Các nhà Hoằng pháp có cơ hội rất lớn để tiếp cận với các tín đồ Phật giáo cũng như những nhà nghiên cứu về Phật giáo thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc Hoằng pháp giờ đây không chỉ là việc lên pháp tòa thuyết giảng Chánh pháp mà còn nhiều phương cách khác nhau như trên các trang web hay mạng xã hội facebook, instagram, zalo ….
I. DẪN NHẬP
Hiện nay xã hội đang trên đà thay đổi như vũ bão theo tiến trình cách mạng của khoa học và công nghệ thông tin đặc biệt là cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0). Nhận thức của con người đã không ngừng thay đổi song song với những bước sáng tạo và những phát minh tân tiến của kỹ nghệ hiện đại; những giá trị truyền thống tâm linh ít nhiều đã bị xao lãng bởi sức hấp dẫn của nó… Vượt thoát sự cố hữu hay theo thời, với căn bản triết học “tùy duyên,” của Đạo Phật thì ngành Hoằng pháp đã có những bước chuyển mình và thay đổi để thích ứng với thời đại và căn cơ của con người nhằm đạt đến mục tiêu duy nhất là chuyển tải thông điệp yêu thương, hòa bình và trí tuệ của Đức Phật đến với nhân loại một cách hữu hiệu nhất.
II. NỘI DUNG
1. Định nghĩa
Công nghiệp 4.0 là gì?
Công nghiệp 4.0 là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống không gian mạng thực-ảo, Internet Vạn Vật, điện toán đám mây và điện toán nhận thức.
Theo Gartner, Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư) xuất phát từ khái niệm “Industrie 4.0” trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013. “Industrie 4.0” kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.
2. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành Hoằng pháp.
Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Dựa vào những thành quả của cuộc cách mạng 4. 0 mang lại sẽ cho ngành Hoằng pháp những phương thức mới để dễ dàng hơn trong việc Hoằng pháp. Bắt kịp những ứng dụng trong công nghệ 4.0 vào những phương thức Hoằng pháp thì Ngành Hoằng pháp sẽ có những bước phát triển vượt bậc. Hàng Phật tử dễ dàng tiếp cận những bài pháp hay hệ thống Tam tạng Kinh Điển.
– Sử dụng công nghệ đám mây:
Để lưu trữ toàn bộ hệ thống Tam tạng Kinh điển Phật giáo
Lưu trữ những bài giảng của chư vị Giảng sư
Để soạn và lưu trữ tài liệu diễn giảng có thể chỉ cần dùng smart phone để tải xuống.
– Sử dụng trí tuệ nhân tạo:
Trong việc trích dẫn, trích nguồn cho bài giảng.
Tìm hiểu, phân tích trên internet những xu hướng thời đại và tìm nguồn trong kinh điển Phật giáo để có những đề tài giảng mang tính thực tế nhưng không rời xa kinh điển
Tạo ra những mô hình thực tế ảo để truyền tải giáo lý Đức Phật
– Sử dụng hệ thống máy móc hiện đại (Robot):
trong công việc livestream các bài giảng của các giảng sư.
3. Những thuận lợi trong việc ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành Hoằng Pháp
Các nhà Hoằng pháp có cơ hội rất lớn để tiếp cận với các tín đồ Phật giáo cũng như những nhà nghiên cứu về Phật giáo thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc Hoằng pháp giờ đây không chỉ là việc lên pháp tòa thuyết giảng Chánh pháp mà còn nhiều phương cách khác nhau như trên các trang web hay mạng xã hội facebook, instagram, zalo ….
Những công nghệ thông tin được sử dụng một cách rộng rãi trong cộng đồng cho nên khi áp dụng được những công nghệ thì việc truyền bá chánh pháp được dễ dàng hơn. Những hình ảnh trong kinh bây giờ đã trở thành thực tế ảo, chỉ cần nhấn một vài phím trên máy tính hoặc smart phone, chúng ta ngay lập tức có thể tiếp cận với hàng triệu các thông tin trên toàn thế giới. Gần đây, một cuộc khảo sát Internet về thông tin về Phật giáo cho thấy rằng, Đạo Phật có nguồn tài nguyên phong phú với sự đa dạng thông tin và nhân sự hùng hậu xuyên qua các trang web và các mạng lưới xã hội.
Trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa, việc truyền bá chánh pháp không chỉ là thực hiện các nghi thức cầu nguyện; hay những buổi thuyết giảng mà chúng ta phải có những phương pháp mới trong thời đại mới. Phật giáo hiện đại phải mang tính phổ quát. Phật giáo như là nguồn sinh lực cho kinh nghiệm cá nhân, nếu những Sứ giả Hoằng pháp hiện đại biết cách vận dụng được những thành quả của cuộc công nghiệp 4.0 vào trong việc truyền bá chánh pháp, thổi mới tư tưởng Giáo pháp vào trong đời sống thực tiễn. Hiện nay đạo Phật ở phương Tây được xem như là một truyền thống mới nhờ công lao Hoằng pháp của Đức Dalai Lama, thiền sư Nhất Hạnh… và các Cư sĩ phật tư nhiệt tình Hoằng pháp mới biết cách vận dụng Phật pháp thích ứng vào đời sống thiết thực
Qua bao thế kỷ thăng trầm, Đạo Phật đang ở trong một thời đại mới, thời đại của sự đa nguyên và phân hóa xã hội, các giá trị và kiến thức trào lưu đã gây cản trở nghiêm trọng đến sự xuất hiện của bất kỳ triết lý thống nhất của văn hóa, lịch sử hay cuộc sống cá nhân; đây cũng chính là thời đại khủng hoảng khi những giá trị tâm linh bị tước mất ý nghĩa, sự vùng vẫy giữa cũ và mới, giữa sự phát triển kiêu hãnh của kỹ thuật và công nghệ thông tin và niềm tin đối với những giá trị tâm linh định hướng cho đời sống… Francis Fukuyama đã định nghĩa thời đại này trong nghiên cứu đáng chú ý của mình, “The End of History and the Last Man.” Với những thách đố lớn của thời đại, ngoài sự cạnh tranh của các tôn giáo có thế lực trong những quốc gia phát triển, những nhà hoằng pháp phải học hỏi không ngừng những ứng dụng mới của thời đại để có thể song hành với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin quần chúng.
4. Những hạn chế trong việc áp dụng công nghệ 4. 0 vào Hoằng Pháp.
Đạo Phật chúng ta đang có một cơ hội rất lớn để tiếp cận với thế giới trong một cách mà chúng ta không bao giờ có thể thấy được trong thời gian trước đó. Tuy việc ứng dụng công nghệ vào việc Hoằng pháp có những giá trị tích cực nhưng vẫn tồn tại một số những hạn chế
– Mặt trái của Cách mạng Công nghiệp 4.0 là nó có thể gây ra cho vị Giảng sư lệ thuộc quá đà vào công nghệ truyền thông. Những bài giảng tuy mang tính thực tiễn có trích dẫn trích nguồn nhưng lại thiếu tư duy và tính trải nghiệm trong quá trình tu tập.
– Nếu không kiểm soát được những thông tin chính xác hoặc sẽ dẫn đến sự phát tán nhanh chóng của những bài giảng không đúng với tinh thần nhà Phật.
III. KẾT LUẬN
Bước vào kỷ nguyên mới, truyền thông toàn cầu đều nằm trong một máy laptop xách tay, hoặc chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay như những chiếc smartphone…đây là cơ hội vô hạn cho chúng ta để chuyển tải thông điệp yêu thương của đức Từ Phụ.
Vận dụng kiến thức thời đại điển hình là những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nắm vững giáo lý, đầy đủ niềm tin, nguyện lực và sự can đảm để bước vào một thế giới mới thì một nhà Hoằng pháp luôn thành công trong công việc Hoằng dương Chánh Pháp.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)