Người học Phật ai cũng biết, để thăng hoa tiến đạo thì phải thiểu dục, muốn ít. Vì ham muốn là cội nguồn của mọi khổ đau. Nhưng trong đường đạo bước đầu cũng cần thiết lập những mong muốn chính đáng. Dục định trong giáo lý Tứ như ý túc là một điển hình. Đó là lòng mong muốn, là nhiệt tình, là khát khao loại bỏ mọi thứ ngăn che thiền định, loại bỏ mọi lòng dục về các trần để đi vào thiền định.
Ở pháp thoại dưới đây Thế Tôn cũng răn dạy “Tỳ-kheo của Ta cũng nghĩ đến năm việc đáng muốn. Thế nào là năm? Nghĩa là: Cấm giới, đa văn, thành tựu tam-muội, trí tuệ, trí tuệ giải thoát. Đó là Tỳ-kheo có năm việc đáng mong muốn này”. Mong muốn chính đáng chính là hoài bão, sự phát thệ hướng đến điều thiện, un đúc chí nguyện tu tập để vượt qua mọi chướng ngại nhằm chứng đạt Thánh quả.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Đàn bà có năm dục tưởng. Thế nào là năm? Sanh nhà hào quý, được gả cho nhà phú quý, chồng sẽ làm theo lời, có nhiều con cái, ở nhà tất cả do một mình mình.
Đó là, này các Tỳ-kheo! Đàn bà có tư tưởng về năm việc đáng muốn này. Như thế, này Tỳ-kheo! Tỳ-kheo của Ta cũng nghĩ đến năm việc đáng muốn. Thế nào là năm? Nghĩa là: Cấm giới, đa văn, thành tựu tam-muội, trí tuệ, trí tuệ giải thoát. Đó là Tỳ-kheo có năm việc đáng mong muốn này.
Thế Tôn liền nói kệ: “Ta sanh dòng hào tộc/ Cũng về nhà phú quý/ Hay sai khiến ông chồng/ Chẳng phước, không đạt được. Khiến ta nhiều con cái/ Hương hoa tự trang sức/ Tuy có tưởng niệm này/ Không phước khó thu được. Tín, giới mà thành tựu/ Tam-muội không di động/ Trí tuệ cũng thành tựu/ Giải đãi thì chẳng được. Muốn được thành đạo quả/ Chẳng dạo vực sanh tử/ Mong muốn đến Niết-bàn/ Giải đãi thì chẳng được”.
Như thế, các Tỳ-kheo! Nên tìm phương tiện thực hành pháp lành, trừ bỏ pháp bất thiện, dần dần tiến tới, không có tâm hối hận giữa chừng. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 35.Tà tư,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.363)
Trong nỗ lực loại trừ những ham muốn của thế thường, Tỳ-kheo vẫn luôn mong muốn được thành tựu Thánh giới. Người có giới thì luôn an ổn. Giới là nền tảng của định và tuệ. Sống trọn vẹn với Thánh giới là một phúc phần, là mong muốn chính đáng.
Kế đến là mong muốn đa văn. Đa văn không đơn thuần chỉ là nghe nhiều mà chính là thấu triệt giáo pháp, thông cả pháp học lẫn pháp hành. Người học Phật luôn mong muốn hiểu để tin và thực hành đúng Chánh pháp.
Thành tựu Thánh giới và tin hiểu Chánh pháp tức là “con đã có đường đi” rồi. Thực hành Pháp để thành tựu tam-muội, tức chánh định là một việc vô cùng khó khăn. Các chướng ngại tâm rất nhiều nên mong muốn loại bỏ ngăn che, trở ngại để thành tựu thiền định thật chính đáng.
Nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ. Định tuệ vốn tương tức, hỗ tương và làm nên nhau. Trí tuệ có nhiều cấp độ, ở đây là thấy rõ và tin sâu về nhân quả, về bốn sự thật, về duyên khởi… Tuệ này do tư duy, quán chiếu mà thành tựu.
Trí tuệ giải thoát chính là liễu tri, phá tan màn vô minh, diệt tận mọi tham ái và chấp thủ. Bậc Thánh A-la-hán trở lên mới có trí tuệ giải thoát này. Thành tựu trí tuệ giải thoát là đã sang bờ kia.
Đặc biệt là, để những mong muốn chính đáng ấy được thành tựu, hành giả phải nỗ lực, tinh cần. Thế Tôn đã nhấn mạnh “Giải đãi thì chẳng được”. Nên tinh tấn, chuyên cần thực hành Pháp một cách bền bỉ là yếu tố quan trọng để thành tựu phạm hạnh, giải thoát.
Quảng Tánh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)