Ngã mạn là pháp cần đoạn trừ vì vô minh bao phủ ta chấp giữ và cho rằng vạn pháp là của ta từ đó nhận lãnh khổ đau khi tất cả bị tan biến theo định luật vô thường.
NGÃ MẠN.
Pháp này được nói đến như sau:
“Ngã mạn” (Asmimāno).
Ngã mạn là sự chấp ngã “Ta là”… chấp ngã đối với ngũ uẩn, như Sắc là ta, Ta là sắc, Thọ là ta, Ta là thọ v.v… cũng gọi là thân kiến, thuộc tà kiến.”
(KHO TÀNG PHÁP HỌC Tỳ Khưu Giác Giới biên soạn).
Lời bàn:
Những cách nhìn sai lệch về bản chất của sự vật, sự việc thường mang lại phiền não tất cả đều do tham, sân, si che lấp. Nếu thật sự mọi thứ là của ta thì có thể sai khiến được chúng theo ý mình như cái thân này lùn bạn thử sai khiến nó cao hơn theo ý mình thử xem nó có nghe không hay sắc pháp của bạn xấu như ma bạn ra lệnh cho nó hãy trở nên đẹp như người mẫu, hoa hậu thử xem có được như ý nguyện hay không.
Ngay đến tâm này cũng thế, ta thử nói với nó rằng: “này tâm, hãy bình an và tĩnh lặng, hãy giúp ta thi triển thần thông như trong kinh điển đi”, nó cũng chẳng thể được như ta muốn. Chúng ta không thể điều khiển mọi thứ tưởng chừng như là thuộc về mình thì làm sao có thể thay đổi ngoại cảnh bởi mọi thứ đều là vô thường, khổ và vô ngã. Mà những gì có những đặc tính như vậy khi nắm giữ, chấp thủ thì đồng nghĩa với đón nhận khổ đau.
Bậc thánh Nhập Lưu các ngài diệt được thân kiến thì lúc ấy chánh kiến được củng cố vững vàng, bất lay chuyển vào giáo pháp và vào lời dạy của Đức Phật .Đó là hiểu hai từ ngã mạn theo nghĩa Phật Pháp còn về tục đế thế gian thì người có nhiều ngã mạn thường tự coi mình là trung tâm của vũ trụ vì họ có sự so sánh về các mặt hơn, bằng, thua. Khi sở hữu được những gì vượt trội so với người khác thì họ tỏ vẻ kêu căng, khinh thường những người khác thấp bé hơn mình từ đó phiền não khởi sanh khi bị chúng sanh ghét bỏ và hãm hại bởi đa phần tất cả ai trong chúng ta đều không muốn bị người khác xem thường, khinh khi. Khi thấy mình bằng người khác đôi khi tự ngã cũng sanh khởi như ta thấy mình giàu bằng ai đó,giỏi bằng ai đó thì niềm kiêu hãnh cũng khởi phát tuy nhiên cũng ít hơn so với trường hợp hơn người khác về những mặt như vậy. Nếu cảm thấy thua kém về nhiều mặt thì ta lại cảm thấy tự ti, thiếu tự tin trong các mối quan hệ giao tiếp từ đó phiền não cũng sanh khởi. Dù thế nào đi nữa thì tất cả các sự so sánh như vậy đều là nhân của sự phiền não dù có cố gắng mấy thì chúng cũng tự khởi sanh theo quy luật tự nhiên.
Ngay cả trong việc tu tập thì một số người hành thiền nhiều hay giữ được giới luật căn bản cũng cảm thấy xem thường những người khác không làm được như mình. Trong những trường hợp như vậy thì cách đối trị tốt nhất vẫn là quan sát sự sanh khởi và hoại diệt của chúng bằng sức mạnh của chánh niệm. Dần dần khi đạt được trí tuệ siêu thế của thánh đạo và thánh quả của tầng thánh đầu tiên thì những dạng phiền não do chấp giữ thân kiến sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn và tiến lên những tầng thánh tiếp, theo thì các kiết sử chưa được diệt trừ lần lần bị tiêu diệt dưới sức mạnh của trí tuệ.
Vì là nhân của phiền não nên ngã mạn là pháp cần hạn chế và đoạn trừ. NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Thiện An