Tri thức Phật học đưa đến giác ngộ chính là trãi nghiệm tâm linh trên con đường đức Phật đã qua và thấy, không thể hiểu như cách hiểu một môn học nào đấy trong đời thường, một ngành học khoa học tự nhiên hay nhân văn. Sự giác ngộ ánh sáng Phật pháp được sử dụng từ bật khả tư nghị để chỉ, không thể nghĩ bàn theo kiểu phàm tục.
Trong lịch sử Phật giáo tính từ lúc Đức thế tôn tìm ra Đạo và truyền đạo, có rất rất nhiều hành giả ngộ đạo với hành trang thế học rất thấp, và thậm chí hành trang ấy được coi như cản ngại cho đường tu, căn cớ của ngã mạn.Ngày nay, với quan điểm tân tiến hợp thời, người ta không còn coi thế học như cản ngại, việc trang bị tri thức văn hóa và khoa học được khuyến khích và chủ trương, tu sĩ Phật giáo ngay ở VN đã sở đắc học hàm học vị cao và có trình độ lý luận tốt song về cơ bản, con đường học Phật vấn tách biệt hai vế rạch ròi:
Trãi nghiệm tâm linh để tìm đạo: Đây chính là con đường in dấu chân Đức chí tôn, thông qua quán tưởng và hành tập mà thấy đạo và hành đạo, nhanh chậm tùy căn cơ riêng của mỗi người và tùy duyên. Rất nhiều bậc uyên bác cổ kim Đông – Tây thay vì ngồi văn phòng lướt trên máy tính hay nghiên cứu trong thư viện để hiểu Phật giáo đã qui y tam bảo, trú tập ở Tây Tạng hay Ấn Độ để cầu đạo nghiêm cẩn, và thực ra không còn con đường nào khác, bất luận trào lưu xã hội có tiến hóa đến đâu. Và đấy là nét đặc thù của sự học Phật phân biệt với mọi thế học thông thường.
“Nghiên cứu” Phật giáo: Trong thế giới phẵng, toàn cầu hóa và đa phương hóa, nền kinh tế – xã hội mỗi quốc gia đứng trước nhu cầu kết nối với thế giới còn lại, trong đó có nhu cầu hiểu và thâm nhập các xã hội, thị trường mà văn hóa Phật giáo chủ đạo. Thế là các trường Đại học, Học viện đứng trước các “đơn hàng” đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh “ngành” Phật học theo góc nhìn đấy là một ngành học trong mọi ngành học. Người ta cố gắng dạy và học sao cho sinh viên nắm được những trí thức đại loại như: Thân thế Đức Phật như thế nào, thành đạo ra sao và nội dung giáo lý Phật giáo gồm những gì… Thông qua những con chữ được hệ thống hóa thành giáo trình, Phật giáo hiển lộ trong giảng đường ngang ngửa với các ngành đào tạo khoa học xã hội – nhân văn và cho ra lò những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có thể lại tiếp tục giảng về đạo Phật, làm công tác quản lý Phật giáo hay tham vấn về Phật giáo cho các công ty, Chính Phủ.. Họ có thể nói, biết về mọi thứ không hề thua A Nan hay Xá Lợi Phất nhưng – như đã nói- đấy không phải là con đường mà Đức Phật đã đi qua và tu sĩ Phật tử đã và đang đi qua và tìm thấy Đạo, một cách nói nào đấy- điều đó là nỗ lực thế học hóa Phật học, khát vọng đạt được hiểu biết Phật giáo mà không qua con đường trãi nghiệm tâm linh có tính nguyên tắc. Tất nhiên không ai phủ nhận ý nghĩa tích cực của những niên khóa đào tạo như thế trong giảng đường đã giúp xã hội nhận chân rõ hơn một tôn giáo và thế giới đa văn hóa gần nhau hơn, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển hài hòa. Nhưng ở đây người viết đang cố gắng nói đến Phật học với con đường muôn thuở: trãi nghiệm tâm linh.
.Là con Phật, hãy đi trên con đường Phật đã đi để thấy Đạo nhiệm mầu.
Và do đó, học Phật và “nghiên cứu” Phật giáo là hai vế không trùng nhau, đúng không, các bạn?
Nguyễn Thành Công
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)