Chúng ta muốn sống trong một xã hội văn minh, lành mạnh và bền vững lâu dài, mọi người cần phải tin sâu nhân quả, tin mình có đủ khả năng làm chủ bản thân, mọi việc tốt xấu, nên hư thành bại đều do mình tác tạo…
Đạo Phật chủ trương lấy nhân quả làm nền tảng của sự sống để phản ảnh mọi lẽ thật hư trong cuộc đời này bằng ánh sáng trí tuệ, nhằm thấu suốt nguyên lý thế gian. Mọi lẽ thật giả đều hiện bày sau khi có sự chiêm nghiệm và suy xét bởi ánh sáng giác ngộ, nhận thấy lẽ thật rồi mới khởi lòng tin đó là “chánh tín”. Ngược lại, tin mà không hiểu rõ cội nguồn của mọi lý lẽ là tin càn tin bướng, người tin như thế là “mê tín”.
Chính vì thế, người học đạo cần phải có lòng tin, song lòng tin ấy đã trải nghiệm qua sự quán chiếu, suy xét và có chọn lọc kỹ càng. Đại đa số người dân và phật tử miền Bắc vì chưa tin sâu nhân quả, đi chùa không chịu học hỏi đạo lý làm người. Chỉ ỷ lại sự cầu cúng vô căn cứ do sự phán đoán của các thầy bói, thầy toán, tà sư, ngoại đạo mà ra.
Mê tín là lòng tin mù quáng không thấy đúng lẽ thật, không thấy đúng chân lý vì mê muội. Như tin ông đồng bà cốt, tin xin xăm bói quẻ, tin ngày lành tháng dữ, tin số mạng sang hèn, tin coi tay xem tướng, tin cúng sao giải hạn, tin có một người ban phước giáng họa… Những lối tin này không có logic, không đủ sở cứ, không có lợi ích, nên gọi là mê tín, vì đi ngược lại với giáo lý nhân quả.
Nỗi sợ hãi của con người là lợi dụng mê tín, tuyên truyền mê tín, nuôi sống mê tín dưới nhiều hình thức. Những kẻ truyền bá mê tín thường khai thác sự sợ hãi của người khác để trục lợi. Từ đó, tạo ra tình trạng tiền mất tật mang, khủng hoảng về tâm lý mà đánh mất tự chủ. Có một số người truyền bá mê tín không vì mục đích lợi nhuận hay lừa đảo, mà chỉ để làm cho mình được nổi tiếng…
Lẽ vậy, chúng ta cần tin sâu nhân quả và biết cách làm chủ bản thân từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động trong từng phút giây, bởi vì mình làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau. Rất mong mọi người cùng tham khảo và suy xét để có hiểu biết chân chính mà ngày càng sống an vui hạnh phúc hơn.
Để đẩy lùi tệ nạn mê tín, dị đoan đã ăn sâu vào lòng người do một số người có chức quyền và lợi ích nhóm lạm dụng và kết hợp với một số tu sĩ có trọng trách trong giáo hội không phải là việc dễ dàng chuyển hóa và dứt bỏ. Đền là nơi thờ cúng những người có công với đất nước đã trở thành nơi buôn thần bán thánh dưới nhiều hình thức gắn mác di tích, một số chùa treo bảng cúng sao giải hạn công khai lấy đó làm kế sống. Chỉ khi nào tu sĩ và người phật tử thật sự tin sâu nhân quả và thấm nhuần chính pháp Phật đà, thay đổi tư tưởng, suy nghĩ, thói quen; sống lương thiện, chân thành, nhân ái, trở thành chuẩn mực đạo đức xã hội, thì khi đó các tệ nạn mê tín dị đoan, những hủ tục thâm căn cố đế trong xã hội mới có thể được nhổ tận gốc. Muốn được như vậy phải đưa vào luật pháp, ai truyền bá và tiếp tay với mê tín dưới nhiều hình thức thì phải xử lý nghiêm minh. Phật dạy, chỉ có trùng trong thit sư tử mới ăn thịt sư tử. Đây là một vấn nạn lớn trong xã hội thời hiện đại núp bóng dưới nhiều danh nghĩa làm cho con người đi lùi lại bánh xe lịch sử và ngày càng si mê không biết lối đi mà chỉ biết sống dựa dẫm, nhờ vả, ỷ lại…
Đạo đức Phật giáo không có chỗ cho những hành vi mê tín, dị đoan và hiện tượng trục lợi “buôn thần bán thánh” để lừa bịp những người nhẹ dạ, cả tin, lầm lạc, si mê. Tín ngưỡng thiếu lý trí sẽ nhuốm màu thần bí và trở thành mê tín. Tác hại của mê tín không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và thái độ ứng xử, mà còn phương hại cho lối sống và kinh tế gia đình. Dị đoan là những điều quái lạ, huyễn hoặc, chỉ tồn tại trong niềm tin thiếu lý trí của con người. Mê tín là niềm tin mù quáng, không phân biệt đúng sai, nhắm mắt làm càn, thể hiện sự mê muội và mất lý trí.
Mê tín và dị đoan là cặp song sinh. Nơi nào có dị đoan, nơi đó có mê tín. Đằng sau các dị đoan và mê tín là nỗi sợ hãi về những điều bất hạnh bao gồm cái chết, bệnh tật, tổn thất, bất hạnh và nghịch cảnh… Cúng sao giải hạn, coi ngày giờ tốt xấu là nét văn hóa du nhập từ Trung Quốc, văn hóa các nước Phương tây đâu có coi ngày giờ tốt xấu mà họ vẫn giàu có, văn minh. Như vậy, thay vì lo lắng, sợ hãi chuyện ngày giờ tốt xấu do bị ảnh hưởng của văn hóa Trung quốc, người tu Phật, học Phật cần phải kiểm soát chặt chẽ ý nghĩ, lời nói và hành động của mình. Chúng ta không bị giặc ngoại bang xâm lược mà dần hồi bị đồng hóa hoàn toàn bởi những tập tục tín ngưỡng và mê tín tràn lan, dưới danh nghĩa các lễ hội Đền, Chùa, Miếu, Phủ…
Có hai loại mê tín
Mê tín do tâm mong cầu quá đáng: Con người khi mong cầu một điều gì mà quá khả năng mình thì dễ sinh mê tín. Ví như có một người muốn vay một số vốn lớn làm ăn, không biết việc làm ăn này sẽ đạt được kết quả tốt hay xấu. Tự nhiên lòng họ thấy băn khoăn lo lắng không biết hỏi ai, tin ai. Nghe nói có một ông thầy nào đó biết được quá khứ vị lai, đoán trúng được vận mệnh của mọi người, liền tìm đến để cầu cho được. Chỉ tốn tiền quẻ có năm bảy trăm ngàn đồng hoặc vài ba triệu đồng, biết việc làm của mình thành công hay thất bại thì ai mà không ham. Chính vì lòng tham và sự mong cầu quá đáng mà dẫn con người ta đến mê tín dị đoan.
Hình minh họa. Nguồn: Internet
Mê tín do tâm lo lắng sợ hãi: Con người ta hay lo lắng sợ hãi, suy nghĩ vu vơ là gốc sinh ra mọi điều mê tín. Có những người bị tai nạn dồn dập, vừa té xe bị thương lại bị người đòi nợ, con trai thi trượt, con gái bị bệnh… mất bình tĩnh, nghe đồn ông thầy đó coi tay xem tướng rất giỏi và có thể trừ được tà ma, yêu tinh quỷ mị. Hoặc có người sợ vận xui hạn xấu, nên đầu năm đến chùa cúng sao giải hạn, cầu cho tròn năm cuộc sống được hanh thông, gia đình được an vui may mắn. Hoặc có người vì thương cha mẹ đã quá cố, sợ cha mẹ chết rơi vào địa ngục chịu đói khổ nhọc nhằn, họ bèn nhờ thầy cúng tiến lầu kho, xe cộ, giấy tiền vàng bạc, lễ cúng đốt xuống cho cha mẹ được an hưởng nơi âm ty… Mọi sợ hãi đều bắt đầu từ sự mê tín.
Đã làm người, ai cũng có thể ước mơ hay mong cầu một điều gì đó, rồi tình trạng lo lắng sợ hãi, trong bầu vũ trụ bao la này với thiên nhiên huyền bí, chính vì chưa thấu rõ hết nguyên lý nhân duyên quả nên con người dễ dàng rơi vào mê tín dị đoan. Dù là người học cao hiểu rộng nhưng trong tâm vẫn có niệm mong cầu và sợ hãi hoặc quá tham lam, họ sẽ bị mê tín dị đoan chi phối.
Vào ngày 08/Giêng Âm lịch hằng năm, người Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc có thói quen đến chùa cúng sao giải hạn. Thật ra, ở chùa vốn không có nghi lễ cúng sao mà chỉ có lễ cầu an đầu năm để nguyện cầu cho thế giới được hòa bình, chiến tranh kết thúc, con người không giết hại và sống yêu thương có hiểu biết.
Như chúng ta đã biết, tất cả mọi người học Phật ai cũng hiểu giáo lý nhà Phật đều dựa trên nền tảng của nhân quả. Nhân là nguyên nhân, là hạt giống, quả là kết quả do gieo nhân mà được và nhờ duyên thời tiết, chăm sóc, kỹ thuật…, cho nên đời sống của một cá nhân hay cộng đồng đều do nhân quả mà ra. Chính vì vậy, khi một người gieo nhân dù tốt hay xấu thì nhất định người đó phải nhận lấy kết quả tốt hoặc xấu mà mình đã gieo, chỉ sớm hay muộn mà thôi. Nếu muốn hóa giải nghiệp xấu ác, thì chúng ta phải nỗ lực tu tập, trì chay, giữ giới, làm nhiều việc thiện ích.
Ví như chúng ta lỡ gieo tạo nhân sát sinh hại vật, thì ta sẽ biết chắc hậu quả trong nay mai là bệnh tật triền miên hoặc chếu yểu, hay thường gặp những tai nạn bất ngờ. Khi biết được thế, chúng ta quyết tâm nỗ lực sám hối, bố thí cúng dường, phóng sinh… thì quả có thể sẽ trổ theo hướng khác nhẹ hơn, hoặc bị triệt tiêu. Nên trong đời sống hằng ngày, chúng ta thọ nhận những việc tốt xấu là đều do chúng ta tạo nhân cả, nên khi quả tốt đến thì chúng ta vui vẻ hạnh phúc, và ngược lại quả xấu đến chúng ta đành phải chấp nhận để tìm cách hóa giải nó.
Tập tục cúng sao giải hạn là đi ngược lại lời Phật dạy trong các kinh điển, nhưng tại sao tập tục này vẫn còn tồn tại ở các chùa? Một giả định khác, nhiều người cứ đinh ninh rằng nếu đem tiền vào chùa cúng sao, giải hạn thì tật bệnh sẽ được tiêu trừ, và tai qua nạn khỏi? Chính đức Phật cũng từng khẳng định “Ta không có khả năng ban phước hay giáng họa cho bất kỳ ai, ta chỉ là người thầy dẫn đường, còn làm được việc tốt hay xấu là do tất cả mọi người”.
Nếu ai cũng tin sâu nhân quả hết thì mọi việc nên hư, tốt xấu, thành công, thất bại đều do chính ta tạo ra. Chúng ta cứ tạo nhân tốt thật đầy đủ thì quả tốt nhất định sẽ đến. Không phải chúng ta cầu xin mà nó đến, không phải chúng ta xua đuổi mà nó đi, một khi nhân đã thành thì quả phải nhận.
Song, nhân quả không đơn thuần mà đa dạng và phức tạp, chẳng phải chỉ do trực tiếp ở đời hiện tại mà gián tiếp kết nối từ nhiều đời. Chỉ khi nào chúng ta tạo nhiều nhân lành, khi quả xấu đến sẽ nhẹ đi hay giảm bớt mà thôi.
Đạo Phật là đạo của giác ngộ, là đạo của từ bi và trí tuệ, cho nên lấy nhân duyên, nhân quả làm nền tảng. Nếu chúng ta thấy trong chùa hiện nay còn những hiện tượng mê tín, đây chính là những oan tình của đạo Phật, chẳng qua một số người vì thiếu hiểu biết, vì chạy theo tín ngưỡng tập tục của thế gian mà làm ảnh hưởng đến Phật pháp chân chính.
Do đó, chúng ta thấy rõ lý nhân – duyên – quả nhà Phật nói, là lẽ thật, đúng với tinh thần khoa học hiện thời. Hiểu được lý nhân duyên quả, chúng ta thấy rõ muôn vật trên thế gian đều có sự liên quan với nhau. Chúng ta không thể tách một cá thể đứng ngoài tập thể, một cá nhân đứng ngoài nhân loại. Đây là lý do khiến dẹp được quan niệm cá nhân ích kỷ. Chúng ta tích cực xây dựng nên hạnh phúc chung cho nhân loại, không riêng của một cá nhân. Chúng ta tin lý nhân duyên quả là tin bằng trí tuệ, là thấy biết đúng như thật: Đó gọi là chính tín.
Thế mà hiện nay có nhiều Tăng sĩ trụ trì, khi nghe phật tử than làm ăn sa sút, liền bảo đến chùa thầy cầu phúc cho; nghe con cháu phật tử sắp thi cử, bảo ghi tên để thầy cầu nguyện cho; nghe phật tử than gia đình xảy ra tai nạn, bảo đến chùa thầy cúng giải hạn cho… Đó là chúng ta đang truyền đèn nối đuốc Như Lai hay làm lu mờ chánh pháp Phật đà? Chúng ta là những người hướng dẫn, kế thừa sự nghiệp của Như Lai. Bước đầu vì phương tiện thiện xảo để giúp người đến với Phật pháp, sau đó chúng ta phải lấy lời Phật dạy chân chính làm nền tảng nhân quả hướng dẫn cho phật tử. Làm được như vậy chúng ta mới xứng đáng là con nhà Thích tử, truyền trao mạng mạch của Như Lai để mọi người thấm nhuần Phật pháp chân chính.
Song nhân quả không phải đơn thuần mà đa dạng và phức tạp, có nhân mình vừa gieo liền thọ quả, có nhân phải chờ một thời gian, có nhân phải trải qua nhiều đời và có khi gieo nhân mà không có kết quả vì không đủ duyên. Biết rõ nhân quả tốt xấu do mình tạo ra, chúng ta can đảm nhận chịu và tìm cách chuyển hóa chúng mà không chút sợ hãi buồn phiền. Mình làm chủ tạo nhân, chính mình làm chủ thọ quả, còn cầu khẩn van xin đâu có lợi ích gì. Chúng ta tin chắc lý nhân quả như thế, thì mọi sự mê tín sẽ không có chỗ để xen vào làm phá hủy chính tín nhân quả.
Tóm lại, mê tín là một tệ nạn xã hội, nó làm cho con người ngày càng trở nên yếu hèn, mất tự tin chính mình vì si mê, mờ mịt. Chúng ta là chủ của bao điều họa phúc, mình gieo nhân xấu sẽ kết thành quả xấu, mình gieo nhân lành sẽ kết thành quả tốt. Con người hay có mâu thuẫn muốn cầu mong quả tốt mà không chịu gieo nhân tốt, sợ hãi quả xấu mà không chịu dừng nghiệp xấu. Chúng ta muốn sống trong một xã hội văn minh, lành mạnh và bền vững lâu dài, mọi người cần phải tin sâu nhân quả, tin mình có đủ khả năng làm chủ bản thân, mọi việc tốt xấu, nên hư thành bại đều do mình tác tạo…
Thích Đạt Ma Phổ Giác