Khi bị tham dục chi phối, tâm mê mờ tìm đủ mọi cách để thỏa mãn lòng tham và tiến bước đến khổ đau trong vô minh và chỉ biết đến lợi ích của mình,bất chấp sự tổn hại đến người khác. Trong một đoạn kinh, Đức Phật có nói về những hiểm họa do tham dục gây nên như sau:
“Này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, bị dục tham chi phối, và không như thật biết rõ sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình, trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!”
(Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chương V – Năm Pháp).
Lời bàn:
Đức Phật thông suốt các Pháp nên khi được một vị Bà la môn hỏi về nhân duyên khiến các chú thuật được thuộc lòng không thể nhớ lại được. Ngài đã trình bày rõ ràng,mạch lạc trong đoạn kinh trên một khía cạnh của câu trả lời hoàn chỉnh.
Dục tham khiến tâm bị phân tán nên rất khó định tĩnh,tập trung vào vấn đề. Đôi khi gây nên sự mất tập trung trong công việc và tạo nên nhiều sai sót đáng kể,đặc biệt là các vụ tai nạn lao động. Bởi thế, nếu ta muốn nhớ điều gì mà khi ấy tâm bị xâm lấn bởi dục tham thì điều ấy khó có thể khởi lên. Khi ấy, tâm bị dẫn dắt rong ruổi, đây đó trong ảo mộng cho nên khi muốn khơi dậy những điều đã nhớ trong quá khứ thật khó khăn.Bởi thế nên khi muốn nhớ nằm lòng một vấn đề gì đó thì nên thực hiện việc này khi tâm bình lặng, an nhiên. Đôi khi trong cuộc sống, ta lâm vào bế tắc trước một vấn đề khi ấy tâm phiền não, bấn loạn và mọi chuyện càng trở nên rối ren như tổ kén. Tuy nhiên, chợt lúc nào đó, khi ta thư giãn, thoải mái thì sẽ nhìn mọi việc một cách sáng suốt hơn và sẽ có cách tháo gỡ mọi chuyện.
Bởi thế, hướng tâm đến ly dục là điều nên làm vì đem lại nhiều lợi ích lớn lao trong sự tu tập đồng nghĩa với việc đoạn giảm khổ đau. NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Phước Trung