Sau đây là bản dịch bản tin “Dalai Lama’s Translator On Why Compassion Is In Everyone’s Best Interest” (Người Thông Dịch của Đức Đạt Lai Lạt Ma Nói về Từ Bi Đã Nằm Sẵn Trong Lợi Ích Tốt Nhất của Mọi Người) trên thông tấn ABC News Radio ngày 7-7-2016.
Đức Đạt Lai Lạt Ma (trái, có khăn che trên đầu cho đỡ nóng trong một trưa hè tháng 6-2016) và người thông dịch Thupten Jinpa trong một buổi gặp gỡ Phật tử ở Chùa Điều Ngự, California. (Ảnh: PTH)
(NEW YORK) — Thupten Jinpa là một cựu tăng sĩ, hoàn tục để lập gia đình, trở thành một tác giả, và trong 30 năm qua, là người thông dịch chính về tiếng Anh cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Là một học giả Phật giáo, Jinpa đã mở ra một khóa dạy ở đại học y khoa Stanford Medical School có tên là Compassion Cultivation Training (Hướng Dẫn Huân Tập Từ Bi), dạy người học một chuỗi kỹ thuật thiền tập được soạn ra để giúp vun đắp lòng từ bi. Cuốn sách của ông có nhan đề “A Fearless Heart: How the Courage to be Compassionate Can Transform Our Lives” (Tâm Không Khiếp Sợ: Cách Để Hùng Tâm Trở Thành Từ Tâm Có Thể Chuyển Hóa Cuộc Đời của Chúng Ta) để dùng như một cẩm nang, sử dụng nghiên cứu khoa học và các truyền thống Phật giáo để giải thích về cách thực tập từ bi có thể cải thiện phẩm chất đời sống của chúng ta.
Jinpa nói với phóng viên Dan Harris của đài ABC News trong một cuộc phỏng vấn cho băng ghi âm tựa đề “10% Happier” (Hạnh Phúc Thêm 10%) (1) rằng: “Lợi ích đầu tiên của từ bi là cho chính bạn. Nó chính là lợi ích riêng chính bạn.”
“Từ bi là phản ứng tự nhiên bạn kinh nghiệm thấy, khi đối diện với người khác đang đau khổ, là nơi bạn có thể nối kết với kinh nghiệm của người đó và ước muốn làm điều gì khi gặp như thế. Nếu bạn có thể luyện tâm để bạn có thể đáp ứng đủ để thương cảm, và rồi tới lòng từ bi, rồi sự tập trung của bạn sẽ hướng về tìm một giải pháp, chớ không phải để kẹt trong nỗi khổ đau.”
Jinpa ngồi nói chuyện với Harris về kinh nghiệm quá khứ, về việc ông làm với ngài Đạt Lai Lạt Ma, về tu tập và nghiên cứu về từ bi, và về quan hệ giữa từ bi và tranh đua. Jinpa lý luận rằng từ bi hướng về chính chúng ta, bất kể cảm xúc đó bề ngoài thế nào, là vì lợi ích cho chính chúng ta.
Jinpa nói, “Nếu bạn có thể đưa một chút từ bi vào trong đời của bạn, bạn có lợi ngay, bởi vì bạn cảm thấy hạnh phúc hơn. Không có lý gì khi có ai đó rất là thành công, mà lại cùng lúc rất là sâu thẳm tội nghiệp. Rồi thì, thành công có nghĩa gì chớ?”
Jinpa đã làm việc với Đức Đạt Lai Lạt Ma trong hơn 3 thập niên. Ông nói giỡn rằng, ngay cả Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng có lúc bực dọc.
Jinpa nói, “Dĩ nhiên, Ngài là một người. Đối với tôi, để nói một cách lương thiện, khi tôi thấy Ngài có lúc bực dọc và la rầy tôi, tôi thực sự cảm thấy tôn kính Ngài hơn, bởi vì Ngài không tìm cách che giấu. Ngài rất chân thực, Ngài rất mực chân thực. Những gì bạn thấy [nơi Ngài] là những gì bạn biết là đúng như thế. Dĩ nhiên, Ngài có năng lực nhuần nhuyễn luyện tâm rất là ấn tượng, nhưng nói cho cùng, Ngài cũng là một người.”
Thời thơ trẻ của Jinpa đầy hỗn loạn. Năm 1959, khi xảy ra Cuộc Nổi Dậy Tây Tạng để chống Trung Quốc, Jinpa chỉ mới một tuổi, gia đình của ông chạy thoát khỏi Tây Tạng và định cư ở Ấn Độ. Khi ông 9 tuổi, má chết, và cha ông xuất gia vào tu viện. Jinpa cũng trở thành nhà sư vào năm 11 tuổi, trong khi còn trong trường nội trú.
Jinpa nói, “Lý do vì sao tôi chọn trở thành nhà sư, tôi nhớ rõ là có một nhóm nhà sư tới, ngụ vài tuần lễ trong trường của chúng tôi, và mỗi lớp được một nhà sư nói chuyện. Họ kể chuyện về Ấn Độ xa xưa và về Phật giáo, và cuộc đời Đức Phật thật tuyệt vời. Và dĩ nhiên, là một cậu bé mới 8, 9 tuổi, tôi chỉ muốn như các vị sư đó.”
Jinpa rời trường trong thập niên 1970s, khi một nhóm rất đông những người hippies tới Ấn Độ. Jinpa nói ông học tiếng Anh từ một cuộc gặp gỡ thường xuyên với “một người đặc biệt” từ phong trào hippie đó.
Năm 1985, Jinpa nói ông trở thành thông dịch viên tiếng Anh cho Đức Đạt Lai Lạt Ma vì “thuần túy cơ duyên.” Lúc đó, Jinpa nói đang thăm các anh/em của ông ở Dharamsala, Ấn Độ, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đang thăm nơi này để thuyết giảng. Người thông dịch chính lúc đó của Đức Đạt Lai Lạt Ma không tới được trong ngày đầu tiên.
Jinpa kể, “Người ta đang kiếm ai đó để thế chỗ thông dịch. Thế rồi có ai đồn rằng có nhà sư trẻ này giỏi tiếng Anh, có thể nhà sư trẻ này giữ được vị trí thông dịch đó. Rồi cứ thế, tôi được kéo ra khỏi chỗ ngồi, đẩy lên trên để thông dịch cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.”
Vài ngày sau, Jinpa được Đức Đạt Lai Lạt Ma mời làm người thông dịch cho Ngài toàn thời gian.
Jinpa nói, “Tôi ứa nước mắt. Quý vị biết đó, đối với một người Tây Tạng, với người ở tuổi đó, với chúng tôi, Đức Đạt Lai Lạt Ma là nhân vật rất cao tuyệt vời, là cội nguồn của ý nghĩa chúng tôi, là cội nguồn mục tiêu của chúng tôi, của sự hiện hữu của chúng tôi trong cộng đồng chúng tôi. Và dĩ nhiên, tối rất là xúc động.”
Rồi thì, Jinpa cũng rời tu viện, bởi vì ông muốn lập gia đình.
Jinpa nói, “Một trong những chuyện tôi đối phó khi là một nhà sư là ước muốn lập gia đình. Có lẽ vì tôi đã nhớ tới đời sống gia đình từ khi còn rất trẻ.”
Ông nói tiếp, “Tôi thực sự chưa bao giờ có một gia đình thực, kiểu là, trong trí nhớ nồng ấm. Do vậy tôi nghĩ là tôi muốn có gia đình, và ý nghĩ đó cứ mãi theo đuổi.”
Jinpa kết hôn và bây giờ, ông, vợ ông và hai người con ở tuổi vị thành niên đang sống ở Montreal. Bên cạnh làm việc cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, Jinpa cũng giữ chức chủ tịch hội bất vụ lợi Mind and Life Institute, một tổ chức nghiên cứu khoa học về hiệu ứng của kỹ thuật chánh niệm trên não bộ.
Ông nói, “Bây giờ càng lúc càng thấy một số chỉ dấu rằng khi bạn càng từ bi, bạn càng có thể giúp người khác lợi ích như một phần của phương trình, bạn cảm thấy giảm căng thẳng hơn. Bằng cách mở lòng mình ra, để không gian cho người khác, thế là kiểu như là làm giảm độ dày đặc của nỗi lo lắng của chính chúng ta và cả nỗi khổ đau của chính chúng ta.”
Nguyên Giác
Nguyên văn: http://kticradio.com/abc_health/dalai-lamas-translator-on-why-compassion-is-in-everyones-best-interest-abcid35729262/
GHI CHÚ của dịch giả:
(1) “10% Happier” là sách in trên bản giấy, cũng có bản ghi âm podcast, nổi tiếng như một hướng dẫn cụ thể và đơn giản về thiền chánh niệm. Sách “10% Happier: How I Tamed the Voice in My Head…” được giải thưởng Living Now Book Award for Inspirational Memoir Nightline trong năm 2014.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)