Đó chính là chủ đề mà Tiến sĩ Phật học, Đại đức. Thích Chúc Tín – Phó thư ký kiêm chánh văn phòng BTS GHPGVN Tp Đà Nẵng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng, Trụ trì chùa Bát Nhã đã thuyết giảng trong khóa tu “Một Ngày An Lạc”tại Chùa Hòa Phúc, T.Hòa Trúc, X.Hòa Thạch, H.Quốc Oai, TP.Hà Nội.
Nhận lời cung thỉnh của Đại đức. Thích Tâm Hòa – trụ trì Chùa Hòa Phúc. Sáng 18/04 năm Bính Thân (24/5/2016) Đại đức. Thích Chúc Tín đã quang lâm tới đạo tràng Hòa Phúc để chứng minh, thuyết giảng cho gần 1000 thiện nam, tín nữ về tham dự khóa tu.
Đáp lại tâm mong cầu giáo pháp của hàng Phật tử Đại đức đã từ bi ban bố thời pháp nhũ vàng ngọc với chủ đề “Đạo Phật chữa vết thương lòng”. Trong thời pháp Đ.Đ đã chia sẻ với đại chúng.
Phàm là người sống ở cõi Ta Bà này, thì việc gặp phải những vết thương về thể xác và tinh thần là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, nỗi đau thể xác theo thời gian có thể lành, còn những vết thương tinh thần đôi khi lại khiến người ta đau khổ cả cuộc đời. Để chữa lành những vết thương về mặt tinh thần và có một đời sống thanh thản, an lạc ta cần phải tạo dựng cho mình một điểm tựa tâm linh vững chắc, đối với mỗi hành giả như chúng ta thì điểm tựa đó chính là đạo Phật.
Đạo Phật là đạo từ bi, trí tuệ. Đạo Phật chính là đạo sống còn, bất diệt và an lạc. Chính vì vậy, đạo Phật có thể chuyển hóa cảm xúc, chữa lành mọi vết thương. Người con Phật, bước vào việc tu học phải ý thức được tất cả mọi vật xung quanh đều là vô thường và ta phải tập quán chiếu. Sau khi quán chiếu, ta dùng chính hành động, việc làm và suy nghĩ tích cực của để vượt qua những thử thách, khổ đau mà trong cuộc sống ta đang gặp phải.
Người Phật tử hãy thực hành buông xả, tập quên và tha thứ cho tất cả những chướng duyên, những lỗi lầm đã đến với ta. Ta cần ngăn chặn tâm lý giận hờn bằng cách “Sống chung với giận mà không giận, sống chung với lũ mà không bị lũ cuốn trôi”. Khi giận, ta hãy biến cái giận người thành cái thương người.
Ngoài ra, để chữa lành vết thương lòng ta hãy thực hành làm thật nhiều việc thiện, mang nỗi đau của mình đi chia sẻ, chan hòa với nỗi đau của người khác. Chính lúc đó ta sẽ tìm thấy niềm an vui, hạnh phúc, thấy nỗi đau của người mới thật sự là tột cùng của đau khổ.
Cũng chính từ đó, ta nhận ra đời là bể khổ, cần tu tập tinh tấn, thực hành giáo lý nhà Phật để tăng trưởng phước báu, tiêu tan nghiệp chướng trong cuộc đời. Hãy để tâm ta được trở về nương tựa Tam Bảo, nương tựa vào những lời kinh kệ rồi từ đó đón nhận nguồn năng lượng chuyển hóa nỗi đau, chuyển hóa muộn phiền.
Tiếp theo chương trình tu học, Phật tử đã tham gia vào thời khóa công phu niệm Phật và giao lưu Phật pháp do Đại đức Thích Tâm Hòa quang lâm chia sẻ. Tại đây, Đại đức Thích Tâm Hòa đã trao Chứng điệp thọ nhận giới Bồ Tát cho hơn 800 Phật tử đã thọ nhận giới Bồ Tát trong Đàn Truyền thụ giới Bồ Tát mà đạo tràng tổ chức vào tháng 3 âm lịch vừa qua.
Dẫu biết rằng, trong cuộc sống người Phật tử tại gia còn trăm bề phải lo toan. Thời gian là quý báu và để có được một phút, một giờ an lạc thực sự là rất khó. Nhưng cứ đều đặn vào ngày 18 âm lịch hàng tháng, hàng nghìn Phật tử đã vượt qua bao chướng duyên, phát tâm dũng mãnh về chùa Hòa Phúc tu tập để đón nhận “một ngày an lạc” thì đây là việc làm có ý nghĩa vô cùng lớn lao, cần được tán thán và phát huy. Xin kính chúc quý Phật tử ngày một tu tập tinh tấn, hạt giống Từ bi – Trí tuệ, tinh thần vô ngã vị tha trong thân tâm quý vị mãi mãi xanh tươi.
Lan Anh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)