Post: : Admin

Với vợ chồng cụ Chước, đất liền chỉ là ước mơ dang dở. Cuộc đời họ lênh đênh như cánh bèo theo cơn thủy triều lên xuống và lên bờ, đối với họ chỉ là chuyện viển vông…



Sông nước là nhà

Chúng tôi về làng bè nghèo Tân Mai (khu phố 6, phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), khi hoàng hôn dần buông xuống, những tia nắng vàng vọt, héo úa khiến khung cảnh nơi đây thật ảm đạm. Bên bờ con sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai) rộng lớn là hàng trăm nhà bè người dân dựng lên nuôi cá nằm san sát, kéo dài hàng cây số. 

Những bè cá xiêu vẹo, ọp ẹp nổi trôi theo con nước như chính số phận nhiều ngư dân ở đây. Người làng bè tâm sự: “Từ thời tổ tiên, họ đã xem sông là nhà, nước là quê hương, vì thế dẫu cuộc sống vất vả, cay đắng chẳng thể nào bỏ nghề”. Cũng bởi cái “nghiệp duyên” đó mà vợ chồng cụ Nguyễn Văn Chước (81 tuổi) và cụ Trần Thị Sáu (80 tuổi) không còn sức nuôi cá vẫn ở lại bám lấy làng bè. 

Cụ Sáu ngậm ngùi kể về cuộc dời lênh đênh trên sông nước

Hỏi “sao hai cụ không lên đất liền hưởng thụ tuổi già?”, cụ Sáu mắt ngân ngấn lệ, u buồn nhìn những xác bèo bị sóng đánh tan tác, cười chua chát: “Đất liền ư? Tiền đâu mà lên đất liền. Cả đời vợ chồng tôi mưu sinh trên sông không mua nổi tấc đất cắm dùi”.

80 tuổi nhưng cụ Sáu được trời phú cho sức khỏe dẻo dai, lanh lẹ. Cụ còn minh mẫn và vẫn tự kiếm sống trên dòng sông quen thuộc. Cụ Chước thì khác, thời gian gần đây, cụ liên tục phải nhập viện điều trị. Sức khỏe cụ ông sa sút, đãng trí, hai tai hơi lãng, chúng tôi phải nói thật lớn cụ mới nghe bì bõm câu được câu không.

Tháng trước, cụ được một chương trình từ thiện dẫn đi mổ mắt miễn phí. Chẳng biết người ta xếp lịch thế nào mà từ làng chài cụ phải 7 lần ngược xuôi lên thành phố mới được giải quyết. Các bác sĩ kết luận mắt cụ không thể mổ. Bây giờ thì một bên mắt cụ Chước mù hẳn. Tháng này, cụ bị đau ruột già (viêm đại tràng). Người vợ tảo tần gom góp và nhờ bà con chòm xóm giúp đỡ được 1,7 triệu đồng tiền chi phí mổ. Cụ bà cười: “Chúng tôi nghèo, người làng chài đều nghèo, cũng may ông ấy gượng dậy được, hai vợ chồng cứ thế dựa vào nhau sống đến cuối đời”.

Hỏi về gia thế của đôi vợ chồng tuổi bát tuần, chúng tôi được biết hai cụ đều quê gốc tỉnh Thái Bình. Tuổi già lẫn lộn, từ ngày xa quê chưa một lần được về thăm nên cụ Sáu không nhớ nổi huyện mình ở tên gì. Chỉ biết, đó cũng là một xóm chài ven biển nghèo khổ, người dân chỉ mưu sinh bằng nghề đánh cá. Năm 19 tuổi, cụ Sáu theo tiếng gọi tình yêu, kết nghĩa phu thê cùng chàng trai làng tên Chước. 

Cuối năm đó, chiến tranh loạn lạc, đôi vợ chồng son dắt díu nhau vào miền Nam chạy loạn. Từ lần đi không hẹn ngày về, người thân họ hàng ở quê giờ đã mất hết nên cụ Sáu bảo: “Vợ chồng tôi có quê hương cũng như không. Chúng tôi thành dân vô gia cư, sống nhờ sông, thác về lại với sông”.

Vào Nam, đôi vợ chồng gom góp mua được chiếc ghe nhỏ, neo bên sông Cái đánh cá kiếm sống. Cụ Chước và vợ ngược xuôi lòng sông hết thả lưới buông câu, lại quăng chài kéo cá. Ngày đó, cá trên sông còn nhiều lại giỏi nghề nên công việc làm ăn của đôi vợ chồng gặp thuận lợi. Họ đem tiền tích góp dựng bè nuôi cá, đồng thời lấy đó làm nhà ở. 

Cụ Sáu nhớ lại: “Lúc bây giờ cũng có khi dư dả, việc nuôi cá phát triển vợ chồng tôi chẳng ai nghĩ phải lên bờ. Thời thế đổi thay, cá bè sau đó thua lỗ, bà con bạn thuyền bỏ hết. Vợ chồng tôi kiên quyết bám trụ lại giờ thành ra thế này”.

Cùng nhau nhặt rác

Cụ Chước và vợ có 5 người con, thì 4 người theo chồng, vợ về vùng Cần Thơ, Sóc Trăng sinh sống. Chỉ còn người con trai cả dựng bè cá theo nghề cha mẹ. Nhà anh nghèo xơ xác lại có cậu con trai nhỏ bệnh tật nên chẳng thể giúp gì hai cụ. 

Nói về cuộc sống của những đứa con, cụ Sáu kể: “Trước đây, vợ chồng tôi có thời gian theo bạn bè chèo thuyền về miệt Cần Thơ nuôi cá. Mấy đứa con bén duyên cùng con các bạn chài thường qua lại. Chúng lập gia đình, tôi và ông ấy ép buộc dù có nghèo đói gì cũng phải lên đất liền sinh sống, không được ở lại làng bè. Giờ còn mỗi thằng cả vẫn lênh đênh. 

Nuôi cá ở Cần Thơ mấy năm không được gì, chúng tôi giã biệt các con cùng thằng cả chèo ghe về lại sông Cái. Có giai đoạn, bè cá bị hư, hai vợ chồng xin ở nhờ bè hàng xóm gần cả năm. Cuối cùng, chúng tôi gom góp được 2 triệu làm bè riêng”.

Dành trọn cuộc đời theo nghề sông nước, gia sản cuối cùng hai cụ có được là chiếc bè xiêu vẹo, mưa nắng đều chẳng thể che hết và 2 chiếc ghe nhỏ làm phương tiện đi lại. Cuộc sống của vợ chồng già hơn một năm trở lại đây rơi vào cảnh vô cùng khốn đốn. Đó là thời điểm cụ Chước đổ bệnh, chẳng thể nào quăng chài kiếm cá.

Với chiếc ghe nhỏ này, hàng ngày cụ Chước cùng vợ nhặt rác mưu sinh

Để có tiền trang trải cuộc sống, hai vợ chồng bàn nhau chèo thuyền đi lượm rác, phân loại và nhặt ve chai trôi dạt trên sông. Họ lượm lặt tất cả từ lon nước, hộp nhựa rác thải, bao nylon… đem nhập cho chủ vựa ve chai phía bến sông. Những ngày may mắn, đôi vợ chồng già cũng có thể bán được khoảng hơn 20 ngàn đồng đem đổi lấy gạo, trứng về ăn. Nhưng có hôm bết bát, họ lẳng lặng nhìn nhau mua gói mì tôm về chờ qua cơn đói.

Cụ Sáu kể: “Hôm nào ông ấy khỏe mạnh thì hai vợ chồng chạy hai ghe, mỗi người một bờ sông nhặt ve chai. Thu nhập như thế được gấp đôi, khoảng 20-30 ngàn. Nhiều bữa ông ấy đau vẫn cố giấu vợ chạy ghe một mình, trưa về nằm thở hồng hộc, tôi thương lắm. Tôi giờ ít khi để ông ấy đi một mình. Vợ chồng sống với nhau sắp hết đời, chưa bao giờ tôi bị ông ấy nói lời nặng nhẹ. Giờ ở tuổi này có rau cùng ăn rau có cháo cùng ăn cháo, cố tham thêm vài ngàn bạc chẳng thay đổi được gì”.

Trong lúc chúng tôi trò chuyện với cụ Sáu, cụ Chước cũng muốn góp lời nhưng khổ nỗi tai cụ lãng không nghe rõ, đành cười xuề xòa cho qua chuyện. Nguồn thu nhập chính của hai cụ ngoài việc nhặt ve chai có thêm gần 300 ngàn đồng tiền trợ cấp cho người cao tuổi mà cụ Chước được lãnh. Riêng cụ Sáu phải chờ hết năm nay mới có “lương” như chồng.

Cụ Sáu khoe với chúng tôi điều này bằng tâm trạng vô cùng phấn khởi. Cụ bảo: “Tôi ráng chờ thêm mấy ngày nữa là đủ tuổi nhận tiền!”. Sự mong ngóng của cụ khiến con số gần 300 ngàn đồng như trở thành gia sản lớn.

Từ trước đến nay, ngoài việc cụ Chước được đi khám mắt, đi mổ ruột già, và một đôi lần người dân trong xóm có góp vài chục ký gạo ủng hộ thì hai cụ ít khi nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng. Nhìn hai bóng người nhỏ bé, chao đảo trên chiếc ghe trong buổi chiều tà giữa mênh mang sông nước, chúng tôi thầm cầu nguyện những ngày còn lại của hai cụ gặp nhiều may mắn.

Bài, ảnh Huy Hùng

(Giác ngộ)