Tờ BBN News có bài viết, cho biết, trẻ con vốn được sinh ra với con tim rộng mở – với một sự cân bằng tuyệt vời của năng lượng yêu thương khó có thể xâm phạm và rất vô sự. Chỉ khi trải nghiệm cuộc sống và học cách vượt qua những đau đớn về mặt tinh thần trong thế giới này thì những nỗi đau vật lý, hữu cơ cũng dần lớn lên theo trẻ.
Cho dù chúng ta có thấu cảm hay không, trẻ con được sinh ra với khả năng cảm thụ đặc biệt. Và dù có biểu hiện ra ngoài hay ở dạng ẩn tàng thì trẻ con vẫn được phú cho cái được gọi là sự tỉnh thức về mặt tinh thần. Tuy nhiên, nếu không được nuôi dưỡng trong một môi trường tốt đẹp thì khả năng tự nhiên này ở trẻ sẽ dần mai một.
Một bạn nhỏ châu Âu học tỉnh thức với Thiền sư Nhất Hạnh – Ảnh: L.M
Làm sao chúng ta tri nhận được khả năng này ở trẻ? – Đơn giản đây là những khả năng như sự kết nối về mặt tinh thần, sự đồng cảm không qua giao tiếp thông thường, sự nhận thức sáng suốt… Những điều này chỉ được thấy biết khi ta hiểu rõ con tim mình và sẵn sàng hiến tặng những điều tốt đẹp tương tự cho thế giới bên ngoài. Trực giác là nền tảng của sự kết nối những xúc cảm xuất phát từ con tim.
Nếu muốn nuôi dưỡng trẻ con có được sự tỉnh thức về mặt tinh thần thì cần phải trang bị những hiểu biết về nuôi dạy trẻ có chỉ số cảm xúc cao. BBN News khẳng định, những điểm lưu ý dưới đây là cần thiết để giúp trẻ có sự tỉnh thức khi lớn lên.
Dạy cho trẻ biết rằng cảm xúc là điều bình thường
Các cảm xúc như giận dữ, tội lỗi, buồn bã, vui vẻ, hạnh phúc… đều cần được thừa nhận. Dạy trẻ tránh né cảm xúc là buộc trẻ trấn áp cảm xúc. Như vậy sẽ làm cảm xúc kết tụ lại bên trong không được giải quyết và trái tim của trẻ sẽ bị đóng kín lại. Hãy để trẻ biểu đạt cảm xúc của mình theo những cách lành mạnh nhất.
Nếu trẻ giận dữ hay khó chịu, khó bảo thì hãy: thừa nhận cảm xúc đó của trẻ, để trẻ hiểu cảm xúc đó của mình, giúp trẻ giải phóng cảm giác tiêu cực đó theo cách tốt nhất.
Thí dụ, khi trẻ đang buồn giận hãy để trẻ nói “Con đang buồn giận” nhiều lần. Chắc chắn sau đó trẻ sẽ cười to trở lại vì trẻ con biết cách tự làm mình cười. Người lớn giúp trẻ cởi bỏ cảm xúc tiêu cực và trẻ sẽ cảm thấy thư giãn trở lại khi chúng nhận biết điều đó.
Loại bỏ những “lập trình” về nên-hư, tốt-xấu
“Con ngoan!”, “Con hư!” là những ngữ vựng cần được loại bỏ. Dạy trẻ bằng cách cho trẻ biết trẻ đang hư hay đang ngoan là đang chèn quy trình của sự tự phán xét và cô lập vào bên trong bản thân trẻ. Sau đó, trẻ sẽ dần phát triển và nhìn nhận bản thân mình bằng cái tôi. Điều này giống như việc mình được sinh ra với một nửa ác và một nửa thiện trên hai bờ vai trái, phải của cùng một thân vai trên cùng một cơ thể.
Không có người tốt, người xấu mà chỉ có điều tốt và điều xấu. Điều chúng ta cần làm là tập trung vào điều trẻ làm (hành vi) chứ không phải đánh giá trẻ tốt hay xấu thông qua hành vi của trẻ.
Nhiều điều chúng ta nói và làm gây tổn thương cho người khác, cho chính bản thân mình nhưng cũng có những điều ta nói và làm đều lợi lạc cho bản thân và người khác. Sự sửa chữa cần thiết ở đây là về hành vi chứ không phải về sự phán xét tổng thể nên hư lên trẻ.
Lắng nghe con trẻ
Lắng nghe con trẻ là điều tất nhiên nên làm, nhưng phải lắng nghe thật sâu. Khi trẻ nói điều gì đó, chúng ta thường nghĩ chúng nói vu vơ vì xét cho cùng chúng cũng chỉ là trẻ con. Nhưng khi ta thật sự lắng nghe và quan tâm, ta sẽ bắt đầu tri nhận được những thông điệp khác. Việc của người lớn là lắng nghe, tri nhận và giúp trẻ phát huy những khả năng có lợi cho chúng và môi trường xung quanh.
Đừng cười qua quýt hay bỏ ngoài tai những điều trẻ nói dù đôi khi nghe có vẻ phi thực tế hay kỳ cục. Có nhiều điều lớn lao ta có thể học được từ trẻ con nếu ta có thể nghe mà không phán xét hoặc phân tích vì những gì trẻ nói có thể mở ra nhiều điều. Chính sự lập trình cố hữu trong ta tạo ra những phân tích, phán xét chứ trẻ con không nói dối.
Trẻ con cũng mang đến những tặng phẩm
Trần Trọng Hiếu