Post: : Admin

Có một thầy giáo dạy khoa học tự nhiên rút một câu thế này: trong sự học, quan trọng là phương pháp. Tôi tâm đắc: phương pháp là chìa khóa mở kho tàng tri thức.



Nghĩ về phương pháp: Phật học và văn hóa

Trong sự học - ở đây chỉ học các môn văn hóa, bao gồm khoa học tự nhiên- xã hội & nhân văn, ở bậc phổ thông, phương pháp đa dạng. Lối học tầm chương trích cú xưa cũ bị lên án, ngày nay lớp trẻ được tiếp cận các phương pháp học tiên tiến có hỗ trợ công nghệ, truyền đạt tri thức của người thầy thực sự là một khoa học đích thực, đọc chép – phấn trắng bảng đen đã lùi bước.

Học Phật, con đường đạt ngộ chân lý Phật giáo khá hấp dẫn nếu chỉ nhìn riêng dưới góc độ phương pháp truyền đạt - truyền giáo, hoằng pháp hay ngược lại: cách thức đạt ngộ từ người cư sĩ Phật tử trong hành trình tìm ánh sáng Phật pháp, hiểu lời Đức Chí Tôn.

 

Con đường Thái tử Tất Đạt Đa tìm chân lý minh chứng rõ vấn đề đã đặt ra. Từ xuất phát của một trí thức hoàng gia - tạm gọi vậy, ở một trong những cái nôi của loài người, Ấn Độ - Thái tử Tất Đạt Đa có một nghi vấn to lớn về hạnh phúc và chân lý ở đời mà vốn tri thức sở đắc không thỏa. Thế là Người bắt đầu cuộc hành trình mãnh liệt khó tin, từ bỏ hết thảy đỉnh cao mình có ở thế gian, kinh qua nhiều trường phái tín ngưỡng đương thời- cũng tạm gọi vậy để cuối cùng thông qua quán tưởng suy nghiệm quyết liệt dưới cội Bồ đề suốt 49 ngày đêm Người đã đạt ngộ đạo, nội dung được dung chứa trong và ngoài pho kinh điển giàu tính thực tiễn và khúc triết, logic, biện chứng.

 

Điều đó, như đã nói, cho thấy, chính Đức Phật cũng không dễ dàng tìm ra Đạo, phải qua một quá trình gian nan sinh – tử gạn lọc và loại trừ, đáy là chưa nói đến vô lượng kiếp tích tụ phước duyên.

 

Vậy đặc thù phương pháp được đề cập ở đâu? Loại bỏ nhận thức sai, gạn lọc và quán tưởng để vỡ ra chân lý, ngộ. Đức Thế Tôn đã suy nghiệm mãi miết về một và chỉ một ván đề duy nhất: làm sao nhân sinh thoát khổ trong kiếp này và muôn số kiếp sau? Và cuối cùng Người nhận ra một con đường gọi là đường giải thoát được hệ thống chặt chẽ trong kinh điển và phi kinh điển, Đạo Phật.

 

Phương pháp học tập văn hóa có khác nhiều. Thông thường người ta hiểu (như đã tháy ở nhà trường): học trò tiếp cận các tri thức theo hệ thống từ đơn giản đến phức tạp dần theo phân chia lớp và cấp học; có những khối kiến thức được triển khai từng bước hay lặp đi lặp lại có mở rộng; ở các bậc học cao hơn phổ thông, trung cấp – cao đẳng – đại học sinh viên đi sâu từng vấn đề học thuật trong khi phổ rộng hẹp dần và cho đến khi bước vào sau đại học, nghiên cứu sinh chỉ và chỉ đi rát sâu – chi li – khám phá một vấn đề (mới) duy nhất, có một không hai, sáng tạo.

 

Tôi mày mò tự học là chính, nhận ra phương pháp học Phật “kiểu” nhất lý minh vạn lý thông, biết rõ một điều sẽ “vỡ” ra tất cả- là rất hay, theo quan điểm cá nhân, tát nhiên hoàn toàn không có ý hàm hồ phủ định tiến bộ sư phạm về phương pháp.

 

Nếu bạn, trong học văn học, khi gặp nan đề trong tiếp thu kiên thức, bất luận khoa học xã hội nhân văn hay tự nhiên bạn hãy học cách nhà Phật, tập trung trí não tư duy về nan đề ấy đến khi sáng tỏ hắn mới thôi, và sau đấy cứ như hiệu ứng đô mi nô, các nan đề liên đới được hiểu nhanh hơn nhiều. Nếu bạn ôm đồm học với tham vọng  “biết tuốt” trong quỹ thời gian ngắn và điều kiện khẩn trương về thời gian và không gian không thuận như diễn ra nhan nhản trong các mùa thi, tác dụng ngược là thường và có hại cho sức khỏe, thậm chí tẩu hỏa nhập ma. Hãy tập trung giải quyết kiến thức vững chắc, từng bước – học tinh thần cầu đạo của Đức Phật và các đệ tử của Ngài ngày nay và với quyết tâm “học văn hóa như cách nhà Phật học Đạo” bạn tất yếu có thành công.

 Đầu năm bàn chuyện vui, hy vọng được miễn chấp.

  

Nguyễn Thành Công