Hòa trong niềm hân hoan của tất cả người con Phật đón mừng ngày Phật Đản trở về, Tăng đoàn chùa Giác Ngộ tối ngày 13 tháng 4 Bính Thân (nhằm ngày 19/5/2016) đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ Phật đản nhằm suy niệm về cuộc đời cao cả của Ngài và giáo pháp giải thoát mà Ngài đã hiến tặng cho nhân loại.
Lễ Quy Y Tam Bảo
Nhân mùa Phật sinh, Phật lịch 2560, Dương lịch 2016 hơn 300 thiện nam tín nữ đã có mặt tại chùa Giác Ngộ để được quay về nương tựa ba ngôi Tam Bảo. Trở thành Phật tử trong mùa Phật đản có ý nghĩa quan trọng hơn những ngày còn lại, đó là lễ kỷ niệm ngày Phật sanh được diễn ra khắp nơi trên thế giới và tại Việt Nam là một duyên lành và phước báo lớn cho những người hữu duyên. Kể từ giờ phút này, mọi người đã chính thức trở thành thành viên của cộng đồng Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới.
Nghi thức quy y được bắt đầu bằng tụng trì bài Kinh Người Áo Trắng, sau đó TT. Thích Nhật Từ đã thực hiện nghi thức qui y và hướng dẫn cho Phật tử mới cùng nhau phát nguyện năm điều đạo đức Phật dậy cho người Phật tử tại gia đó là: Thứ nhất là: không giết người, tức không sát sanh, bảo vệ hòa bình. Thứ hai là: không trộm cắp.Thứ ba là: nói những lời có sự thật, không nói lời hận thù, nói những lời đoàn kết.Thứ tư là: không ngoại tình, chung thủy một vợ, một chồng.Thứ năm là: không uống rượu và các chất gây say bao gồm: xì ke, ma túy, thuốc lắc, cỏ mỹ và nhiều độc tố khác.
Nhân dịp này, TT. Thích Nhật Từ đã chia sẻ đề tài: “Những giá trị mà Phật tử tại gia nên có”. Đây là một phần trong nội dung bài Kinh Người Áo Trắng. Thượng tọa đã đi sâu phân tích phần thứ 2 của bản Kinh Người Áo Trắng đó là nghệ thuật mà theo đó, bất cứ người nào thực tập theo đều sở hữu được các đức tính cao quí cần có của con người. Với 7 nội dung chính trong phần ứng dụng này gồm: 1) Phẩm chất người tại gia; 2) 5 điều đạo đức lời Phật dậy; 3) Thực tập tâm linh của người Phật tử tại gia; 4) Thực tập bố thí và cúng dường; 5) Thực tập tâm bình đẳng; 6) Vai trò trí tuệ của Phật tử tại gia;7) Thực tập và nghiền ngẫm kinh tạng.
Vâng! Đó là những giá trị mà bất kể ai, dù cho có tôn giáo hay không tôn giáo và bất kỳ tôn giáo nào thì cũng phải công nhận những phẩm chất người Phật tử tại gia nên có mà bản chất của nó là nền tảng của hạnh phúc gia đình, cộng đồng, xã hội, quốc gia và toàn thế giới.
Lễ tắm Phật
Nghi lễ tắm Phật được bắt đầu bằng bài Sám Khánh Đản và sau đó là bài Kệ Tắm Phật, được trì tụng của chư Tôn đức Tăng và tất cả Phật tử. Lễ tắm Phật được thực hiện trang nghiêm và thành kính trong lời trì tụng của chư Tôn đức Tăng và tất cả Phật tử với bài Kệ Tắm Phật được lặp đi lặp lại trong suốt thời gian lễ tắm Phật được diễn ra, ai cũng được cầm gáo nước rưới lên mình đức Phật sơ sinh mà 29 năm sau đã trở thành bậc minh triết vĩ đại của nhân loại.
TT. Thích Nhật Từ cũng đã chia sẻ đôi lời về ý nghĩa của lễ tắm Phật: “Lễ tắm Phật là một nghi thức tâm linh với động tác dùng một gáo nước rưới lên mình đức Phật sơ sinh, chúng ta liên tưởng rằng dòng nước chánh pháp đang thấm vào cơ thể cuộc sống của mình để từ đó: tham lam, giận dữ, cố chấp và toàn bộ phiền não cũng được rũ sạch bằng biểu tượng của gáo nước. Bằng cách làm như thế thì ngoài việc gieo duyên tắm Phật chúng ta còn cam kết làm cho cuộc đời thanh cao hơn”.
Buổi lễ tắm Phật được diễn ra trang nghiêm, thanh tịnh với tất cả lòng thành kính của chư Tôn đức Tăng đoàn chùa Giác Ngộ và toàn thể Phật tử có mặt đang hướng đến ngày đản sanh của Ngài. Ai cũng hoan hỷ và hạnh phúc khi được làm đệ tử Ngài, Người đã mang ánh sáng trí tuệ và từ bi đem lại sự tỉnh thức cho số đông, cho chư thiên và loài người.
Ngộ Dũng – Giác Hạnh Hoa