Post: : Admin

Dòng đời mãi trôi như con nước, cuốn đi bao buồn vui, bao tuổi xuân cùng những ngày tháng đẹp. Khi giật mình nhìn lại, mới hay, ta vô tình để năm tháng đi qua…




Dòng đời mãi trôi như con nước, cuốn đi bao buồn vui, bao tuổi xuân cùng những ngày tháng đẹp. Khi giật mình nhìn lại, mới hay, ta vô tình để năm tháng đi qua… Mặt trời chơi trốn tìm sau núi. Những tia nắng cuối ngày đan nhau tạo nên hình rẻ quạt màu mỡ gà tuyệt đẹp. Hắn đứng tựa bên gốc cây ngắm hoàng hôn, chép miệng: “Sao mà đẹp thế nhỉ! Không biết ngày mai có được như thế này không nữa! Gớm, cái gì hiếm là quý như thế này đây!” - Hắn triết lý đột xuất.“Úi da”… hắn kéo ống quần lên “dòm”, thì ra là một ả kiến lửa đang “thèm thịt”, hắn đưa tay tóm cổ thủ phạm, nhưng hắn bỗng khựng lại như bắt gặp cái gì quan trọng lắm. Cái thẹo, phải rồi, cái thẹo. Hắn ngồi và xoa xoa…

1 - Mai Tèo đi phát cỏ với anh Tí nghe con. Mạ hắn nói. - Dạ. Hả? Cái gì? Đi phát cỏ á! Hắn có làm công việc đó bao giờ đâu! Đôi tay công tử bột như hắn nhổ cỏ còn chưa đứt chứ nói chi cầm cây rựa phát. Nhưng lạ, sao hắn vui thế, hắn có bị “ấm đầu” không đây?! Dường như hắn sướng lắm, mặt hắn tươi hẳn lên. Hôm sau, hắn thức dậy thật sớm, sớm hơn con gà gáy canh năm nữa, đi tới đi lui trong căn nhà gỗ mà không biết làm gì. Mạ hắn đang nấu cơm dưới bếp, hắn mon men đi xuống rồi lại lầm lũi đi lên. Bên ngoài, trời im lặng phát khiếp. Trời còn mờ mờ, hắn ơn ớn rồi leo lên giường… ngủ tiếp. Hắn ăn cơm thật nhanh rồi chạy ra sau hè, đến bên anh Tí nhận vũ khí tác nghiệp. Đám cỏ sau rẫy nhà hắn sẽ một phen khốn khổ lắm đây. Anh Tí nhìn hắn cười, ba hắn cười, mạ hắn cũng cười. Mặt trời dần lên, tiếng ve râm ran như cùng hoà chung một điệu nhạc mùa hè với cây, với cỏ, với bọn chim sáo tung tăng hót vang một khung trời bình minh đầy nhựa sống. Hắn bước đi một cách khí thế, vỗ cái ngực xẹp lép kêu phồm phộp, hất cái bản mặt đầy mụn trứng cá lên trời, bước đi không thèm dòm đất, hùng dũng như Từ Hải xung trận cứu nàng Kiều (mà mãi sau này hắn mới biết Từ Hải và nàng Kiều là ai). Hắn lăm lăm cây rựa trong tay, nhơn nhơn cái mặt như muốn nói với bọn con nít trong xóm qua cái giọng ồm ồm vịt đực của hắn rằng: “Hôm nay tao ra trận giết… cỏ đó; tụi bây trố mắt ra mà ngó tao xuất chiêu nè”.

2 - Tèo phát ở đây nghe, anh phát đằng kia. Anh Tí bảo. - Dạ. Lại “dạ” nữa, dường như hắn chỉ biết có mỗi chữ “dạ” hay sao ấy. Hắn hít một hơi thiệt dài, giơ cây rựa lên lăm lăm như “dọa” bọn cỏ tranh hãy đỡ đòn “cẩu đầu đao”, í quên, “sắt đầu rựa” của ta đây. Nhà hắn ở trên một triền dốc thoai thoải, xung quanh toàn rừng là rừng, núi là núi nên cỏ tranh mọc trong rẫy nhà hắn còn cao hơn cả hắn. Anh chị hắn ai cũng đã có gia thất riêng, nên nhà hắn giờ đây chỉ còn lại bốn thành viên: Ba, mạ, anh và hắn. Chỉ có điều anh hắn hơn hắn tới mười tuổi nên khi hắn chừng ấy tuổi thì anh hắn đã trưởng thành lắm rồi, thành thạo mọi việc. Ừ, anh hắn giỏi lắm. Còn hắn mũi dãi vẫn còn tèm lem. Anh hắn thường bảo: “Em không cần phải làm chi hết, chỉ việc học và học mà thôi. Học cho thiệt giỏi là ba mạ và anh vui lắm rồi. Nhà mình nghèo, anh chị đều thất học, giờ gia đình kì vọng hết vào ở em”. Không biết hắn có “thấm” được gì không, chỉ thấy mắt hắn ưa ứa, vai hắn nằng nặng. Từ đấy, hắn chỉ biết học và học. Í… còn ăn và chơi nữa chứ; không món ăn nào ngon mà nó chừa; không món trò chơi nào với bọn con nít trong xóm mà vắng mặt hắn. Trò chơi của bọn con trai lẫn của bọn con gái hắn đều chơi tuốt. Duy trò “quánh lộn” là hắn không bao giờ tham gia. Chả thế mà chị hàng xóm bảo “thằng này ngoan ghê”. Ngày nào cũng thế, cứ học xong là hắn nhào qua nhà hàng xóm rủ bọn con nít bày trò. Nhưng hôm nay bọn nó nháo nhào lên vì thiêu thiếu cái gì ấy… - Ê tụi bây, thằng Tèo vác rựa đi làm kìa. - Đâu đâu… - Ê Tèo, mày đi đâu đó? - Tao đi phát cỏ, chiều mới về. - Mày không chơi với tụi tao nữa hả? - Ừ, tao đi phát cỏ. Hắn hất mặt lên bắt chước dáng đi của Trương Phi trong phim. - Ghét, tao nghỉ chơi với mày luôn. Kệ, không chơi với bọn nó thì hắn chơi với… cỏ tranh, sợ chi; mà bọn nó lúc nào cũng nói thế nhưng có bao giờ giận lâu đâu. Có điều bọn nó hơi hơi buồn vì thiếu hắn.

3 - Nghỉ chút đi Tèo, giữa trưa rồi! Hắn mừng rơn vì hắn đã mệt bở hơi tai. Nhìn chiến công của hắn mà anh Tí phì cười. Anh hắn thì phát tới đâu rồi mà hắn chỉ rị mọ được có vài bước chân. Vậy mà hắn còn tưng tức vì bọn giặc cỏ đáng ghét đó chẳng chịu “rơi đầu khỏi cổ” mà cà nhây cà cưa nhùi lại một đám như cái nùi chằm chằm nhìn nó. Kệ, tụi bây nhìn thì cứ nhìn cho đã, còn tao đi hái dưa ăn cái đã. Hắn xách tới một trái dưa quả thiệt “múp”, tròn trịa như trái banh nhựa của thằng Đông. Nhưng làm sao bổ dưa đây, dòm qua dòm lại thì cũng lại là cây rựa cùn của hắn. Bỏ dưới đất thì dơ, mạ la chết. Thôi thì “ba mươi bảy kế, ống quyển là thượng sách”. Hắn kê trái dưa lên ống quyển rồi…“pặp”. Hắn cầm nửa trái dưa “cạp” ngấu nghiến. Nước dưa chảy xuống tèm lem. “Ủa, quần mình rách bao giờ vậy ta”. Kệ, hắn cạp tiếp. Ngon đến lạ. Cô giáo dạy “Tay làm hàm nhai” đúng thiệt, hắn như cảm nhận từng giọt nước rưới mát từng tế bào trong cơ thể hắn. Hắn cạp từng cạp. Lạ chưa, nước giọt từng giọt mà sao nước chảy xuống bàn chân hắn nhiều đến thế kia. Màu cũng đậm hơn màu đỏ của ruột dưa nữa. - H… ả… !!! Máu… Hắn la lên. Anh hắn chạy tới. Hắn kéo quần lên thì ôi, chân hắn đứt một đoạn dài và sâu thấy mà ghê, mỡ lòi ra ngoài trắng toát. Ba mạ hắn hốt hoảng chạy tới. Ba hắn nhai một miếng thuốc rê rồi đắp vào để cầm máu. Mạ hắn xé vạt áo băng vết thương lại, mắt mạ ngấn lệ. Hắn nghe như có tiếng nho nhỏ: “Con tôi dại quá…”. Mạ hắn là thế. Suốt đời tần tảo, suốt đời hy sinh. Mạ hắn đẹp, đẹp lắm, đẹp cả người lẫn nết - hắn thường nói thế. Hắn đã từng thấy mạ hắn khóc nhiều lần rồi, nhưng hắn không biết tại sao mạ hắn lại khóc, nhất là mỗi lần mạ hắn la rầy mấy anh chị. Và lần này hắn biết tại sao mạ khóc!!! Chị hắn từ lâu đã lập gia đình nên nhà hắn chỉ còn lại một mình mạ hắn là phụ nữ. Vai trò “nội tướng” bao năm đã làm chai sạn đôi tay ấm áp của mạ. Hắn vô tư lắm, hắn chưa hề nhận ra điều đó cho đến khi hắn “dại quá”. Nhìn đôi tay mạ, vết thương hắn không đau mà trái tim hắn đau. Có lẽ, đây là lần đầu tiên trái tim hắn biết thổn thức. Hắn hạnh phúc lắm! Hắn đâu biết rằng, có biết bao con người như hắn không bao giờ được mẹ giặt đồ, được mẹ âu yếm, được mẹ hôn lên trán khi ngủ, được mẹ đêm đêm ôm chân lên để hà hơi lên vết thương. Vâng, chỉ mẹ thôi, chỉ có mẹ mới không quản ngại “gớm ghê” để hằng mong vết thương con mình chóng lành, để cầu mong con mình có một ngày mai. Vì hắn, vì anh chị hắn - vì đàn con mà mạ hắn khổ. Nhưng cái nghèo, cái khổ không làm mạ hắn buồn mà mạ hắn buồn vì nhìn đàn con thiếu thốn. “Tôi nhớ đôi khi Tiếng gió chiều Thổi qua làn khói mái tranh xiêu Và trong giếng mắt buồn tê dại Mẹ đứng nhìn quanh tủi phận nghèo”. Có lẽ thi sĩ Lâm Hào Dũng ngày xưa cũng cùng hoàn cảnh và tâm trạng như hắn nên bây giờ đọc thơ ông, như đọc được từng ý nghĩ, từng trăn trở, từng ước vọng của mạ. Mẹ là bầu trời, là nguồn nước mát, là nải chuối buồng cau, là đại dương vô tận, là từ bi Bồ Tát của riêng con. Nói đến người mẹ là người ta nghĩ ngay đến người cha. Thật khó mà dùng ngôn từ để nói về cha. Cha - người ta chỉ có thể hiểu và hành động chứ không nói. Mẹ là biểu tượng của tình thương, cha là biểu tượng của hiểu biết. Trong nhà Phật, tình thương và hiểu biết luôn đi chung với nhau, là “cặp bài trùng” của nhau; cái này bổ sung cho cái kia, và cái kia làm nổi bật cái này. Thiếu một trong hai thì rất nguy hiểm. Thế nên, mất mẹ, mất cha là một mất mát lớn. Mồ côi - hai chữ nghe sao kinh khủng quá. Hắn hạnh phúc lắm. Vâng, hắn hạnh phúc lắm! Ngày hắn bỏ bú- mạ hắn kể, là một ngày, đúng hơn là một thời gian kinh hoàng chìm trong tiếng khóc của hắn. Không ai có thể dỗ hắn nín được. Mạ hắn thì “trốn” lên nhà dì ngủ lại để thoát khỏi tầm ngắm của hắn. Đêm đến, hắn lại khóc, ba hắn cõng hắn đi chơi, nhưng không cõng sau lưng mà cõng hắn trên cổ, khi đó hắn mới chịu nín. Ngày thường, nếu ai mà đụng lên đầu là ba hắn “lộn gan lên đầu” liền, duy chỉ có hắn, chỉ có hắn mới được thế. Thử hỏi, còn tình thương nào lớn hơn nữa. Vì con, ba có thể dành hết những gì cao quý nhất của mình cho con. Một ngày vất vả với ruộng vườn, đêm đến lại bồng con đi đầu làng cùng xóm, miệng hát ca, tay bắt đom đóm cho con vui, cho con quên đi cơn khát sữa. Tình cha mênh mông quá, bao la quá! “Cha là bóng cả ngã che con Là cả tình thương chẳng xói mòn Là cả cuộc đời vô biên quá Nặng nghĩa tình cha như nước non”. (Thạch Lam) Ba mạ hắn dường như hội tụ đủ tố chất thiêng liêng của con người Việt. Ba hắn cao thượng quá, mạ hắn cao thượng quá, đã cao thượng, cao thượng và mãi mãi cao thượng.

4 Thế là hắn kết thúc ngày công đầu tiên của mình, bọn con nít một phen trố mắt nữa khi “chộ” hắn “lết” một chân vô nhà. Mùa hè năm đó, hắn trở thành “thương binh” trong mắt bọn nó. Bọn nó buồn, nhưng không buồn vì hắn thành thương binh mà buồn vì thiếu hẳn một tay “xạ thủ”. Ngay chiều hôm đó, hắn nhận nhiệm vụ mới, một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Quan trọng vì nhờ nhiệm vụ đó mà hắn nghiệm ra rằng, ngày xưa ba mạ hắn tuyệt vời như thế nào. Giữ trẻ - ừ, đúng hơn là giữ cháu. Và hắn chạy qua nhà dì Gô học hỏi kinh nghiệm. Gọi là dì nhưng chỉ là con bé hàng xóm bằng tuổi hắn mà thôi. Hắn và dì Gô thân nhau lắm. Đã thế mà giờ đây hắn và dì là “đồng nghiệp” của nhau nữa nên hắn ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm để hoàn thành “nhiệm vụ mới” một cách “hoàn hảo”. nhờ dì Gô mà hắn biết nấu cơm, kho cá, quét nhà, đủ thứ… nhưng í ẹ… nấu cơm thì cơm khét, kho cá thì cá cháy, trông cháu thì cháu khóc, cháu ốm chú mập. Hắn quả là một “con ngoan trò giỏi”, nhưng dù sao, đối với bọn con nít trong xóm, hắn đã ngoan lắm rồi?!! Mùa hè năm đó, hắn trở thành “một nửa bà mẹ”. 5 Bảy năm sau… - Ê tụi bây, thằng Tèo kìa. - Đâu? Đâu?… - Kia kìa! - Không phải đâu, thằng Tèo đâu mà cái đầu trọc lóc thế kia, áo quần còn rộng thùng thình nữa chứ. - Ừ hén! - Trông hắn giống tiểu hoà thượng Thiếu Lâm Tự trong phim quá hén. Ừ, thằng Tèo năm xưa nay đã xuất gia thành “Thiếu Lâm tự”. Hắn không còn chơi bời quậy phá với bọn nó nữa mà đi đứng có nề nếp, nói năng có chút e dè. Ba mạ hắn gọi hắn là chú Diệu Lâm. Diệu Lâm đang đi mà thấy rờn rợn, hình như biết bao cặp mắt đang “dòm” sau lưng. Thằng thương binh nay đã là một “chiến sĩ áo lam” giữa chốn rừng núi, giữa những con suối con con với chuồn chuồn, với bướm, với hoa mắc cỡ… Xa quê, Lâm mới hiểu rằng, quê hương - hai tiếng gọi sao thân thương quá, sao ngọt ngào quá, ấm áp quá, sao hạnh phúc quá. Vì nơi xa ấy có ba, có mẹ chiều chiều trông ngóng, đêm đêm nhìn căn nhà sao trống trải quá đỗi: Mẹ già lạy Phật thích ca Lạy quanh tám hướng căn nhà trống trơn. Mạ ơi! ‘Con sẽ về, con sẽ về quỳ bên chân mẹ để hôn lại mảnh đất quê hương, hôn lại dòng nước ngọt ngào’, hôn lại câu ca dao mẹ. Bao kì vọng của anh Tí, bao ước vọng của ba mạ giờ đây đã chuyển sang một hướng khác, hướng đi về “Con đường tỉnh thức”. 6 Lâm giật mình vì có tiếng gọi… - Vô tụng kinh kìa Lâm. - Ờ… dạ. Trời đã tối hẳn, các vì sao bắt đầu xuất hiện lấp lánh huyền ảo giữa một bức màn nhung kì diệu. Lâm thả ống quần xuống, che cái thẹo lại như thể khép lại một cái gì đó rất kỷ niệm, rất quê hương. Mạ ơi, con sẽ về. Ngoài kia, dòng sông vẫn thầm trôi.


Quảng Sơn / Phật học đời sống