“Giáo dục Phật giáo lấy việc phổ độ chúng sanh thành Phật đạo làm mục đích, Phật giáo sử dụng tất cả các hành vi, phương thức giáo dục đều vì phục vụ mục đích này. Trong suốt thời gian dài thực hiện giáo dục thực tiễn…
Khi đề cập đến sự nghiệp hoá độ chúng sanh của đức Phật, mọi người thường đề cập đến sự giáo hoá theo nguyên tắc “khế lý, khế cơ” để giáo dục, hướng mọi người đến cuộc sống hạnh phúc và giải thoát khổ đau. Nhưng sử dụng Lý như thế nào để khế hợp với căn cơ trình độ của người học. Đây chính là sự nghiệp cả cuộc đời giáo hoá độ sanh của đức Phật trong suốt thời gian bốn mươi chín năm. Và trong thời gian đó, đức Phật đã tiếp xúc nhiều đối tượng với trình độ và nhận thức khác nhau và hiển nhiên Ngài đã sử dụng các phương thức khác nhau để giao tiếp, các phương pháp khác nhau để tiếp độ. Từ đó đã tích tập và hình thành nguồn tư tưởng phong phú, một kho tàng tư liệu to lớn của Phật giáo, để rồi người đời sau đứng từ nhiều góc độ, phương diện khác nhau, như: Tôn giáo, Triết học, Tâm lý, Giáo dục, Văn hoá lịch sử, v.v.., để tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng theo từng quan điểm, cách nhìn của họ. Theo đó, chúng tôi xin trình bày quan điểm của mình về sự tiếp cận Phật giáo từ góc nhìn giáo dục học.
“Giáo dục Phật giáo lấy việc phổ độ chúng sanh thành Phật đạo làm mục đích, Phật giáo sử dụng tất cả các hành vi, phương thức giáo dục đều vì phục vụ mục đích này. Trong suốt thời gian dài thực hiện giáo dục thực tiễn, Phật giáo vô cùng quan tâm đến tính hữu hiệu của các phương pháp giáo dục, chủ trương thuyết pháp giáo hoá cần phải khế lý khế cơ, tức là đối cơ thuyết pháp, tuỳ cơ nhiếp hoá; cần kết hợp chân lý phổ biến của Phật giáo và tình huống cụ thể của đối tượng tiếp nhận giáo dục”(1). Pháp bảo của Phật giáo được xem như là cơ sở lý luận và phương pháp ứng dụng thực tiễn hết sức quan trọng của giáo dục Phật giáo. Phật giáo tuy có nhiều loại hình giáo dục khác nhau, nhưng mục đích đều hướng dẫn mọi người thực hiện con đường hạnh phúc, xoa dịu khổ đau, vượt qua những chướng ngại, bế tắt trong cuộc sống. Giáo dục Phật giáo bồi dưỡng cho mọi người về cái nhìn chân chánh, kỷ năng sống và nhân cách đạo đức để tự nâng cao đời sống của bản thân, hoàn thiện các mối quan hệ và cùng góp sức phục vụ cộng đồng xã hội.
Có thể nói, Phật giáo thực hiện công tác giáo dục thông qua các phương diện như phương pháp truyền đạt, nội dung cần truyền đạt, quá trình ứng dụng và tác dụng của việc thực hiện đó. Trong kinh Đại thừa bổn sinh tâm địa quán, quyển 2, đức Phật dạy: “Này các thiện nam! Trong Phật bảo có vô lượng Phật, cũng vậy Như lai thuyết Pháp bảo, trong Pháp bảo có vô lượng nghĩa. Thiện nam tử! Trong Pháp bảo có bốn loại: Giáo pháp, Lý pháp, Hành pháp và Quả pháp. Tất cả Thanh, Danh, Cú, Văn, v.v.. đưa đến đoạn trừ nghiệp chướng, phiền não, vô minh thì gọi là Giáo pháp; các pháp Hữu vi và Vô vi gọi là Lý pháp; thực hành Giới định tuệ gọi là Hành pháp; Vô vi diệu quả gọi là Quả pháp” (2). Hoặc trong kinh A Di đà nghĩa sớ, quyển 1: “Đại giác Thế tôn cả đời giáo hoá, tiểu thừa đại thừa tuy rằng có khác nhưng không ngoài Giáo, Lý, Hạnh, Quả. Từ trong giáo mà hiển lý, nương vào lý mà hành trì, nhờ sự hành trì mà chứng đạt đạo quả, không một pháp nào không bị sự chi phối của bốn pháp này” (3). Qua đó, chúng ta có có thể xem phần Giáo và Lý thuộc về phạm trù lý luận, Hành và Quả là phạm trù thực tiễn. Lý luận trong Phật giáo hoàn toàn dựa vào sự chứng nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm thực tế mà có, nó có khả năng chỉ đạo thực tiễn và ứng dụng thực tiễn. Không có thực tiễn thì lý luận chỉ là lý thuyết suông; không có lý luận thì thực tiễn có thể là một sự mù quáng. Giữa các phương diện Giáo, Lý, Hạnh, Quả luôn có quan hệ hữu cơ và luôn bổ trợ lẫn nhau. Đây là quá trình hoạt động giáo dục của Phật giáo, trong công tác giáo dục Phật giáo rất quan tâm đến phương pháp để chuyển tải, truyền đạt nội dung các nguyên lý, chân lý; để từ đó dẫn đến sự vận dụng, ứng dụng, thực tập và hành trì để đạt hiệu quả, tác dụng của công tác giáo dục.
Đức Phật đã vận dụng bốn pháp này để chuyển pháp luân, phổ độ chúng sanh, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của Ngài. Trước hết là “Giáo pháp”, trong tam tạng kinh luật luận, chúng ta dễ dàng thấy đức Phật sử dụng rất nhiều phương pháp khác nhau để nhiếp chúng độ sanh, dùng nhiều phương tiện khác nhau để thực hiện công tác giáo dục. Thông qua nhiều cách khác nhau như: Diễn thuyết, quán sát, luyện tập, vấn đáp, so sánh, v.v…Ngài đã tuỳ vào căn cơ trình độ mà thuyết giáo, tuỳ vào địa phương mà thuyết giáo, tuỳ vào thời gian mà thuyết giáo và tuỳ vào từng việc cụ thể mà thuyết giáo. Tất cả các phương pháp “…trong giáo dục Phật giáo, không một đối tượng nào được áp dụng một phương pháp nào mà chưa được trải qua thể nghiệm “, “Như thế, có thể nói phương pháp giáo dục trong Phật giáo là phương pháp kinh nghiệm, phương pháp giáo dục kinh nghiệm thức tế” (4). Giáo pháp được xem như là công cụ để diễn đạt nội dung giáo lý của đức Phật, nó là một trong những phương tiện không thể thiếu trong công tác giáo dục Phật giáo.
Kế nữa là “Lý pháp”, hệ thống tư tưởng đạo lý được đúc kết lại từ sự tu chứng, từ trong kinh nghiệm thực tiễn của quá trình giáo dục của đức Phật mà hình thành. Nội dung đạo lý ấy tuỳ theo từng đối tượng được giáo dục mà triển khai, ví như Nhân thừa thì sẽ được học và hành năm điều đạo đức (năm giới) trong đời sống xã hội; Nếu đối tượng là Thiên thừa thì sẽ được tiếp nhận nội dung giáo dục là mười điều thiện lành để điều phục và cải thiện của ba phạm trù thuộc hành vi, lời nói và tư duy; Nếu đối tượng là Thanh văn thừa thì sẽ được học và hành theo mười hai nhân duyên; Và nếu là thực hiện con đường Bồ tát, thực hiện giáo dục giác ngộ tự thân và giác ngộ cho mọi người thì sẽ học và hành nội dung của Lục độ, Tứ nhiết, Tứ tất đàn, v.v… Ngoài ra, hệ thống tư tưởng, quan điểm của các nguyên lý như: Duyên sinh, Trung đạo, Nhân quả, Từ bi, Bình đẳng, v.v… cũng là hệ tư tưởng nhằm giáo dục nhân cách đạo đức, định hướng nhận thức về nhân sinh quan và vũ trụ quan một cách khách quan của chân lý. Chúng ta có thể nhận định tổng quát về nội dung giáo dục Phật giáo như: “Nội dung giảng dạy của đức Phật và chư Thánh đệ tử của Ngài là một nội dung đạo đức học hướng đến sự nhận thức đúng đắn để đánh giá hành động và thực hành các giá trị hầu tiến đến sự an lạc và giải thoát trong hiện tại và tương lai” (5).
Phần “Hành pháp” là quá trình thực hiện các nội dung được trình bày ở phần “Lý pháp”. Nhằm thực tập và phát huy tính giác ngộ, duy trì và nuôi dưỡng sự tỉnh giác; nhận thức chân thực về bản chất nội tại và điều kiện khách quan; Thực tập sự hoà hợp, để tăng trưởng đạo tâm, hoàn thiện đạo hạnh. Hay nói cách khác, là sự tu dưỡng về tánh giác ngộ, tu dưỡng về sự quán chiếu thực tánh của các pháp, tu dưỡng về tinh thần hoà hợp, đó chính là sự tu tập hành trìcủa tự tánh Tam bảo. Tổ sư Minh Đăng Quang dạy “Cái SỐNG là phải sống chung. Cái BIẾT là phải học chung. Cái LINH là phải tu chung”. Đây là quá trình hành trì và vận dụng các giáo lý để đạt được các Thánh quả giải thoát, để tự thân và mọi người xung quanh được sống hạnh phúc, an toàn trong hiện tại và trong tương lai. Và đây chính là tác dụng, là hiệu quả, là kết quả và cũng là mục đích của giáo dục Phật giáo. Trong quyển Học Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang dạy “Tất cả các pháp là để đến với Hoa Nghiêm. Tất cả giáo lý là để đến với chơn như. Tất cả sự học là để đến với chơn lý”. Và đây là “Quả pháp”.
Để kết thức bài viết, chúng tôi tạm trích phần giới thiệu về phương pháp học Phật của Hoà thượng Minh Châu như sau: “Học đạo, nghĩa là y theo văn tự trong kinh điển mà học hỏi nghiên cứu; Hiểu đạo, nghĩa là y theo nghĩa lý của văn tự trong kinh điển mà hiểu giáo lý Phật dạy; Hành đạo, nghĩa là y theo những phương pháp hành trì mà tập sống, tập hành trì theo những phương pháp Phật dạy; Chứng đạo, nghĩa là chứng nghiệm được những kết quả sự hành trì theo phương pháp Phật dạy”(6). Chúng ta có thể nhận định chung về các hoạt động của giáo dục Phật giáo rằng “Quy nguyên vô nhị lộ, phương tiện hữu đa môn”, bởi vì sự vận dụng nguyên tắc khế lý, khế cơ, khế thời trong giáo dục để phù hợp với thật tướng của các pháp, và thích hợp với mọi trình độ chúng sanh. Đây chính là tổng quát của các quá trình giáo dục Phật giáo.
Giác Nhường
Chú thích:
(1): Giác Tỉnh chủ biên,Phật giáo giáo dục quan, NXB Văn hoá tôn giáo, năm 2008, tr.13 (sách tiếng Hoa); (2): Đại tạng kinh, bản điện tử (CBETA), T03, no. 159, p. 299; (3): CBETA, T37, no. 1761, p. 356; (4): Nguyên Hồng, Giáo dục học Phật giáo, NXB Tôn giáo, năm 2004, tr.127; (5): HT. Thích Giác Toàn, Giáo dục Phật giáo – tài liệu giảng tại Học Viện Phật giáo TP.HCM, năm 2005, tr.11; (6): HT. Thích Minh Châu, Đức Phật nhà đại giáo dục, NXB Tôn giáo, năm 2004, tr.115.