Post: : Admin

Không phải là nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, nhưng nhắc đến Trần Bích, hầu như giới nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đều biết tên tuổi và tác phẩm của ông.



Người nghệ sĩ nghiệp dư này chỉ thích chụp Sen và đặc biệt, những bức ảnh Trần Bích triển lãm bao giờ cũng gợi nhiều cảm xúc cho người thưởng thức. Thông qua hình ảnh về Sen, Trần Bích có thể kể cho mọi người nghe về đời người với những phận người khác nhau, mà điểm chung là hội tụ của tình yêu thương cha mẹ dành cho con; sự đùm bọc, chở che, không khuất phục số phận và vươn lên mãnh liệt, đầy sức sống để tìm hạnh phúc như con người Việt Nam.


Sen của Trần Bích luôn chứa thông điệp cuộc sống. Đó có thể là tình yêu thương thương cha mẹ dành cho con; sự đùm bọc, chở che, vươn lên mãnh liệt, đầy sức sống để tìm hạnh phúc - Ảnh: NVCC

Tại căn nhà ở quận Tân Bình, nơi ông vừa trở về sau chuyến bạo bệnh bộc phát trên chuyến đi dã ngoại sáng tác ở miền núi Tây Bắc, phải phẫu thuật lắp máy trợ tim, mặc dù vết mổ trên ngực chưa lành hẳn, gương mặt vẫn còn xanh xao, bước chân còn chậm chạp nhưng nhắc đến Sen là dòng cảm xúc trong ông tuôn chảy không có điểm dừng...

Thông điệp nhân văn trong từng bức tranh Sen

Trong phòng làm việc của ông, Sen hiện diện khắp nơi, đặc biệt là trong máy tính - toàn hình về Sen. Vừa chỉ cho tôi xem những hình ảnh về Sen mà ông tâm đắc, ông vừa chia sẻ: “Tôi mê chụp Sen lắm. Hoa khác có đẹp mấy cũng không bằng hoa Sen vì vòng đời nở, tàn rồi thôi; còn Sen thì có sanh, lão, bệnh, tử giống như đời người. Có lá Sen rồi mới có bông Sen, giống như có mẹ rồi mới có con. Lá Sen luôn che chở cho bông Sen như cha mẹ luôn che chở cho con của mình. Bông Sen mới sinh ra là búp xanh, nở dần như con gái mười tám; rồi thời gian sau nở bung rực rỡ như con gái đôi mươi; đến khi qua tuổi vị thành niên, những cánh hoa rụng đi thì đài Sen lớn lên, nuôi những hạt Sen. Khi hạt Sen già rụng xuống, đủ duyên, gặp điều kiện thích hợp sẽ tiếp tục vòng luân hồi”.

Với ông, thế giới loài Sen cũng là thế giới loài người. “Chụp hình Sen, tôi ngộ ra nhiều điều”, ông trầm ngâm. Khi bắt gặp những lá Sen già nua, héo tàn, mục ruỗng nhưng vẫn ôm trọn lấy búp Sen non, ông liên tưởng ngay đến hình ảnh người mẹ luôn che chở con mình, lúc nào cũng yêu thương con dù đi đến cuối cuộc đời vẫn không thay đổi. Lòng mẹ bao la bao nhiêu thì lòng Sen cũng bao la bấy nhiêu.

Sen có sức sống rất mãnh liệt, những ngó Sen một khi đã cắm sâu vào lòng đất thì nó sinh sôi nảy nở, mọc lan rất nhanh sang những đồng ruộng khác. Có nơi để có đất canh tác, người dân dùng thuốc khai hoang để tận diệt, sen bị ngấm chất độc nên cành Sen thành dị tật; mặc dù vậy chúng vẫn trổ bông thơm ngát...

Như ý niệm của ông, rất nhiều người xem các bức ảnh Sen của Trần Bích hiểu đúng thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. Trong triển lãm ảnh “Đời Sen” lần thứ 3, một người thưởng lãm đã lưu lại nhiều cảm xúc: “Đời Sen là đời người. Nhòm (dòm, ngắm) Sen quán niệm về vô thường trong cuộc sống”; “Nhìn những bức ảnh về Sen lòng lại nhớ về quê; những đêm trăng thanh gió mát giữa đầm Sen ngào ngạt mùi hương. Cảm ơn tác giả cho thấy lại hình ảnh Sen quê nhà với triển lãm ảnh Sen yêu thương”… Có niềm vui nào bằng với tác giả khi người xem nhận ra thông điệp mình muốn gửi gắm.

Duyên Sen và tâm hồn thắp sáng những niềm thương

Tháng 3-2009, một lần đi qua mũi Kê Gà, Phan Thiết, từ phía xa ông thấy những bông hoa nở một dãy tựa như hoa tulip. Khi đến gần thì mới biết là Sen. Ông đã lội xuống mương chụp. Đến khi về, đổ hình ra máy, bạn bè, những người thân trong gia đình ông thấy hình đẹp quá nên gợi ý làm triển lãm. Vậy là sáu tháng sau đó, triển lãm “Đời Sen” đầu tiên đã diễn ra tại quán cà-phê của người con gái ông. “40 bức ảnh tại triển lãm đã được bán sạch; có những bức nhiều người mua, tôi phải in ra thêm. Tổng cộng số tiền thu được lần đó gần 300 triệu, chúng tôi dành hết cho từ thiện”, ông cho biết.

Một khi bước xuống đầm sen, tôi chỉ biết mỗi mình sen.
Lúc chụp sen, tâm hồn rất thư thái, an vui
- TRẦN BÍCH

Từ thích rồi yêu Sen lúc nào không hay. Nghe ở đâu có Sen đẹp là ông lên đường chụp. Bình thường, ở nhà với điều kiện tiện nghi đầy đủ, nhưng không phải lúc nào cũng khỏe với nhiều căn bệnh của người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, thế mà khi đi chụp Sen, xuống đầm lên núi với sen, ông không còn biết cảm giác mệt nữa là gì. Ông đi sâu vào đầm hồ để ghi lại những hình đẹp, có ý nghĩa. “Muốn chụp được bức ảnh có hồn thì phải chịu khó bước xuống đầm, ngâm mình trong đầm mà chụp chứ đứng trên bờ thì không thấy hết nét đẹp của Sen. Tánh của tôi, một khi bước xuống đầm Sen thì chỉ biết mỗi mình Sen nên lúc chụp Sen, tôi như thiền cùng Sen, tâm hồn rất thư thái, an vui”, ông nói.

Hỏi ông, chụp Sen có khó không? “Rất khó”, ông trả lời. Để có bức ảnh đẹp, phải chụp từ lúc 6g sáng đến 9g30. Xuống nước lặn, hụp, có khi sâu bọ rớt đầy đầu, có lúc đỉa bu chân, gai Sen cứa lòng bàn chân làm chảy máu... Chưa kể bị lún bùn, càng ngọ ngoạy thì càng lún. Có lần, không thể nhúc nhích nổi, ông phải nhờ đến tài xế của mình trợ giúp. “Khó khăn lắm mới bò được ra khỏi đầm lầy nhưng tôi vẫn chưa bao giờ tởn, hễ thấy Sen đẹp là tiến tới mà quên mất là bùn sẽ kéo mình xuống. Chụp mười mấy ngày, được một đống hình nhưng khi đổ hình ra, lựa lại thì được một, hai tấm ưng ý. Chỉ có những tấm ưng ý, có thông điệp rõ ràng, có ý nghĩa nhân sinh thì mới chọn để triển lãm”, ông nhấn mạnh.

Lặn lội khó nhọc, chăm chút từng li, từng tí cho từng bức ảnh, hỏi ông sao không giữ lại chút tiền từ bán tranh để “tái sản xuất”? Tay run run, ông khó nhọc nhả từng chữ đứt quãng: “Ngày xưa nhà bác nghèo lắm”. Nói đến đây, nước mắt ông chảy dài trên gương mặt.

Ông và chúng tôi lặng yên. Hơn hai phút sau ông mới tiếp lời, giọng vẫn đứt quãng: “Mẹ của tôi ngày xưa còng lưng nguyên ngày đi mót lúa, nhiều ngày đi mót không có một hột. Bà con hàng xóm thấy vậy cho mấy anh em chúng tôi cơm ăn. Tôi hiểu cảnh khổ đó, nhớ cái ơn đó, giờ khá giả nên muốn chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ với mình ngày xưa”. Nghe ông nói, người viết đã hiểu lý do vì sao ông gần gũi, dễ dàng giao cảm, đồng điệu với Sen và nhìn thấy từng phận người khó nhọc, bóng dáng mẹ hiền tần tảo trong hình ảnh Sen như vậy!

Sen, hơi thở nhiệm mầu

Giữa Trần Bích và Sen có mối lương duyên gì đó rất sâu sắc, bền chặt với nhau. Nhờ Sen mà thông qua triển lãm, ông đã nâng đỡ biết bao mảnh đời khó nhọc. Và ngược lại, Sen cũng “trợ duyên” cho ông.  Như phép nhiệm mầu, nhờ những hạt lành gieo từ Sen mà chư Phật, Bồ-tát đã cứu ông qua khỏi cơn bệnh thập tử nhất sinh vừa qua, ông tâm niệm.

Giữa tháng 10-2015 vừa qua, ông ra Bắc, lên Quản Bạ, Hà Giang chụp hình núi đôi. Lúc chụp núi đôi, ông bước ra khỏi viền hàng rào để sáng tác. Mải mê chụp, người trợ lý của ông phát hiện có góc hình đẹp nên gọi ông vào bên trong. “Tôi vừa bước vào, chụp đúng một bức duy nhất là đột quỵ, ngã xuống, may mắn là cô ấy đỡ được cái đầu của tôi. Nếu cô trợ lý không gọi vào thì có lẽ tôi đã ngã từ trên đồi xuống, nguy hiểm tột cùng…”.

Lần thứ hai, tối hôm đó, ông bất tỉnh vì trong não có cục máu bầm. Từ hình X-quang mà Bệnh viện tỉnh Hà Giang chụp, cô trợ lý lấy điện thoại chụp lại và gửi cho bác sĩ Bệnh viện 108 ở Hà Nội nhờ xem, bác sĩ nói hy vọng rất mong manh; còn gửi về một bác sĩ thân quen tại TP.Hồ Chí Minh thì được họ cho biết gia đình nên chuẩn bị cho hậu sự. Những người thân, bạn bè của ông đã cùng niệm Phật không ngưng để cầu nguyện.

Trên đoạn đường từ Yên Minh về Hà Nội dài 500km, nhịp tim ông lên xuống thường xuyên, có lúc xuống 20, thậm chí có lúc xuống 0. Trời Phật thương, tim ngừng đập rồi lên lại liền; về tới Hà Nội tim vẫn còn đập và mầu nhiệm nhất là cục máu đông trên não tự dưng tan mất. Bác sĩ chỉ cần gắn máy trợ nhịp tim và giờ thì tim của ông đã ổn định. Nước mắt rơm rớm, ông kể lại  câu chuyện mầu nhiệm mà mình đã trải qua trong nghẹn ngào, xúc động.

Được hồi sinh, trở về từ cõi chết, ông càng yêu Sen nhiều hơn. Mặc dù đang mang trong người nhiều căn bệnh nhưng ông mong từng ngày sức khỏe ổn định, để có thể chụp thêm nhiều bức ảnh về Sen. Ông ấp ủ thực hiện triển lãm “Đời Sen” lần thứ 20 để dâng đời và chia sẻ nhiều hơn nữa với đời. “Sen giờ là cuộc sống, là hơi thở của tôi. Tôi sẽ chụp Sen đến cuối đời mới thôi...”, ông nói.

tb 1.jpg
"Một khi bước xuống đầm sen, tôi chỉ biết mỗi mình sen.
Lúc chụp sen, tâm hồn rất thư thái, an vui..."
- Trần Bích chia sẻ

Trần Bích là doanh nhân thành đạt, chụp ảnh chỉ là giải trí sau những giờ làm việc mệt mỏi. Từ năm 2009 đến 2015, ông tổ chức được 19 cuộc triển lãm, bán ảnh được gần 3 tỷ đồng dành cho các quỹ từ thiện. Ông nhận nhiều Bằng khen từ Bộ Văn hóa Thông tin, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Tháp, TP.Đà Lạt và các quỹ, hội từ thiện.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng chứng nhận 5 kỷ lục Việt Nam về Hoa Sen cho tác giả Trần Bích. Năm 2012, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tặng bằng khen cho ông vì đã có thành tích trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Gắn với sen nên trong giao tiếp bình thường, mọi người hay gọi ông là “Trần Bích Sen”.

Theo Hạnh Ý

(Giác ngộ)