Lịch sử Phật Giáo Việt Nam trong ngày 11/6/1963 đã bị mạo hóa

Hình Lịch sử Phật Giáo Việt Nam trong ngày 11/6/1963 đã bị mạo hóa
- Tác giả: admin

Trong thời gian qua trên các phương tiện truyền thông Internet đã có những bài viết và phim ảnh ngụy tạo nhằm đánh phá Phật Giáo một cách tinh vi và có hệ thống qua việc xuyên tạc và mạo hóa lịch sử.

Lịch sử Phật Giáo Việt Nam trong ngày 11/6/1963 đã bị mạo hóa image-1731748008954

Sự thật của lịch sử Phật Giáo Việt Nam trong ngày 11/6/1963 đã bị các thế lực thù nghịch Phật Giáo bóp méo, đặc biệt là tuyên truyền chuyện “đốt Hoà thượng Thích Quảng Đức”, như một đoạn phim “Youtube.com”, diễn lại toàn cảnh Hoà Thượng Thích Quảng Đức “bị thiêu”. Họ cho diễn lại [1] và viết những bài nói rằng: Người nhẫn tâm tưới xăng lên thân Hoà Thượng chính là ông Nguyễn Công Hoan (Huỳnh Văn Thạnh). Đến năm 1976, thì ông ta được nhà nước Cộng Sản trả ơn bằng cái chức đại diện Quốc Hội đơn vị Phú Khánh Nha Trang Việt Nam”[2] và còn nhiều lời sai sự thật khác.

Trong ba biến cố cao điểm của phong trào tranh đấu Phật Giáo năm 1963—cái chết của tám Phật tử đêm 8/5/1963 tại đài phát thanh Huế, cuộc tự thiêu của HT. Quảng Đức ngày 11/6/1963 và chiến dịch “nước lũ” tổng tấn công chùa chiền toàn quốc đêm 20 rạng ngày 21/ 8/1963—là ba biến cố lịch sử quan trọng của phong trào Phật Giáo tranh đấu. Các thế lực thù nghịch Phật Giáo đã tìm mọi cách để mạo hóa hai biến cố đầu.

Trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ đề cập đến chuyện họ đã mạo hóa lịch sử ngày 11 tháng 6 năm 1963 nhằm chạy tội quá khứ đã chống lại dân tộc trong suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam.

Họ (các thế lực thù nghịch Phật Giáo) thấy rằng đã đến lúc không còn cách nào để chứng minh cho mọi người biết phong trào tranh đấu Phật Giáo 1963 là do Cộng Sản giật dây hay là do những người Cộng Sản hay thân Cộng Sản chủ trương nên đã tuyên truyền rằng “người tưới xăng lên thân Hòa Thượng Thích Quảng Đức là cán bộ Cộng Sản nằm vùng Nguyễn Công Hoan, cựu dân biểu “lưỡng triều” Việt Nam Cộng Hòa”.

Nói rằng Nguyễn Công Hoan là cựu dân biểu quốc hội miền Nam Việt Nam thời đệ nhị Cộng Hòa (nhiệm kỳ 1971-1975) và là cựu dân biểu quốc hội của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (sau năm 1975) là đúng, nhưng nói rằng người tưới xăng lên Hòa Thượng Thích Quảng Đức là cựu dân biểu “lưỡng triều” miền Nam Việt Nam Nguyễn Công Hoan là hoàn toàn sai sự thật.Người tưới xăng lúc đó là một vị tu sĩ Phật Giáo, Đại Đức Thích Chơn Ngữ thế danh Huỳnh Văn Hải, hiện nay đang sống tại thành phố San Jose, bang California, Hoa Kỳ.

Trước hết chúng ta hãy nói về nhật vật Nguyễn Công Hoan. Ông Nguyễn Công Hoan sinh năm 1944 tức mới 19 tuổi vào năm 1963, không có tên trong danh sách dân biểu quốc hội VNCH thời đệ nhất Cộng Hòa [3], nhưng có tên trong danh sách dân biểu quốc hội VNCH thời đệ nhị Cộng Hòa, nhiệm kỳ 1971-1975. Điều này cũng được xác nhận trong hồi ký “Tôi Làm Nghề Dạy Học” của cựu dân biểu Trần Văn Sơn. Cựu dân biểu Trần Văn Sơn tức nhà bình luận Trần Bình Nam là thầy dạy của Nguyễn Công Hoan ở trường Trung Học Võ Tánh, Nha Trang, và cũng là bạn đồng viện, đồng khối “Dân Tộc Xã Hội” tức khối đối lập do luật sư Trần Văn Tuyên làm Trưởng Khối (Quốc Hội Đệ Nhị Cộng Hòa) [4]. (bắt đầu trích):

“Anh Hoan, dân biểu Phú Yên, quốc hội Việt Nam Cộng Hòa, nhiệm kỳ 1971-75 cùng ở trong khối đối lập với tôi. Thời gian làm dân biểu Việt Nam Cộng Hòa anh Hoan quen biết thế nào với những người bên kháng chiến không biết.

Sau ngày 30/4/1975 một số người này làm lớn trong chính quyền mới ở Phú Khánh (hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa nhập lại) đã mời anh Hoan ra ứng cử dân biểu quốc hội của nước Việt Nam thống nhất tổ chức năm 1976. Anh Hoan đến thăm tôi vào đầu năm 1976 cho biết ý anh muốn từ chối vì anh đã nghe dân Phú Yên than phiền chính sách của chính quyền mới.Tôi khuyên anh Hoan không nên từ chối vì có thể nguy hiểm cho bản thân anh.

Sau khi trở thành dân biểu quốc hội của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Hoan có nhiều dịp vào Nha Trang tỉnh lỵ của tỉnh Phú Khánh công tác và hay đến thăm tôi.Từ đó có kế hoạch vượt biên. Phân công đơn giản. Anh Hoan chuẩn bị thuyền, tôi chuẩn bị đường đi. Anh Thung làm ruộng ở Thanh Minh chờ gọi.Chúng tôi vượt biên đêm 27/3/1977. Được tầu chở dầu Nhật Bản, chiếc Ryuko Maru khổng lồ trên đường từ Trung đông trở về, vớt ngày 31/3 và đưa đến hải cảng Yokohama ngày 5/4/1977. Hoan được quốc hội Hoa Kỳ mời sang điều trần về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam nên đi Hoa Kỳ sớm. Thung và tôi chờ đến tháng 10/1977 mới đi Hoa Kỳ diện tị nạn “on parole” với thẻ I-94…” (hết trích)

Như vậy rõ ràng ông Nguyễn Công Hoan không phải là dân biểu quốc hội thời đệ nhất Cộng Hòa, tức là vào lúc xảy ra cuộc tranh đấu Phật Giáo và dĩ nhiên không phải là người đã tưới xăng lên Hòa thượng Quảng Đức.

Bây giờ chúng ta xem ai chính thực là người đã giúp (tưới xăng) lên HT. Thích Quảng Đức để ngài hoàn thành đại nguyện. Người đó chính là Đại Đức Thích Chơn Ngữ, sinh năm 1933 tức 30 tuổi vào năm 1963, thế danh là Huỳnh Văn Hải, đệ tử của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, vị Tăng Thống đầu tiên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Sau năm 1963, Đại Đức Thích Chơn Ngữ đi du học tại Hoa Kỳ, sau đó qua Pháp và đỗ Tiến sĩ Sử Học tại Đại Học Sorbonne, Paris. Năm 1973 ông về Việt Nam dạy học tại Viện Đại Học Vạn Hạnh. Sau năm 1975 cởi áo xuất tu , vượt biển và được nhập cư vào Mỹ năm 1982 và hiện đang sống tại San Jose Hoa Kỳ [5]. Ông Huỳnh Văn Hải, người vừa là chứng nhân, vừa là người đóng vai trò quan trọng trong cuộc tự thiêu của ngài Quảng Đức đã thuật lại như sau: (bắt đầu trích):

“… Ngày 15 tháng 5, Tổng thống Diệm bất đắc dĩ phải tiếp phái đoàn Phật giáo gồm 5 vị: Thượng tọa Thiện Hoa, Thiện Hòa, Hành Trụ, Tâm Châu và Đôn Hậu, nhưng ông Diệm đã không thực tâm giải quyết vấn đề. Do đó, ngày 16 lại có nhiều cuộc tuyệt thực khác và biểu tình rầm rộ trước Quốc hội, nhưng chính quyền vẫn không đả động gì đến những yêu cầu của Phật giáo đồ… Bây giờ câu hỏi rất quan trọng được đặt ra là việc tự thiêu, người hưởng ứng đầu tiên là Ngài Quảng Đức.

… Lúc 10 giờ sáng ngày 11 tháng 6 năm 1963, tôi (Thích Chơn Ngữ, thế danh Huỳnh Văn Hải) dìu Ngài ra đến cổng chùa, thầy Đức Nghiệp mở cửa chiếc xe Austin đã đậu sẵn, mời Ngài lên. Xe gặp đường Phan Đình Phùng quẹo phía trái là đường Lê văn Duyệt, tài xế dừng xe lại, xung quanh tôi các tăng ni đã đứng chật ních bao vây ngã tư Lê văn Duyệt-Phan Đình Phùng.

Tay trái tôi xách thùng xăng, tay mặt tôi dìu Ngài bước ra xe và mời Ngài ngồi xuống. Ngài ngồi “Kiết Già” tay mặt đặt lên tay trái. Tôi cầm thùng xăng đáng lẽ tưới lên vai Ngài, nhưng vì hốt hoảng lo sợ mật vụ tới nên đã đổ xăng từ đầu Ngài trở xuống. Ngài mở hộp diêm rút 5, 6 que rồi quẹt mạnh. Lửa tức tốc bừng cháy đốt ngay thân xác Ngài như một pho tượng trong khi các tăng ni quỳ xuống vừa khóc vừa niệm: A Di Đà Phật.

Tiếng niệm Phật rất não nùng thê thảm trong lúc ngọn lửa càng bốc cao, phủ kín cả người Ngài, nhưng Ngài vẫn ngồi vững như bàn thạch chấp hai tay trước ngực.

Sau 7 phút toàn thân Ngài ngã xuống nhưng hai tay vẫn còn chắp trên ngực. Xung quanh các tăng ni vừa bái lạy vừa khóc, vừa niệm Phật, nhưng có một người vẫn đứng thẳng như một trụ đá, không khóc, nét mặt rất đau thương đến độ trông rất lạnh lùng, chấp hai tay nhìn thẳng vào thân xác cháy đen của Ngài Quảng Đức. Đó là Thượng tọa Thích Tâm Châu mà nay là Hòa thượng tu hành tại nước Pháp.(Hiện nay, Hòa Thượng Thích Tâm Châu là Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên Thế Giới và đang trụ trì Tổ Đình Từ Quang, Montreal, Canada – Ghi chú của người viết)

Ngài Quảng Đức đã hiến mình cho Đạo Pháp bằng cách an nhiên tọa thuyền trong biển lửa cao ngút. BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC đã tự đốt mình để bảo vệ Đạo Pháp lúc lâm nguy và để bảo vệ quyền Tự Do Tín Ngưỡng. Hành động can đảm và tuyệt vời này của Ngài đã làm cả thế giới khâm phục và đã thức tỉnh lương tri nhân loại rằng đàn áp, chém giết chỉ gieo rắc thêm hận thù. Bạo lực sẽ thất bại trước Tự Do, Công Bằng, Tình Thương và lòng Khoan Dung..”(hết trích) [6]

Thế mà nay, sau gần nửa thế kỷ, họ vẫn cố tình gán ghép cho ngài là Cộng Sản, là người bị thiêu đốt và bịa đặt người tưới xăng thiêu đốt là “cán bộ Cộng Sản nằm vùng, cựu dân biểu lưỡng triềuViệt Nam Cộng Hoà Nguyễn Công Hoan”. Họ (những thế lực thù nghịch Phật Giáo) vẫn dai dẳng nói rằng ngài “bị nướng sống chứ không phải tự thiêu”. Điều này cũng hoàn toàn sai. Lời thuật lại của những chứng nhân lịch sử hôm ấy như Hoà Thượng Thích Đức Nghiệp, cựu Đại Đức Thích Chơn Ngữ và cựu nhiếp anh gia Nguyễn Văn Thông đều thấy và kể lại rằng “Ngài mở hộp diêm rút 5, 6 que rồi quẹt mạnh”. Sự kiện này được chứng minh bởi chín tấm hình đen trắng bấm liên tục của thông tín viên Malcolm Browne chụp từ cùng một góc độ nhìn, lấy chiếc xe Austin làm nền hình, ghi lại khá chi tiết và trung thực diễn tiến động thái tự thiêu của HT. Thích Quảng Đức, đặc biệt trong một tấm hình (ảnh số 2), Đại Đức Chơn Ngữ đã bước đi ra xa về phía các chư Tăng Ni, để lại HT Quảng Đức một mình tìm cách tự quẹt diêm giữa vũng xăng lênh láng. [7]

Sự cố tình bóp méo hay là sự mạo hóa lịch sử trắng trợn này không thể nào tưởng tượng được. Nhiều chứng nhân của lịch sử hãy còn sống mà đã bị xuyên tạc và bóp méo, không hiểu tương lai xa nữa, sự thực của lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như của dân tộc Việt Nam sẽ bị biến thể như thế nào!

Tuy nhiên, dù rằng nói cách nào đi nữa, đối với Phật Giáo cái “Tâm” mới là chủ yếu, tâm dẫn đầu mọi pháp. Mọi người, mọi việc xung quanh giúp ngài là theo ý muốn của ngài (để ngài hoàn thành đại nguyện), Tâm của ngài đã quyết định từ khi gửi đơn xin phép được tự thiêu, đã dẫn đạo ngài, “hành động tự thiêu của ngài phát xuất từ tâm Bồ Đề, từ đại nguyện cứu độ chúng sinh, đem thân xác còn lại của Ngài sử dụng thành ngọn đuốc soi sáng thế giới vô minh, hy vọng đánh thức lương tâm nhân loại và những người lãnh đạo cuộc chiến tương tàn đang hồi khốc liệt. Ngài thiêu thân vì đạo pháp, vì tiền đồ nguy khốn của Phật giáo, vì tự do và bình đẳng tôn giáo, không vì một ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất cá nhân” [8]. Đáng tôn kính thay đấng từ bi vô lượng.

Các nhân vật được minh danh dẫn chiếu trong bài viết này còn sống và hiện đang ở Hoa Kỳ. Và với bài viết này, sự thật của lịch sử Phật Giáo Việt Nam trong ngày 11/6/1963 đã được minh thị.Vậy đã đến lúc không còn có thể tiếp tục bôi bác hay mạo hóa lịch sử nữa, mà trả lại sự thật cho lịch sử.


Tâm Diệu


Dẫn chiếu:

[1] Minh Thạnh, Clip HT. Thích Quảng Đức Tự Thiêu Diễn Lại: Từ Điểm Nhìn Chuyên Môn:

http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-139_4-14308_5-50_6-1_17-46_14-1_15-1/

[2] http://vietluanonline.com/250211/LichsuPhatgiaoVN11-06-1963dabidanhtrao.html

[3] Công Báo VNCH, Trung tâm Lưu Trữ Quốc Gia 2 tại Thành Phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) thuộc kho [fonds] Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa Miền Nam.

[4] Trần Văn Sơn, Hồi ký “Tôi Làm Nghề Dạy Học”

(http://www.tranbinhnam.com/story/Toi_Day_Hoc_Edited.html)

Được xác nhận trong cuộc điện đàm giữa nhà văn Nguyên Giác Phan Tấn Hải và cựu DB Trần Văn Sơn.

[5] Bùi Ngọc Đường, Giáo sư, cựu Giám đốc Sinh Viên Vụ, Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Chủ biên Tạp chí Chấn Hưng, Los Angeles (Qua các cuộc điện đàm và email với người viết).

[6] Huỳnh Văn Hải, Cuộc Tự Thiêu Lịch Sử, Nguyệt san Chấn Hưng số 4 tháng 8 năm 1985 Trang 2, 3 và 19. Los Angeles, Hoa Kỳ. (Phần trích đoạn ở trên của bài viết “Cuộc Tự Thiêu Lịch Sử” cũng được tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu in lại trong tác phẩm “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi”, Phụ Lục A, số thứ tự 27, trang 1083 và 1084, ấn bản 1987)

[7] [Nguồn: http://iconicphotos.wordpress.com/2009/06/19/the-immolation-of-quang-duc/ ]

 và [ http://en.wikipedia.org/wiki/Thich_Quang_Duc]

[8] Tâm Diệu, cư sĩ, nhà nghiên cứu Phật Học, chủ biên website Thư Viện Hoa Sen, tác giả bài tham luận đọc trước cuộc hội thảo khoa học “Bồ Tát Quảng Đức” tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam TP. HCM năm 2005 “Bồ Tát Quảng Đức Vị Pháp Thiêu Thân Đối Chiếu Qua Kinh Điển”, trích trong cuốn: Bồ Tát Quảng Đức Ngọn Lửa và Trái Tim, Lê Mạnh Thát chủ biên, nhà xuất bản Tổng Hợp TP. HCM xuất bản năm 2005, trang 199-208.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Tin mới

Người lái đò thầm lặng trong cuộc đời

Thầy! Người xuất hiện trong cuộc đời những người học trò như chúng e một cách nhẹ nhàng nhưng đã lắng đọng lại những bài học vô cùng sâu sắc và không bao giờ mờ nhạt  đó chính là kiến thức mà thầy cô đã tận tụy truyền đạt, và cả những bài học về

Chùa Phước Huệ: Chư hành giả Tăng – Ni Giáo đoàn VI cùng nhau “Sống chung tu học”

9g sáng, ngày 6/1/2025 nhằm mùng 7/12/Giáp Thìn. Hòa thượng Giác Minh, Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ đã thân lâm về chùa Phước Huệ, khu phố Long An, phường Long Phú, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang theo lời mời của Thượng tọa Giác Nhuận trưởng Ban tổ chức khóa tu lần 7

Nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện”

Với hiệu quả thiết thực của bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đến nay Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện” (BATT) tại nhiều bệnh viện trong tỉnh. Đặc biệt, hoạt động nhân văn này ngày càng thu hút

Gập ghềnh con đường đến trường

Mẹ bỏ đi khi em tròn 1 tuổi. Ít lâu sau người cha cũng qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại em cho bà nội. Em lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ, nhưng lại đầy ắp tình yêu thương của bà. Tuy nhiên, sức khỏe bà ngày càng

Sống tích cực là con đường tới thành công

Một người hạnh phúc không phải là một người sống trong hoàn cảnh thuận lợi, mà là một người có thái độ sống đúng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có thể trong một khoảnh khắc, một quãng thời gian nào đó bất kỳ ai cũng có thể có cảm giác mệt mỏi về khó

Ca sĩ Anh Tâm kể nhân duyên đến với Phật pháp

Là một ca sĩ hát nhạc thị trường bỗng có duyên lành hát ở chùa, tham gia các công tác từ thiện Phật giáo…, ca sĩ Anh Tâm dần chuyển sang hát nhạc Phật. Mới đây, anh cho ra mắt album Lạy mẹ Quan Âm với tâm nguyện cúng dường Tam bảo. Anh còn tham

Điều kỳ diệu của cho đi và nhận lại

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh. Ảnh: minh họa Trên đường đi, hai

Richard Gere trải nghiệm cuộc sống người vô gia cư

Trong bộ phim mới của mình đang được thực hiện, Richard Gere đã trả nghiệm cuộc sống của những người vô gia cư và nhận ra nhiều điều thú vị. Hình ảnh nam tài tử gạo cội Hollywood bước ra đường chỉ với 100USD được đưa lên facebook đã gây nhiều tò mò cho người