Người không biết không thấy là hạng người không đủ khả năng phân tích đạo lý đúng sai, đâu là sự thật…
“Kinh Trung Bộ” ‘Kinh Tất Cả Lậu Hoặc’ đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự chấm dứt khổ đau (lậu hoặc) cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Như thế nào để chấm dứt khổ đau cho người biết, cho người thấy? Có như lý tác ý và không như lý tác ý.”
Lời bàn:
Ở đây chúng ta cần làm rõ ý nghĩa như thế nào gọi là người biết người thấy, và như thế nào gọi là người không biết không thấy. Người biết người thấy chỉ cho người biết rõ thấy rõ: ‘Đây là sự thật’, sau khi thấy rõ người ấy cần phải tôn trọng sự thật, không vì bất cứ lý do gì dẫn đến trường hợp bóp méo sự thật ấy, trái nói thành phải hoặc phải nói thành trái.
Ngược lại, người không biết không thấy là hạng người không đủ khả năng phân tích đạo lý đúng sai, đâu là sự thật, hoặc đã thấy được sự thật, nhưng vì một nguyên nhân nào đó dẫn đến thái độ không tôn trọng sự thật, từ đó dẫn đến trường hợp chuyện hợp pháp nói thành phi pháp, chuyện phi pháp nói thành hợp pháp. Đây là hạng người đức Phật gọi là người không biết người không thấy.
Thế thì làm thế nào để phân biệt thấy rõ giữa việc đúng và việc sai? Ở đây Phật giải thích: Cần phải ‘như lý tác ý’. Có nghĩa là khi ta suy nghĩ vấn đề gì, cần phải dựa vào yếu tố nhân duyên của vấn đề ấy suy nghĩ, không thể lấy yếu tố nhân duyên khác, không liên hệ đến vấn đề ấy suy nghĩ, ví dụ bụng đói thì hãy suy nghĩ ngay các thức ăn, đừng suy nghĩ ngồi thiền hay tụng kinh, mong rằng tụng kinh hay ngồi thiền sẽ làm no bụng. Cách suy nghĩ hợp lý, dẫn đến hành động đúng đắn, hành động đúng chắc chắn sẽ mang lại sự an lạc hạnh phúc, không mang lại khổ đau, những phiền não khổ đau trước đây đã tạo cũng theo đó chấm dứt. Đó chính là lý do đức Phật giải thích: Muốn chấm đứt khổ đau phải như lý tác ý; tâm như lý tác ý là tâm thấy được sự thật và biết tôn trọng sự thật.
TT Thích Hạnh Bình / Phật học đời sống
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)