Post: : Admin

Điều đáng để cho chúng ta học hỏi là sự phát nguyện dũng mãnh, ý chí thật phi thường của Tôn giả A-na-luật. Nếu hàng hậu học chúng ta được chúng Tăng soi sáng mà lập thệ nguyện dứt bỏ phiền não tham sân một cách triệt để như thế thì quý hóa biết bao.



Đức Phật thành tựu giác ngộ cũng nhờ nương theo tinh thần trung đạo, tránh xa hai cực đoan dục lạc và khổ hạnh. Về sau, trung đạo là một trong những đặc điểm căn bản của giáo pháp Thế Tôn. Trong pháp thoại dưới đây, lúc Tôn giả A-na-luật ngủ gục thì Ngài quở trách nặng nề. Ấy vậy mà khi Tôn giả A-na-luật nguyện không ngủ nữa thì Phật lại khuyên “thầy nên ngủ”.


“Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số trăm ngàn vạn chúng. Lúc đó Tôn giả A-na-luật đang ngồi trong chúng ngủ gục. Đức Phật thấy A-na-luật ngủ gục, liền nói kệ rằng:

Thọ pháp thích ngủ nghỉ/ Ý không có lầm lẫn/ Chỗ Hiền Thánh thuyết pháp/ Điều người trí ưa thích/ Ví như nước vực sâu/ Lóng trong không tì vết/ Người nghe pháp như thế/ Thanh tịnh tâm lạc thọ/ Cũng như đá vuông lớn/ Gió thổi không thể động/ Như thể bị chê khen/ Tâm không có lay động.

Khi ấy Thế Tôn bảo Tôn giả A-na-luật:

- Thầy sợ phép vua và sợ giặc cướp mà hành đạo chăng?

A-na-luật đáp:

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

Phật bảo A-na-luật:

- Vì sao thầy xuất gia học đạo?

A-na-luật bạch Phật:

- Con chán ngán sanh, lão, bịnh, tử, sầu lo khổ não nên muốn bỏ nó; vì thế xuất gia học đạo.

Thế Tôn bảo:

- Nay thầy là con nhà quý tộc, có lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo. Hôm nay Thế Tôn đích thân thuyết pháp, tại sao thầy ngồi trong đây mà ngủ gục.

Tôn giả A-na-luật liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo phải, quỳ xuống chắp tay bạch Thế Tôn:

- Từ nay về sau dù thân hình tan nát, con trọn không ở trước Như Lai mà ngủ gục.

Bấy giờ Tôn giả A-na-luật suốt đêm đến sáng chẳng ngủ, nhưng không thể trừ khử được thùy miên, mắt bèn hư. Khi ấy, Thế Tôn bảo A-na-luật:

- Người chuyên cần tinh tấn thì cùng trạo cử tương ưng. Còn nếu giải đãi lại cùng kiết sử tương ưng. Nay thầy nên hành vừa chừng ở giữa.

A-na-luật bạch Phật:

- Khi trước, con đã ở trước Như Lai phát thệ, nay không thể làm trái bổn nguyện mình.

Lúc đó Thế Tôn bảo Kỳ-vực:

- Ông hãy trị liệu mắt cho A-na-luật!

Kỳ-vực thưa:

- Nếu A-na-luật chịu ngủ một chút, con sẽ trị mắt được.

Thế Tôn bảo A-na-luật:

- Thầy nên ngủ. Vì sao thế? Tất cả các pháp do ăn mà được tồn tại, không ăn thì không còn. Con mắt lấy ngủ làm thức ăn, tai lấy âm thinh làm thức ăn, mũi lấy hương làm thức ăn, lưỡi lấy mùi vị làm thức ăn, thân lấy xúc chạm làm thức ăn, ý lấy pháp làm thức ăn. Nay ta cũng nói Niết-bàn cũng có thức ăn.

A-na-luật bạch Phật:

- Niết-bàn lấy những gì làm thức ăn?

Phật bảo A-na-luật:

- Niết-bàn lấy không phóng dật làm thức ăn, nương không phóng dật được đến vô vi.

A-na-luật bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Tuy nói ngủ là thức ăn của mắt, nhưng con chẳng kham ngủ nghỉ”.



(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 38.Lực [1-trích], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.490)

Điều đáng để cho chúng ta học hỏi là sự phát nguyện dũng mãnh, ý chí thật phi thường của Tôn giả A-na-luật. Nếu hàng hậu học chúng ta được chúng Tăng soi sáng mà lập thệ nguyện dứt bỏ phiền não tham sân một cách triệt để như thế thì quý hóa biết bao.

Ở một phương diện khác, Tôn giả A-na-luật đã cố gắng thái quá nên khiến cho đôi mắt bị mù. Cũng may là Tôn giả đã chứng đắc Niết-bàn, thành tựu giải thoát và có thiên nhãn.

Pháp thoại này cho thấy, sự tu tập điều thân, theo Thế Tôn thật giản dị và điều hòa, như khi đói thì ôm bát đi khất thực, cần ăn để sống, đủ sức khỏe để thiền định. Không ăn dĩ nhiên sẽ bệnh, mà bệnh và chết trong khi chưa đắc đạo thì cũng chẳng khác nào chưa qua sông mà đã bỏ bè. Nên khi cần thức thì hãy thức và khi cần ngủ thì hãy ngủ.


Quảng Tánh