biết thương mình mà ráng tu. Bằng không vô thường chụp đến thì không kịp, đành buông tay thôi. Huynh đệ phải gan dạ, cương quyết. Không điên đảo, không ngược xuôi. Như vậy mới phấn đấu đến cùng tâm nguyện tu hành của mình, nguyện chừng nào thành Phật mới ưng.
Phải luôn nhớ rằng không ai bắt buộc chúng ta tu. Đã cương quyết phát nguyện thì phải làm cho đàng hoàng. Chư Tăng cũng như chư Ni, huynh đệ sống với nhau nhẹ nhàng như những đóa hoa sa la đang nở. Nở xinh tươi như thế, một trận gió thổi qua rớt xuống vẫn xinh tươi. Được vậy thì an ổn.
Huynh đệ cố gắng làm việc gì cũng phải có chất lượng. Tức là phổ việc tu hành vào trong đời sống thường nhật. Vị nào ngồi thiền chưa được hai tiếng nên cố gắng phấn đấu ngồi cho được. Ba giờ đánh kiểng thức chúng thì hai giờ rưỡi tranh thủ thức dậy. Người nào buồn ngủ có thể dùng chút trà hoặc cà phê xong rồi lên Đại điện. Làm sao trước ba giờ có mặt. Vừa đánh kiểng là “Đại từ đại bi thương chúng sanh…” Tính toán sít sao như vậy.
Huynh đệ nâng cao chất lượng, làm tan loãng những phút lơ đễnh trong tâm. Chặt đứt tất cả những thứ ấy, gầy dựng một sức sống mới. Từ 3 giờ tới 5 giờ, quyết tâm ngồi yên không nhúc nhích. Chết bỏ. Vậy mới vào được đạo. Chứ còn giờ ngồi thiền buổi sáng dài 2 tiếng mà chúng ta chạy ngược, chạy xuôi trong việc thức dậy, rửa mặt, vệ sinh cá nhân thì 2 tiếng đó không chất lượng.
Huynh đệ phải biết cương quyết tạo nên chất lượng trong sinh hoạt tu học của chính mình. Điều này không đợi quy chế, không đợi các vị có trách nhiệm nhắc nhở. Tự mình sắp đặt cho mình, cố gắng nhất định sẽ thành công. Thời gian qua nhanh, huynh đệ phải biết trân trọng thời giờ, đừng lãng phí vô ích.
Ngoài ra, đối với mọi sinh hoạt trong chúng, Hòa thượng Trúc Lâm đã dạy chúng ta phải từng bước trưởng thành. Điều này ngày xưa khi tôi còn ở núi, Thầy nói nhiều lắm. Bởi vì thời thanh niên thường có những khoảng hụt hẫng, bị thiệt thòi. Thầy dạy phải cố gắng: “Mấy chú ở đây không phải làm gì hết, chỉ sinh hoạt theo thời khóa. Nhưng mấy chú phải tự nấu cơm ăn, nấu đàng hoàng và chất lượng”.
Có thể thấy rằng trong giai đoạn này, chúng ta phải đẩy mình vào thế chất lượng. Mỗi vị phải tự giác. Điều này không cần tốt nghiệp đại học nào mới làm được. Chỉ cần luôn nhớ rằng đã làm thì làm cho sạch sẽ đàng hoàng, cẩn thận không rơi không bể. Từ những việc làm chung quanh đời sống, chư huynh đệ mới bắt đầu chỉn chu việc đi thọ trai, lạy Phật, ngồi thiền, học Phật pháp. Làm bất cứ việc gì cũng bằng tâm nguyện chất lượng, không lơ đễnh, không bị kéo lôi bởi trần lao bên ngoài.
Làm việc có chất lượng thì đời sống của huynh đệ chính là phụng sự. Thí như Bồ-tát Trì Địa, trước khi thành Đại Bồ-tát đã phát nguyện làm những công đức từ thiện, đem lại lợi ích cho mọi người. Trọn ngày Ngài ở đầu cầu mé chợ, gặp người mang gánh nặng giúp họ gánh hộ qua khỏi cầu đường. Hoặc thấy những khúc đường lở, Ngài tu bổ lại cho chắc chắn. Không nhận một món thù lao hay một lời cám ơn nào. Bởi thế nên Ngài thành tựu pháp đại thừa vô ngã vị tha.
Những năm ở núi, Thầy nói: “Ba năm ở đây, tôi chỉ mong mấy chú vững niềm tin nơi chánh pháp, tin mình có khả năng thành Phật”. Chỉ cần tin được như thế, sống được như thế là không sợ lạc đường. Tu hành không khó, thực hành chánh đạo không khó. Và thành tựu Phật đạo ngay trong đời này cũng không khó. Tuy nói như vậy, nhưng thật ra đoạn đường này gian truân lắm, huynh đệ phải hết sức cố gắng, cương quyết không thối chuyển mới đi được.
Năm 1975, Thầy đẩy anh em chúng tôi xuống núi, rồi Người lại theo chúng tôi nhắc nhở phải gan dạ, phải cố gắng. Thầy đã dặn dò, đã đinh ninh chỉ dạy, đã cầm tay mình dẫn đi từng bước như thế. Tới bây giờ Thầy không còn gì để nói nữa. Vui lắm thì Thầy cười. Huynh đệ gắng tu học bình thường, tuân thủ thời khóa của thiền viện. Tỉnh táo mà tu. Mọi sự đổi thay đến rất nhanh, không có lực nào chống lại được vô thường. Đức Thế Tôn với một phước báo trang nghiêm như thế, nhưng thị hiện đến tuổi 80 cũng tuyên bố kết thúc. Vì thân này hữu hình, không phải thân bằng chì bằng sắt thì hoại diệt là chuyện đương nhiên. Cho nên chúng ta cứ vui vẻ mà sống, mà tu.
Tôi mong chư huynh đệ vững tin, vững tu, vững tiến, Phật quả viên thành. Chúc toàn thể đại chúng thực hiện được tâm nguyện của mình. Có thế mới xứng đáng với bổn phận và trọng trách của một người xuất gia theo Phật
Hòa thượng THÍCH NHẬT QUANG