Post: : Admin

​Là 'chuyên gia' đi chợ: mua thuốc men, thực phẩm, quà bánh, có khi chỉ một ổ bánh mì thịt hay nải chuối.



Làm ra mười ngàn đâu có dễ

Chợ của mình ngộ, ý nói chợ kiểu cũ, truyền thống, buôn bán tài tử có khi áp đặt khách hàng: khi mặc cả, lựa chọn, nhận xét, hay mua ít thường có lời qua tiếng lại của chủ hàng, khác cung cách chuyên nghiệp của thương mại hiện đại ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ hay trang kinh doanh online uy tín. 


Chợ quê, hàng rong có nhiều cái hay như bảo tồn văn hoá, duy trì sinh kế cho hộ kinh doanh ít vốn, trãi đều khắp, song cũng không ít cái dỡ: không chuyên, thiếu kỹ năng và tư duy làm ăn hiện đại, không trọng khách hàng, tương tác thiên về cảm xúc... Mua người này mích lòng người kia, trả giá chút bị nặng lời... Cầm chút đồ phải lạng qua lạng lại sợ mích lòng vì không mua “ chỗ quen”. Quyền khách hàng, cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng và phục vụ ít thấy ở chợ truyền thống. Đổi trả hàng kém phẩm chất, phản ánh cân gian cân thiếu cũng hiếm vì...nguy hiểm! Trước sức cạnh tranh mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh hiện đại từ bên ngoài và ngay trong nước, cuộc làm ăn tài tử như vậy của bà con hàng rong và chợ truyền thống với nhiều phiền toái bất tiện cho khách hàng thực sự đáng lo nếu muốn tồn tại và phát triển. Thực tế sự thâm nhập của nhiều công ty bán lẻ từ nước ngoài, như Thailand, là minh chứng, họ cho thấy sự hơn hẳn từ hàng hoá dịch vụ đến cách tương tác với khách hàng và đương nhiên đi theo đấy là qui mô doanh thu.


Bên Singapore, người viết có trãi nghiệm cung cách làm ăn của xứ này từ chỗ có sao đến xe hàng rong, chợ ngồi bệt như bên mình. Có văn minh, làm ăn căn cơ dù chỉ chiếc xe gỗ bán chuối. Những trái chuối đẹp, có dán logo, xếp ngay ngắn. Chọn mua và đưa tờ tiền 50 đô la Singapore anh chủ hàng xua tay ý nói không có tiền thối và cười tươi khi khách không mua, đi chỗ khác. Ở chợ trời cũng lôm côm gần Chùa Phật nha như bên Chợ Lớn của mình, lựa mua đồ cũ chán chê, mặc cả,  cũng chẳng sao, thuận mua vừa bán. Khi chờ suất nhạc nước ở đảo Sentosa, mua hai tách trà sữa được phục vụ tốt, cũng với nụ cười. Có khác biệt không chỉ ở bề nổi như chất lượng sản phẩm, còn ở cách nghĩ trong làm ăn dài hơi: không khi này thì khi khác, khách hàng là quan trọng. Cung cách đấy góp vào sự ưu việt của nền công vụ, hạ tầng, môi trường, tạo sức hấp dẫn cho du khách. Xứ mình dở chuyện này một cách rõ rệt ở chuyện cơm tù nổi tiếng một thời ở các trạm dừng xe khách, kiểu mua bán chụp giựt, mì ăn liền, gian lận vẫn còn: hàng qua tay không đổi trả, tiền tính rồi không tính lại, giao tiếp nhát một với người mua kiểu không cần bán. Hậu mãi, chăm sóc khách hàng, maketting..có nơi có chỗ hãy còn xa lạ. Chuyện này đâu có vui vẻ chi.

Làm ra mười ngàn đâu có dễ


Dịch, từ xa đến gần, thành tâm dịch khi Covid-19 đã kéo dài hai năm, chơi vơi sinh kế, tiền bạc eo hẹp. Từng dòng đồng bào từ miền trên đổ về, khu cách ly xuất hiện khắp nơi, vùng đỏ ai ở đâu ở đấy không nhúc nhích được. Hàng rong trên xe gắn máy mưu sinh liều lĩnh, rồi xe ba rác, xe kéo: khoai, khóm, dưa, rau, thịt, cá, khô.... Âm thanh từ các loa nhỏ réo rắt khua động giãn cách và làm loãng phần nào sự hối thúc ầm ĩ âm thanh xe cứu thương hay công vụ. Đời sống khó, rồi khó hơn.


.... Đi chợ, dừng vì tấm bảng giấy bìa “ khoai lang 10.000 đồng/ký”, những chiếc bọc đầy khoai trên xe đẩy. Anh chủ hàng da đen màu nắng: “ chú cứ đổ ra lựa”, mua đúng một ký, giải thích: ở một mình, mua ít sợ ăn không hết. Anh chủ hàng nhẹ nhàng: “ nửa ký cũng bán, lúc này khổ lắm chú ơi, mà làm được mười ngàn đâu có dễ”. Người mua bất ngờ, dường như chưa nghe những lời nhẹ nhàng hiểu biết thủ thỉ như thế từ người bán, có khi chỉ mới chạm tay lựa chọn đã nhận ngay tín hiệu không OK của chủ hàng, nói chi bọc sẵn lại đổ ra và chỉ mua đúng một ký. Anh ấy nói đúng, lúc này khó lắm, có người thiếu ăn. Khách hàng của Anh vừa nhận được tám trăm ngàn nhuận bút sau mấy tháng toà soạn trên Sài Gòn bế môn, mừng húm, qui ra món tiền kia gần một trăm ký khoai lang loại ngon mua tại chợ. Anh xử sự như chủ xe gỗ bán chuối ở Singapore, khác ở chỗ vì ngộ ra tiền làm ra khó trong đại dịch, còn anh bán chuối của xứ đảo hành xử tự nhiên, lúc nào cũng vậy.


Dịch, bên cạnh mất mát to lớn, còn khiến người ta ngộ ra nhiều thứ vốn chìm trong chuyện đời thường hàng ngày. Về, rửa, luộc, khoai lang thơm, nhiều bột, nghi ngút khói. Rổ khoai chỉ có đúng mười ngàn...


Nguyễn Thành Công

Làm ra mười ngàn đâu có dễ