Hôm ấy tôi được giao cho nhiệm vụ hỗ trợ sinh viên của khoa trong lễ tốt nghiệp. Các công việc cần phải làm là giúp các bạn tân cử nhân trong khoa ổn định đúng chỗ ngồi đã được sắp xếp trước (để tiện cho việc lên sân khấu nhận bằng tốt nghiệp từ các thầy cô trưởng khoa), điều động và chỉnh trang lễ phục trước khi các bạn lên bục nhận bằng.
Một buổi lễ trang nghiêm đã diễn ra. Có phát biểu của thầy hiệu trưởng, có lời nhắn gửi của thầy cô, có tuyên thệ của đại diện sinh viên… Có những gương mặt tươi cười hãnh diện, có những nét mặt vui buồn lẫn lộn… Thiêng liêng, vui mừng và xúc động lắm!
Từ đây, sau buổi lễ tốt nghiệp này, các bạn sẽ bước tiếp hành trình của mình…
Ý nghĩa của bộ lễ phục được thầy giảng giải thật ngắn gọn nhưng đủ đầy ý nghĩa. Chiếc áo thụng là biểu trưng của sức mạnh tri thức và sự cổ kính. Chiếc mũ có hình vuông là đại diện cho quyển sách – cho tri thức. Chiếc tua là biểu đạt cho tri thức sinh viên tích lũy được suốt thời gian học tập tại trường và sẽ được thầy cô vén từ phải sang trái khi thực hiện nghi thức trao nhận bằng, như một sự công nhận và xác chứng cho những nỗ lực được ghi nhận. Chiếc túi càn khôn đại diện cho tri thức nhân loại và nhắc nhở các tân cử nhân phải luôn không ngừng học hỏi, ngay cả trên ghế nhà trường và cả ngoài cuộc sống.
Khi tôi đang thực hiện nhiệm vụ của mình, chuẩn bị cho đợt sinh viên đầu tiên lên nhận bằng thì một bạn nam quay sang hỏi tôi: Lát nữa em lên sân khấu đi chân không được không thầy? – Sao lại đi chân không, tôi hỏi. Em trả lời: Dạ, giày em bị hở keo rồi!
Tôi nhìn xuống và thấy đúng là chiếc giày đang hở cả một nửa rồi. Tôi đề nghị cho em mượn giày tôi đang mang, em cười mừng rỡ và cảm ơn tôi. Thế là tôi phải đi chân không để chỉnh lễ phục cho tốp đầu tiên và cho tốp của em. Có lẽ tôi là người vui hơn em, và xúc động hơn khi được em chia sẻ và khi tôi được cho em mượn giày và nhìn thấy em bước lên bục nhận bằng.
Rồi thêm một chuyện khó quên nữa. Có một em vô trễ và tôi buộc phải gạch tên em để nộp lại danh sách cho người xướng danh nhận bằng. Thình lình em vô lúc nào không hay và tiến lên hàng chờ. Thầy điều phối tổng chạy sang quát tôi: Danh sách 8 tên sao ở đây là 9 người, người ta có đi sao em gạch tên? Rồi thầy nói tiếp: Tôi không biết, em làm sao thì làm đi! Tôi bất ngờ không biết nói làm sao. Thế là đành phải thuyết phục bạn ấy về chỗ để tôi xin cho bạn được lên nhận bằng cùng tốp khác.
Về chỗ ngồi, bạn rất buồn và tôi cũng buồn. Bạn nói bạn đã vào ngồi nhưng bị đau bụng phải ra ngoài nhưng tôi biết chắc chắn là bạn đến trễ vì tôi đã đến điểm danh chỗ bạn ít nhất là 3 lần trước khi chốt tên vì buổi lễ phải bắt đầu, không thể chờ đợi thêm. Tôi nói với bạn rằng: Mình đã không thực hiện theo đúng quy định thì mình phải chịu trách nhiệm với sự trễ nãi của mình và tôi sẽ cố gắng xin giúp để bạn được lên nhận bằng.
Chạy đôn chạy đáo một hồi tôi cũng xin được cho bạn vào tốp cuối của một khoa khác để được trao bằng. Tôi nói với bạn, tôi biết bạn sẽ không vui trọn vẹn vì người trao bằng cho bạn không phải là cô trưởng khoa của bạn nhưng bạn hãy xem đây là một bài học nhắc nhở bạn về tính kỷ luật và nghiêm túc cũng như phải luôn có sự chuẩn bị cho mọi việc trong khả năng của mình. Bạn cười và cảm ơn tôi vì đã giúp được bạn. Có lẽ nếu hôm nay bạn không được cho phép lên nhận bằng thì người buồn hơn thảy chính là tôi. May mà mọi chuyện đâu cũng vào đấy, ai cũng vui…
Tôi chợt nhìn thấy hình ảnh của mình 7 năm về trước. Buổi lễ tốt nghiệp ngày ấy không trang nghiêm và ấm áp như hôm nay nhưng nó cũng đã đánh dấu một chặng đường đã đi qua và mở ra một quãng đường mới để mỗi người tự thân mình bước đi giữa cuộc đời này. Tôi chực rơi nước mắt khi nghe lời tuyên thệ của sinh viên và cảm thấy mình, thấy các bạn xung quanh thật may mắn – có diễm phúc được học hành, đi đến nơi về đến chốn. Còn bao người phải dở dang sự học vì hoàn cảnh, vì sự mưu sinh… Cũng là nước mắt đang rơi, nhưng khác nhau… khác nhau thật nhiều…
Trần Trọng Hiếu
(Giác ngộ)