Phật học đời sống - tin tức Phật giáo - tin nhanh
XUÂN AN LẠC

Lâm Diệu Ngọc nhạc sĩ của những khúc từ bi ca

06-01-2018 - Admin
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHĐS - Nhạc sĩ Lâm Diệu Ngọc - Phó Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ VHNT huyện Vạn Ninh, phụ trách âm nhạc. Anh đã sáng tác và phổ thơ có đến hơn 100 bài, trong đó bao gồm những phổ thơ viết về quê hương, và nhiều sáng tác nhạc Phật giáo..


Sinh năm 1948 tại làng Lộc Thọ xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), Lâm Diệu Ngọc lớn lên trong một gia đình có truyền thống sùng Đạo Phật. Sau khi tốt nghiệp cấp ba phổ thông, với năng khiếu bẫm sinh về âm nhạc, anh chọn cho mình một hướng nghệ thuật riêng theo tố chất đam mê.


Năm 1968, Lâm thi vào trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, đường Nguyễn Du, nay là nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoài Nam. Lúc bấy giờ, trường đào tạo hai ngành, đó là Quốc nhạc và nhạc Tây phương, gồm 20 chuyên ngành nhạc khí và lý thuyết âm nhạc. Lâm Diệu Ngọc theo học nhạc cụ dây (bộ dây), như guitare, violon, bass, mandoline…Tuy nhiên, trước khi chuyển sang chuyên ngành, Diệu Ngọc phải học qua các khoa khác, như thanh nhạc, sáng tác…

Lâm Diệu Ngọc nhạc sĩ của những khúc từ bi ca

Lâm Diệu Ngọc nhạc sĩ của những khúc từ bi ca

Năm 1970, thấy phong trào ca nhạc sinh động, Lâm Diệu Ngọc và vài người bạn bỏ học vì đam mê thành lập nhóm nhạc, chơi cho các show tại các quán cà phê nhỏ ở Sài Gòn. Anh nói, vừa có tiền, lại vừa rất vui.

Sau tháng 4/1975, Lâm Diệu Ngọc  sống tại Nha Trang, và được Giám đốc đường sắt lúc bấy giờ là Đỗ Văn Đích mời thành lập Đội Văn nghệ đường sắt Nha Trang tại số 2, đường Yersin. Một năm hoạt động, Đội đi lưu diễn từ ga Bình Định đến ga Bình Thuận. Nhưng rồi nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ chùa chiền, Diệu Ngọc tay nhạc, tay đàn về lại Lộc Thọ, Vạn Long, nơi chôn nhau cắt rốn.

Ngoài việc chăm chuyên Phật sự tại các chùa trong xã vào ngày cuối tuần, Diệu Ngọc còn siêng năng cùng với các Phật tử mộ đạo, thiện tâm tổ chức chương trình và sáng tác nhạc phục vụ cho các chùa trong huyện vào những ngày trọng đại: rằm tháng Giêng, Ngày Phật Đản, lễ Vu Lan…Đó là Gia đình ca, Đơn vị ca. Ngoài những sáng tác như Núi Linh Thứu, Mùa Hội hiếu, Chiều Thu, Nghĩ về Mẹ… Lâm Diệu Ngọc còn phổ thơ của các văn nghệ sĩ khác: Cuối con đường Hoa trắng của Lê Thị Đậm, Bông Hồng Trắng (Thạch Lựu), Mưa tháng Giêng (Cù Huy Tử - Sư Thanh), Khánh Hòa quê ta (Thanh Trí)…


Huynh trưởng Phật tử Nguyên Châu – nhạc sĩ Lâm Diệu Ngọc đã kinh qua các bậc từ Sơ cấp/tập sự, cấp Một, cấp Hai, đến các trại Lộc Uyển trại A Dục, Huyền Trang. Thời gian rèn luyện đức tính từ bi nhân ái, thấm nhuần về chuyên môn, giáo lý Phật học…trên mười năm kiên định, của các bậc: Kiên/1 năm - Trì/2 năm - Định/3 năm - Lực/5 năm, để trở thành một huynh trưởng uy tín. Anh cho biết thêm, mỗi năm phải thi một lần. Sau khi hoàn tất bậc Lực, người Huynh trưởng Phật tử phải làm và bảo vệ luận án trước Hội đồng Giám khảo. Nếu luận án đạt yêu cầu, nội dung tốt thì được Hội đồng chứng nhận hoàn chỉnh. Hiện nay, anh hoan hỉ được gắn loại hai hạt và hai lá Bồ Đề (cấp Tín), và anh đang chuẩn bị thi cấp ba hạt - ba lá Bồ đề.


Nhạc sĩ Lâm Diệu Ngọc là ủy viên phụ trách Văn nghệ gia đình Phật tử Khánh Hỏa, nhiệm kỳ (2016 – 2020). Ngoài làm giám khảo các chương trình hội thi Phật nhạc tại địa phương, người nhạc sĩ Phật tử xứ Gió này còn được mời ngồi giám khảo các cuộc thi mang đẵng cấp quốc gia: Hội thi vẽ tranh kể chuyện tiếng hát oanh lam,  từ 6 – 12 tuổi, vào năm 2016, hội tụ 25 tỉnh – thành, về tại Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), do nhạc sĩ Đức Quảng làm Chánh chủ khảo. Anh còn được mời tham dự trong Ban giám khảo tiếng hát Ca lăng Tần già, khung tuổi từ 15 đến 45 tuổi, tổ chức tại Gíác Hải Đường (Nha Trang) vào tháng 11 năm 2017. Hội thi gồm những thí sinh Phật tử đã trúng tuyển qua vòng một tại các tỉnh thành trên cả nước, tập trung vào thành phố Hồ Chí Minh để tranh tài.

Nhạc sĩ Lâm Diệu Ngọc đương kim Phó Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ VHNT huyện Vạn Ninh, phụ trách âm nhạc. Số lượng ca khúc anh đã sáng tác và phổ thơ có đến hơn 100 bài, trong đó bao gồm những phổ thơ viết về quê hương, và nhiều sáng tác nhạc Phật giáo do các chùa yêu cầu để phục vụ vào các ngày lễ lớn trong năm, hoặc ca ngợi lịch sử khai cơ của một ngôi chùa…Anh sử dụng được nhiều nhạc cụ: organ, guitar, mandolin. Trống jaz, harmonia. Tambourin.  

Huynh trưởng Phật tử Nguyên Châu – nhạc sĩ Lâm Diệu Ngọc

Những ca từ vinh danh ngọn lửa Yến Phi (Đào  Thị Yến Phi) tử vì đạo vào năm 1965, anh đã viết lại, và trình diễn trong Trại ca Yến Phi) -“Lửa Yến Phi xóa tan oán hận, sân si. Lửa Yến Phi bừng sáng khơi lòng từ bi, là đuốc thiêng soi đường, là ánh quang vô lượng, là màu lam yêu thương”…đã được Diệu Ngọc tập cho các em “oanh lam” trong những buổi cắm trại gia đình Phật tử. 
Chia tay Vạn Long, chia tay nhạc sĩ Nguyên Châu Lâm Diệu Ngọc, ngọn gió Tu Bông đưa tôi về Vạn Giã, vang vọng thanh thoát mùi âm ca độ lượng từ bi.

Võ Khoa Châu
Thị trấn Vạn Giã, huyện VạnNinh – Khánh Hòa

Các tin đã đăng:
Tòa soạn: 207A - Võ Thị Sáu - Phường 7 - Quận 3 - Tp. HCM - ĐT: 0777719559 - VPĐD: 76 Lê Thị Trung - P.Phú Lợi - Tp. Thủ Dầu Một - Bình Dương - ĐT: 0122.771.9559