Ngồi chỗ cao mà giảng

Hình Ngồi chỗ cao mà giảng
- Tác giả: admin
Mục lục bài viết:

Theo truyền thống xã hội Việt Nam, người thầy luôn được tôn trọng. Để thực hiện công việc giảng dạy, người thầy cần phải đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất. Ngoài ra, việc giảng dạy phải được tiến hành trong khung cảnh trò tôn kính thầy và thầy coi trọng trò. Chuyện tiền thân Chavaka kể lại một trường hợp liên quan đến điều kiện về khung cảnh giảng dạy như vậy.

Ngồi chỗ cao mà giảng image-1731941461985
Ngồi chỗ cao mà giảng

Chuyện này do bậc Đạo sư kể khi ngài trú tại Jetavana. Chuyện kể về sáu Tỳ-kheo giảng giới luật mà ngồi chỗ  thấp. Bậc Đạo sư gọi sáu Tỳ-kheo đến và hỏi xem có thật họ đã ngồi ở chỗ thấp mà giảng giới luật không. Họ trả lời thú nhận rằng thật như thế. Bậc Đạo sư quở trách họ về việc vi phạm giới luật ấy và bảo rằng các trí giả xưa kia cũng đã phải quở trách người ta về việc ngồi ở chỗ thấp mà giảng dạy, dù là giảng dạy các học thuyết ngoại đạo đi chăng nữa. Đoạn Ngài kể lại một chuyện đời xưa.

Luật  Mahàsamghika  (Ma-ha Tăng-kỳ)  quyển  thứ hai mươi hai kể lại việc ngài Nanda, Upananda  ngồi ở giường nhỏ thấp để giảng cho Tướng quân Siha. Sách Luật nói rằng người đời chê: Sa-môn Thích tử mà giống diễn viên, ngồi giường thấp mà giảng cho người ngồi giường cao, thật là bại hoại. Còn Tướng quân Siha này không có tâm cung kính, nghe bài giảng vi diệu như vậy mà ngồi trên cao. Việc đó được trình lên Đức Phật, Ngài bèn  đặt  ra điều luật: Tỳ-kheo không  được ngồi dưới giường thấp  mà thuyết  pháp  cho người trên giường cao nghe, trừ khi họ bị bệnh. Như Đức Phật đã nói, dù giảng dạy gì đi nữa thì cũng phải giữ vị trí của thầy và trò. Việc người thầy ngồi ở chỗ cao không chỉ mang ý nghĩa vật lý là chiều cao của bục giảng mà mang ý nghĩa của việc chuẩn  bị một tâm thế cao trong  việc giảng  dạy. Trong truyền  thống  Lamrim của Tây Tạng (xem Giải thoát trong lòng tay, 2010, Thích nữ Trí Hải dịch), người thầy không được giấu những  điểm mấu chốt; không được tự ca tụng mình; không được lừ đừ, trì trệ; không được bàn lỗi của người khác do yêu hay ghét; không được câu giờ trì hoãn; không được ganh tị khi thấy người học giỏi hơn mình. Ngoài ra người thầy còn phải có lòng từ bi với người học; phải có thái độ giống thầy thuốc chữa bệnh; phải xem điều mình giảng (Phật pháp) như thuốc chữa bệnh; phải xem người học như người có bệnh; phải xem việc thực hành bài học như việc chữa bệnh. Chúng ta quay trở lại câu chuyện tiền thân.

Ngày xưa, khi vua Bramadatta trị vì xứ Benares (Ba-la- nại), Bồ-tát sinh ra là con của một phụ nữ thuộc giai cấp tiện dân (Pariah).

Trong quá trình luân chuyển trong nhiều kiếp, một cá thể có thể trải qua nhiều cảnh sống khác nhau, có khi sung sướng, làm vua, làm đại gia, có khi làm người ăn xin, nghèo  hèn. Người nghèo  khó thì muốn  sung sướng và không có điều kiện để ăn chơi. Họ phải tích lũy nhiều việc làm tốt, lợi ích cho mình và cho chúng sinh khác để có thể có đời sống sung sướng ngay trong kiếp đó hay trong kiếp kế tiếp. Tuy nhiên, khi đã có đời sống sung sướng thì lại hưởng thụ, ít làm việc tốt. Do đó, trong đời sống kế tiếp, có thể họ lại phải gặp phải cảnh khổ. Hết sướng lại khổ, hết khổ lại sướng. Do đó mới có câu: “Không ai (có mãi cảnh) giàu (khi tái sinh vào) ba họ, không ai (có mãi cảnh) khó (khi tái sinh vào) ba đời”. Sướng khổ luân phiên là một trong các nỗi khổ của việc tái sinh. Quay trở lại câu chuyện.

Người lớn lên và trở thành gia trưởng. Vợ người đang mang thai, rất thèm ăn xoài nên bảo chồng: “Anh ơi, em muốn ăn xoài quá”, “Này em yêu, mùa này không có xoài, anh sẽ đem về cho em một vài trái chua khác”. Nàng bảo: “Anh ơi, nếu được ăn xoài thì em sống. Nếu không thì em chết mất!”.

Đây là câu chuyện xảy ra trong các gia đình không dư dả. Người vợ có thể so sánh với các phụ nữ khác và cảm thấy tủi thân  vì mình không bằng  chị bằng  em. Họ cũng có thể đòi hỏi các món thời trang, thực phẩm mà trong  nhà  không  có. Trường hợp tương  tự cũng  có thể xảy ra với nhiều đứa con trong gia đình không khá giả. Chúng có thể so sánh với các bạn đồng trang lứa và cảm thấy mình thua thiệt. Hiện tượng này tạo ra một tâm lý khổ sở có thể gọi là khổ gấp đôi, khổ (tâm lý) trong khổ (vật chất) và có khả năng dẫn đến nhiều hậu quả xấu cho chúng và cho người khác nếu chúng  manh động. Vì thế, trong trường học cần phải tạo ra một môi trường bình đẳng để tránh các tâm lý này. Hiện tượng cùng trong một trường mà có học sinh học trong lớp có máy điều hòa, có học sinh học trong phòng nóng nực là không tốt.

Người chồng rối trí vì quá yêu vợ, nghĩ rằng “Ta kiếm đâu ra một trái xoài bây giờ”. Bấy giờ trong vườn của vua Benares có một cây xoài ra trái quanh năm. Vì thế chàng nghĩ: “Ta sẽ đến đó hái một trái xoài chín để làm dịu cơn thèm của nàng”. Đêm xuống, chàng đến khu vườn ấy rồi trèo lên cây, bước từ cành nọ sang cành kia mà tìm trái. Trong khi chàng miệt mài như thế thì trời bắt đầu sáng. Chàng tự bảo: “Nếu bây giờ mà ta tuột xuống mà ra đi, ta sẽ bị trông thấy và bị bắt như một tên trộm, ta nên chờ cho đến khi trời tối đã!”. Thế rồi chàng trèo lên chỗ chĩa của cây và ngồi vào đó.

Người chồng không muốn làm điều xấu, tuy nhiên hoàn  cảnh đưa đẩy khiến chàng  nghĩ đến việc đi ăn trộm. Điều này minh họa cho câu: “bần cùng (dễ) sinh đạo tặc”. Trong trường  hợp này, việc giữ mình trong sạch quả thật khó khăn.

Lúc ấy, vua đang nghe vị giáo sĩ của ngài giảng kinh. Khi hai người vào vườn cây, vua ngồi xuống một chỗ cao nơi gốc cây xoài, để giáo sĩ ngồi ở nơi thấp hơn và nghe giáo sĩ thuyết giảng. Bồ-tát ngồi ở phía trên họ, tự nghĩ: “Ông vua này thật bậy quá; đang nghe giảng kinh mà ngồi chỗ cao. Còn Bà-la-môn kia cũng bậy không kém, ngồi ở chỗ thấp mà giảng dạy. Còn ta cũng bậy nốt vì ta quá chiều đàn bà, chẳng kể chi mạng sống mà đi ăn trộm xoài thế này”.

Tình huống  này thật  đặc biệt: ăn trộm ở trên cao nhất,  ông vua ở dưới thấp  hơn, ông thầy giảng  đạo ở thấp  nhất. Tôn ti trật tự bị đảo lộn. Tương tự, trong xã hội, nếu những  kẻ có tiền kiếm được bằng  những cách không chính đáng được tôn trọng cao nhất, còn những người có đạo đức bị xếp thấp nhất thì xã hội đó sẽ suy thoái.

Thế rồi chàng đu vào một cành cây mà buông người xuống, đứng trước vua, giáo sĩ và bảo: “Thưa đại vương, tôi là một gã mất đi, ngài là một kẻ cuồng si và tu sĩ này là một người chết”.

Bồ-tát thấy mình là “gã mất đi” có thể vì, để thỏa mãn ước muốn phù phiếm của người vợ, ngài đã mạo hiểm hy sinh mạng sống đi ăn cắp xoài. Nhà vua là “kẻ cuồng si” có thể vì ông ta ở trong trạng thái tâm lý trái ngược. Một mặt nhà vua vẫn muốn học hỏi từ các bài thuyết giảng của vị giáo sĩ, mặt khác ông lại không xem trọng bài học đó và người giảng bài học đó đúng mức. Mặt  khác, đối với một vị vua, thì việc cai trị và ổn định xã hội là điều quan trọng. Để có được điều đó cần sự hỗ trợ của các bậc trí giả. Tuy nhiên, việc tự mình ngồi trên cao và để người giảng ngồi dưới thấp sẽ khiến những người có trí chán nản vì không được coi trọng. Giáo sĩ là “một người chết” có thể là vì, đối với ông ta hiểu biết cũng giống như mạng sống, việc không coi trọng hiểu biết ấy cũng giống như từ bỏ mạng  sống của mình. Quay trở lại câu chuyện.

Vua hỏi nghĩa câu nói của Bồ-tát. Ngài đọc đoạn thơ sau:

Thưa đạo sư, thưa Vương đệ tử,
Tôi thấy kia một sự lỗi lầm.
Hai ngài rơi khỏi hiền tâm
Hai ngài giới luật đều làm sai hư.

Giáo sĩ Bà-la-môn nghe thế liền nói đoạn thơ thứ hai:

Gạo ta ăn lấy từ đồi nọ
Mùi thơm ngon như có thịt vào.
Kẻ kia tội lỗi, tại sao
Thánh đang dùng bữa lại rao giới điều.

Như vậy, giáo sĩ không biết hành vi của mình phạm lỗi, ngoài ra ông ta vẫn thấy mình trong sạch do nếp sống  ăn uống  trong  sạch. Tuy nhiên,  mọi sự không trong sạch là từ trong lòng mà ra.

Vì thế Bồ-tát nói:

Hãy dọc ngang mọi chiều mặt đất,
Bà-la-môn người sẽ thấy ra
Xem kia đau khổ ấy là
Số phần chung của người ta trên đời
Do tội lỗi người đời tàn ố
Giá còn thua mảnh vỡ chiếc bình
Coi chừng tham ý dục tình
Chúng đưa tới cõi khổ hình đau thương.

Bồ-tát phản bác giáo sĩ. Ngài cho ông ta biết rằng sự trong sạch không phải do việc ăn gạo sạch hay là do các nghi lễ. Sự trong sạch là do không có “tham ý dục tình”. Khi đã phạm các lỗi từ “tham ý dục tình” thì con người chẳng còn giá trị gì, chỉ giống như “mảnh vỡ chiếc bình”, cho dù đó là chiếc bình quý giá.

Nhà vua rất hài lòng về việc trình bày giới luật của chàng, hỏi chàng thuộc giai cấp nào. Chàng thưa: “Tâu ngài, tôi là hạng tiện dân”. Vua bảo: “Này bạn, nếu bạn thuộc một gia đình có đẳng cấp cao thì ta đã đưa bạn lên làm vua luôn rồi. Nhưng từ nay, ta sẽ là vua ban ngày, còn bạn sẽ là vua ban đêm”. Vua nói xong, quàng cổ chàng tràng hoa mà vua vẫn đeo và phong chàng làm quan tổng trấn. Từ đó các quan trong thành có lệ mang một tràng hoa đỏ ở cổ. Cũng từ ngày đó trở đi, vua an trú trong những lời khuyên dạy của các vị thầy, rất kính trọng thầy dạy mình và ngồi chỗ thấp mà nghe thầy dạy kinh điển.

Thuyết giảng xong, bậc Đạo sư nhận diện tiền thân: “Bấy giờ, Ananda là vị vua, còn Ta đây chính là người tiện dân kia”.


Tấn Nghĩa

Trích Văn Hoá Phật Giáo số 209

Tin mới

Người lái đò thầm lặng trong cuộc đời

Mục lục bài viết: Thầy! Người xuất hiện trong cuộc đời những người học trò như chúng e một cách nhẹ nhàng nhưng đã lắng đọng lại những bài học vô cùng sâu sắc và không bao giờ mờ nhạt  đó chính là kiến thức mà thầy cô đã tận tụy truyền đạt, và cả

Tây Ninh: Hơn 100 Tu sĩ đi khất thực “Khóa tu Khất sĩ lần thứ 36”

Mục lục bài viết: PHĐS: Khất thực, một truyền thống lâu đời trong Phật giáo, mang ý nghĩa sâu xa hơn việc nhận thực phẩm. Đó là hành động thể hiện sự khiêm nhường, nhắc nhở về mối liên kết giữa tu sĩ và cư sĩ. Người tu hành đi khất thực không chỉ nhận

Nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện”

Mục lục bài viết: Với hiệu quả thiết thực của bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đến nay Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện” (BATT) tại nhiều bệnh viện trong tỉnh. Đặc biệt, hoạt động nhân văn này

Gập ghềnh con đường đến trường

Mục lục bài viết: Mẹ bỏ đi khi em tròn 1 tuổi. Ít lâu sau người cha cũng qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại em cho bà nội. Em lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ, nhưng lại đầy ắp tình yêu thương của bà. Tuy nhiên, sức

Sống tích cực là con đường tới thành công

Mục lục bài viết: Một người hạnh phúc không phải là một người sống trong hoàn cảnh thuận lợi, mà là một người có thái độ sống đúng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có thể trong một khoảnh khắc, một quãng thời gian nào đó bất kỳ ai cũng có thể có cảm giác

Ca sĩ Anh Tâm kể nhân duyên đến với Phật pháp

Mục lục bài viết: Là một ca sĩ hát nhạc thị trường bỗng có duyên lành hát ở chùa, tham gia các công tác từ thiện Phật giáo…, ca sĩ Anh Tâm dần chuyển sang hát nhạc Phật. Mới đây, anh cho ra mắt album Lạy mẹ Quan Âm với tâm nguyện cúng dường Tam

Điều kỳ diệu của cho đi và nhận lại

Mục lục bài viết: Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh. Ảnh: minh họa

Richard Gere trải nghiệm cuộc sống người vô gia cư

Mục lục bài viết: Trong bộ phim mới của mình đang được thực hiện, Richard Gere đã trả nghiệm cuộc sống của những người vô gia cư và nhận ra nhiều điều thú vị. Hình ảnh nam tài tử gạo cội Hollywood bước ra đường chỉ với 100USD được đưa lên facebook đã gây nhiều