Post: : Admin

Bấy lâu nay chúng ta đã nghe nhiều, đọc nhiều và tìm hiểu nhiều về mâm ngũ quả, nên hầu như ai cũng có về khái niệm đó. Các khái niệm của tôi đưa ra dưới đây không khác, cũng không hoàn toàn mới nhưng sẽ khác với những quan điểm trái chiều và sẽ mới với những gì chưa biết.



Các nhà văn hoá học, trang trí học, phong thuỷ học, tử vi học, tướng số học, bói toán học và đạo đức học.v.v... Đã thuyết trình về ý nghĩa mâm ngũ quả của ba vùng miền Tổ quốc rất hay.

Mâm ngũ quả quý giá cho ngày Tết

Mâm ngũ quả quý giá cho ngày Tết

Nhà văn hoá học nói rằng: "Mâm ngũ quả tượng trưng cho thành quả lao động của con người. Vào những ngày lễ tết, con cháu thường dâng lên cúng tổ tiên, ông bà, để tỏ lòng hiếu kính, thể hiện nét đẹp truyền thống "uống nước nhớ nguồn" hay "ăn quả nhớ người trồng cây", hoặc "cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông"..." Đó là điều chúng ta phải ghi nhận vì không thể thiếu trong đạo lý làm người!

Nhà trang trí học rất khéo léo và thiện nghệ. Không câu nệ vào số lượng quả, có thể là năm loại hay mười loại, thậm chí nhiều hơn nữa và đối với họ, con cháu dâng càng nhiều loại quả để cúng tổ tiên càng tốt. Đất nước ta có tới 54 dân tộc anh em. Kể từ thời tiền sử đến nay, có ai dám chắc mình được sinh ra từ dân tộc nào không?

Mỗi một dân tộc, mỗi một vùng miền đều có các loại hoa trái đặc thù riêng. Nay chúng ta tạm thời chia làm ba miền bắc trung nam cho dễ nhận ra mà thôi, nhưng nếu đúng hơn tí nữa thì phải chia theo bản đồ dự báo thời tiết. Khi có nhiều loại trái cây với đủ mọi loại màu sắc thì mâm ngũ quả sẽ được bàn tay của nhà trang trí học bài trí không những đẹp mắt mà còn sống động và có nhiều hình hài hay hoạ tiết hoa văn mang nhiều ý nghĩa khác nhau, đậm đà bản sắc dân tộc Việt.

Tiếp đến các nhà phong thuỷ học, tử vi học, tướng số học và bói toán học đều đưa ra một quan điểm rất chung chung và hết sức mơ hồ, đó chính là ngũ hành. Họ cho rằng ngũ hành là 5 yếu tố tạo ra vũ trụ và vạn vật. Ngoài ra có người còn cho ngũ hành chính là phúc, lộc, thọ, khang, ninh, hay gọi tắt là ngũ phúc. Vì thế trong ngày tết người ta hay dán chữ ngũ phúc lâm môn ở trước của nhà.

Họ chỉ mới chạm đến ngũ hành qua sự phân biệt màu sắc của các loại quả ví dụ như: "Nải chuối màu xanh thuộc mộc. Quả Bưởi màu vàng thuộc thổ. Quả lê màu trắng thuộc kim. Quả thanh long màu đỏ thuộc hoả và quả mãng cầu màu đen thuộc thuỷ ...". Nhưng họ lại không chỉ cho chúng ta cách chưng mâm ngũ quả theo ngũ hành.

Sắp xếp theo ngũ hành tương sinh được chia thành 5 lớp. Nếu lớp thứ nhất quả màu xanh thì lớp thứ hai quả màu đỏ, lớp thứ ba quả màu vàng, lớp thứ tư quả màu trắng và lớp thứ năm quả màu đen. Đó là theo thứ tự mộc sinh hoả, hoả sinh thổ, thổ sinh kim và kim sinh thuỷ.

Hoặc nếu lớp thứ nhất màu đen thì lớp thứ hai màu xanh, lớp thứ ba màu đỏ, lớp thứ tư màu vàng và lớp thứ năm màu trắng. Đó cũng là ngũ hành tương sinh. Màu đen thuộc thuỷ sinh mộc màu xanh, rồi sinh hoả màu đỏ, rồi sinh thổ màu vàng và tiếp đến sinh kim màu trắng.

Nếu sắp xếp theo ngũ hành tương khắc thì rắc rối hơn. Ví dụ năm Đinh Dậu là hoả hạ sơn, thuộc hành hoả. Chắc chắn nó sẽ khắc người mạng kim và làm hao tổn người mạng mộc. Để có cách đối trị thì người mạng kim phải chưng nhiều loại quả có màu đen hơn màu đỏ và màu xanh. Vì như vậy tức là cầu thuỷ để khắc hoả và bớt mộc để làm yếu tính của hoả. Đồng thời chưng nhiều loại quả có màu vàng hơn để nhờ thổ sinh kim. Có như thế người mạng kim sẽ được tai qua nạn khỏi.

Nhưng đó là triết lý của họ. Họ đâu biết rằng tất cả vạn vật này kể cả con người được sinh ra là do tính duyên khởi theo các thứ lớp nhân quả của nó đâu. Vì vậy họ chỉ nói một cách chung chung và rất mơ hồ, để rồi làm cho con người ta lo lắng sợ hãi. Nếu có gì đó không được như ý thì nhờ vả, van xin họ làm ơn hoá giải dùm. Đó thực chất là cái bẫy, để kiếm tiền trục lợi một cách bất chính.

Cách bài trí mâm ngũ quả thường theo một khuôn mẫu phổ thông được mặc định như thế này: Nải chuối tượng trưng cho sự nâng đỡ nên đặt ở dưới. Phía trên đặt quả Phật thủ hoặc quả bưởi tượng trưng cho sự che chở và tràn đầy sức sống. Xung quanh đặt những loại quả và màu sắc khác nhau ví dụ như táo đỏ, ớt đỏ, thanh long tượng trưng cho sự may mắn. Đào tượng trưng cho sự thành đạt. Cam, quýt tượng trưng cho sự may mắn và đoàn tụ.

Như đã trình bày ở trên, văn hoá vùng miền khác nhau nên cách bài trí cũng khác nhau. Miền bắc bày gì cũng được, bởi loại quả nào cũng có ý nghĩa tốt đẹp. Miền nam thì cấm kỵ bày các loại như chuối, cam, quýt, lê, dưa lê, táo, roi (mận, đào)... Còn miền trung ở giữa được sự giao thoa của hai miền, nên được cái dễ tính, khi theo miền bắc, lúc thì miền nam, cũng cầu, sung, dừa, đủ, xài như ai.

Với nhà đạo đức học thì sao? Không câu nệ vào màu sắc, hình thù, mùi vị, những loại quả nào do sức lao động của con người tạo ra có thể ăn, bổ sung các dưỡng chất nuôi cơ thể được thì dâng lên cúng tổ tiên ông bà với tất cả lòng thành kính, tri ân.

Phẩm vật dâng cúng mang hình thức nghi lễ tượng trưng, thể hiện nét đẹp truyền thống uống nước nhớ nguồn. Vì thế xin đừng làm méo mó bằng cách coi đó là sự cầu xin cho mình được phúc lộc thọ khang ninh. Vô tình chúng ta đã tạo ra thói hối lộ, đút lót, cầu cạnh mà không hề hay biết.

Hãy nhìn nhận lại đi, tất cả các loại quả đều mang ý nghĩa lợi lạc cho người sống, chứ chưa nghe nói đến loại quả nào có ý nghĩa đối với người đã khuất hết. Theo tục đế, chí ít thì cũng phải có một vài loại nào đó tượng trưng cho sự siêu thoát hay mồ yên mả đẹp cho người chết mới phải chứ?!

Hoá ra từ trước tới nay chúng ta chỉ bàn về mâm ngũ quả là lo cho chính chúng ta chứ không phải cho ông bà tổ tiên. Như vậy chẳng khác gì mình đang lợi dụng tổ tiên ông bà chứ không phải lòng tưởng nhớ, biết ơn!

Chưa từng có một trường lớp nào dạy chúng ta cách móc ngoặc, hối lộ... cả. Nhưng hằng ngày chúng ta vẫn cứ được nghe các bản tin về tham nhũng. Vậy tham nhũng từ đâu mà có? Phải chăng đó là do lòng tham của con người chỉ biết cái ta, cái tôi và cái sở hữu của ta chứ không thèm biết đến, nghĩ đến và quan tâm đến người khác?!

Chỉ một nén nhang, một đĩa trái cây, một vài giọt dầu mà chúng ta đã cầu xin đủ thứ rồi, huống chi có mâm ngũ quả thịnh soạn nữa, không khéo lại còn cầu gấp bội phần! Đây cũng chính là nguồn gốc sinh ra nạn tham ô vậy!

Theo học thuyết ngũ hành, các nhà tử vi, tướng số, bói toán lý giải rằng nải chuối màu xanh tượng trưng mộc. Khi chín vàng họ nói tượng trưng cho thổ. Lúc khô chuyển sang màu đen, họ nói tượng trưng cho thuỷ. Đúng là lưỡi không xương đường nào cũng nói được. Vậy nếu sau khi ăn vào thì nó thuộc màu gì và hành nào? Kim, mộc, thuỷ, hoả hay thổ???

Nên biết trái chuối là thành quả của cây chuối. Nhưng từ trái chuối không thể mọc ra cây chuối. Nếu chúng ta bóc vỏ cây chuối từ lớp ngoài cùng cho đến lớp trong cùng thì chúng ta sẽ không tìm thấy đâu là lõi của nó. Cũng vậy bản chất con người không có cái tôi.

Cái tôi, cái ta chỉ là sự giả hợp do có thân ngũ uẩn, rồi chấp lấy nó là có thật nên nói có cái tôi, cái ta mà thôi. Nếu cứ bóc lớp thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức thì chúng ta cũng chẳng tìm thấy cái tôi ở đâu cả.

Người nào sống vì cái tôi ít, khổ ít. Vì cái tôi nhiều, khổ nhiều. Không có cái tôi, không khổ. Đến đây họ sống với tâm hạnh của một vị Bồ Tát, chỉ biết lợi người chứ không còn lợi mình.

Cuối cùng nhà đạo đức học khẳng định về mâm ngũ quả cao thượng nhất của một con người chính là: " Từ bỏ sát sinh, từ bỏ trộm cướp, từ bỏ sống tà hạnh, từ bỏ nói dối và từ bỏ uống rượu (các chất gây nghiện, gây say). Giữ giới, tâm tính hiền lương, không xan tham ưa thích bố thí... Người như thế đáng được tán thán và được năm loại quả như sau: 
Do duyên không phóng dật nên được tài sản lớn. Đây là lợi ích thứ nhất. Người giữ giới, tiếng tốt được đồn xa. Đây là lợi ích thứ hai. Người giữ giới đi tới đâu cũng được an lành. Đây là lợi ích thứ ba. Người giữ giới khi chết không bị si ám. Đây là lợi ích thứ tư. Người giữ giới khi mạng chung được sinh về thiện thú, thiên giới, cõi đời này với đầy đủ phước báu. Đây là lợi ích thứ năm".

Người biết tự làm thanh tịnh mình và giúp người khác cũng được thanh tịnh bằng cách sống đúng với năm điều đạo đức thì đó chính là mâm ngũ quả, là phẩm vật, là hương thơm có thể bay ngược chiều gió quý giá nhất dâng lên báo đền công ơn sinh thành dưỡng dục ông bà cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta trong quá khứ.


Nguyễn Đức Công / Phật học đời sống