Trong đời sống thường nhật, chúng ta gặp quá nhiều những tình huống, ảnh hưởng đến nhiều mặt, nào là sức khỏe, nhà cửa, con cái, vợ chồng, bạn bè, giao hảo v.v… khiến mình càng thêm âu lo, hoảng sợ. Điển hình là sức khỏe, khi mình còn khỏe thì ‘lo’ tập ăn kiêng cữ, thể dục thể thao để giữ cho mình không bị tật bệnh.
Nghe ai nói món nào ăn nhiều sanh bệnh thì mình lo tránh xa; thậm chí không dám thử, dù chỉ một ít. Còn nghe đồn món nào bổ dưỡng, trị lành tật bệnh thì ngày nào cũng ăn, ăn nhiều đến độ phải ‘lo’ mua để tích trữ. Còn khi bị bệnh thì thôi khỏi nói! Ai chỉ món nào mình thử món nấy; Tây y, Đông y đủ cả! Tất cả đều do tâm âu lo, sợ sệt mà sanh ra. Đây chỉ là ví dụ về sức khỏe mà thôi, còn nhiều thứ khác nữa!
Nếu chúng ta tu tập với tâm thanh tịnh thì âu lo, sợ hãi sẽ không làm loạn tâm trí mình – Ảnh minh họa
Tất nhiên, lo lắng là phần tâm lý mà hầu như ai cũng có. Nhưng khi sự lo lắng này đi quá giới hạn cho phép, chúng biến thành những bệnh tật, cần phải được chữa trị. Như thế nào gọi là âu lo quá giới hạn cho phép? Theo các bác sĩ tâm lý, khi âu lo làm trở ngại, cản trở những sinh hoạt thường nhật của chúng ta. Đó là lúc mình cần xem xét kỹ nếu chúng thật sự khiến mình ‘không còn là mình’. Chẳng hạn, có người lo âu, sợ hãi đến độ mất ăn, mất ngủ; hoặc không dám bước ra đường vì sợ thời tiết làm ‘dễ sanh bệnh’ v.v…
Có người cho rằng tu thiền không khéo có ngày sẽ bị ‘tẩu hỏa nhập ma,’ hay nói nôm na là bị điên. Vì có lòng tin như vậy nên một số người hoàn toàn không dám học tu thiền. Nỗi lo sợ bị điên khiến họ e dè và tìm mọi cách tránh né ngồi thiền, hay bất cứ hình thức tu nào có dính dáng tới thiền. Đây chỉ là điểm khởi đầu của sự âu lo khiến mình xa lánh những phương pháp, con đường đạo đưa mình đến an lạc, giải thoát.
Âu lo và sợ hãi còn khiến mình càng ngày, càng lìa xa con đường tu đạo chân chánh. Chẳng hạn, có người lo rằng niệm Phật suốt đời nhưng không biết có được vãng sanh về nước Cực lạc hay không vì sợ rằng mình niệm không đúng cách nên sẽ không được tiếp dẫn. Hoặc có người muốn bố thí, cúng dường nhưng lo rằng nếu mình bố thí không phải nơi, cúng dường không đúng người, thì e rằng mình sẽ chẳng có phước đức gì cả! Còn tệ hơn, có người muốn học hạnh từ bi, thương yêu nhưng lo rằng nếu mình từ bi mà không có ‘trí tuệ’ thì sẽ bị người ta lợi dụng.
Trong kinh Trung bộ I (kinh số 4): ‘Bà-la-môn Janussoni đến thăm Phật trong rừng Kỳ-đà và ca tụng Phật đã giúp ích nhiều cho các Tỳ-kheo, vì quả thực rất khó kham nhẫn đời sống ở rừng núi. Theo ông, rừng núi làm rối loạn tâm trí Tỳ-kheo nào chưa chứng các thiền. Phật xác nhận lời nói của Bà-la-môn, và dạy sở dĩ Tỳ-kheo khó kham nhẫn đời sống viễn ly ở núi rừng, nổi lên sợ hãi, là vì còn có 16 ô nhiễm: không thanh tịnh thân, khẩu, ý, mạng; nhiều tham dục, sân hận ác ý, hôn trầm, trạo cử; hoài nghi, khen mình chê người, run rẩy sợ hãi, ham lợi; lười biếng, thất niệm, tán loạn, ngu đần’ (Ni sư Trí Hải – Toát yếu kinh Trung bộ).
Rõ ràng, Phật dạy nếu chúng ta tu tập với tâm thanh tịnh thì âu lo, sợ hãi sẽ không làm loạn tâm trí mình. Vì quá âu lo, sợ hãi nên mình đã để cho những nhiễm ô xâm phạm tâm thức; và khi tâm thức bị nhiễm ô thì tất cả mọi hành động, dù đúng pháp, cũng trở nên phi pháp.
Khi lo sợ, 6 phiền não căn bản, bao gồm sân hận, tham dục, si mê, kiêu ngạo, nghi kỵ, ác kiến, thường dễ phát sanh nên những việc làm tưởng chừng như đúng pháp cũng trở nên phi pháp. Phi pháp ở đây có nghĩa là những hành động lành, thiện lại mang đến những kết quả phiền não, sân hận, hoặc do tâm không thanh tịnh nên tạo tác, tu tập theo những ác pháp.
Chẳng hạn, có người phát tâm bố thí, cúng dường nhưng khi nghe những lời đồn đại không đẹp về người, hoặc nơi mà mình hay bố thí, cúng dường, tâm mình bỗng dưng cảm thấy lo lắng và bất an vì không biết công lao bố thí, cúng dường của mình có được lợi lạc gì không? Không những thế mà mình còn cảm thấy bực tức vì giống như bị lường gạt. Hoặc tệ hơn, do lo sợ nên sanh sân hận và có ác kiến. Do vậy, mình bắt đầu tạo tác nghiệp xấu bằng cách tuyên truyền, bêu xấu nơi, hay người mình mới vừa cúng dường, bố thí.
Ganh tức, đố kỵ cũng núp bóng dưới hình thức của lo sợ. Mình ganh tức vì cảm thấy bị thua thiệt hay ‘lo sợ’ mình yếu kém, thiếu thốn hơn người khác. Đức Đạt-lai Lạt-ma có giảng rằng: ‘Đôi khi mình không đạt được những thứ mình muốn là một điều may mắn tuyệt vời’. Thường khi, mình ganh tức với người khác không phải vì những thứ họ có, mà mình cho rằng nếu mình có những thứ đó thì mình sẽ sướng hơn! Lấy ví dụ, mình ganh tức với người hàng xóm giàu sang vì họ có nhà cao cửa rộng, xe cộ đắt tiền, hay tiếng tăm, danh vọng, v.v… Bạn cho rằng nhờ vậy mà người hàng xóm của mình rất hãnh diện về những thành công vượt bực của họ.
Ngược lại, mình không ganh tỵ về việc họ phải làm 60 giờ một tuần, không có thời gian để dành cho gia đình, con cái, và tiền nhà, tiền xe cao ngất trời, và những căng thẳng âu lo của họ nếu có chuyện gì xảy ra cho bản thân họ. Có phải bạn ganh tức, lo rầu vì người ta có những thứ bạn muốn, và vì vậy, cho rằng họ sướng hơn bạn, hay vì bạn nghĩ rằng mình sẽ vui sướng hơn nếu mình cũng có giống vậy?
Tại sao lại ganh tức nếu mình tin rằng mình cũng có khả năng thành tựu những điều mình muốn? Cái gì khiến bạn phân vân? Có phải tâm lo sợ của bạn? Sợ mình không đủ khôn ngoan, khả năng, kiến thức để thành công? Ganh tức sanh ra vì bạn muốn một cái gì đó mà bạn e sợ là mình không thể làm được. Khi mình không hài lòng với bản thân, mình thường có những bực tức kèm theo. Và đây chính là mầm mống của sự ganh tỵ, đố kỵ. Tại sao lại phải so sánh mình với người, vì không ai trên thế gian này có thể làm mình tốt hơn, và hạnh phúc hơn là chính mình?
Một khi mình để tâm mình bị nung nấu trong những cảm xúc độc hại do 6 căn bản phiền não gây ra, mình sẽ lún sâu vào sự tự thương hại, than thân trách phận mà chẳng đưa mình đi đến đâu cả! Ông bà mình có câu ‘ngưu tầm ngưu, mã tầm mã’ nghĩa là, nếu mình chỉ loanh quanh trong cái vòng lẩn quẩn than oán, ganh ghét, lo sợ, mình sẽ hấp dẫn những thứ này tìm đến với mình. Nhưng nếu khi mình biết vui mừng vì sự thành công của người khác, mình đang gửi ra một thông điệp cho chính mình và cho thế gian là ‘tôi cũng thích những thứ này’.
Rốt cuộc, năng lượng của sự xúc cảm mà mình mang theo đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nhăn nhó, ganh tỵ, bực tức vì sự may mắn, thành công của người khác chẳng mang lại cảm giác tốt đẹp gì cho mình. Ngược lại, vui mừng vì người sẽ mang lại niềm vui cho mình và năng lượng này, chắc chắn, sẽ tạo nên những điều tốt đẹp cho mình và cho người.
Thấy ai đó có việc làm tốt, lương cao dễ khiến mình rơi vào cái thòng lọng của sự ganh tức. Nhưng nếu mình nhìn thấy rằng những chuyện tốt đẹp như vậy có thể xảy ra, sẽ khiến mình thêm phấn khởi, cố gắng để đạt được vì cơ hội tuyệt diệu này đã đang xảy ra ngay trước mắt mình. Đây cũng là cơ hội để mình đối đầu với niềm tin tiêu cực cho rằng: Hễ người ta có rồi thì mình sẽ không thể có. Sự thật thì điều này không đúng! Hễ mình thay đổi lòng tin của mình, cho là: Hễ họ làm được là mình làm được. Đó mới là cách nhìn tích cực, diệt trừ được những lo sợ, bực tức, đố kỵ xấu xa.
Tâm niệm cuộc đời là vô thường cũng giúp nhiều cho chúng ta. Sự giàu sang, may mắn, thành đạt rồi cũng phải chịu phép với định luật vô thường. Và luôn cả những sự không may mà mình đang hứng chịu, một ngày nào đó, cũng sẽ trôi qua. Nhận thức điều này để thấy rằng không chỉ có mình là xui xẻo, không may vì ai trong đời rồi cũng sẽ trải qua. Nếu mình cứ gặm nhấm nỗi đau bất hạnh rồi buồn tủi, giận hờn suốt đời, có phải là một việc làm phí phạm?
Thiện Ý
(Giác ngộ)