Hòa thượng Bích Không – Thích Giác Phong (1894-1954)

Hình Hòa thượng Bích Không – Thích Giác Phong (1894-1954)
- Tác giả: admin
Mục lục bài viết:

Hòa thượng Bích – Không Thích Giác Phong sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng, (1) quán làng Bích Khê, tổng Bích La, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Hòa thượng Bích Không - Thích Giác Phong (1894-1954) image-1732289309226

Hòa thượng Bích Không – Thích Giác Phong (1894-1954)

Thuở nhỏ Ngài theo học chữ Nho và chữ Pháp, đậu Tú tài Hán học năm 22 tuổi ở trường thi Hương Thừa Thiên, khoa Mậu Ngọ (1918) niên hiệu Khải Định thứ 3, khoa thi cuối cùng của Nam triều. Đồng khoa ấy, anh của Ngài đậu Hoàng giáp. (2) Ngài có biệt tài viết liễn đối và hoành phi nét chữ rất đẹp, khiến những người Hoa kiều có học thức lúc bấy giờ rất khâm phục. Vì là con nhà khoa bảng và trọng thần của triều đình, sau khi thi đậu Ngài được chiếu chỉ của vua Khải Định triệu vào triều làm thư ký riêng trong văn phòng của nhà vua.

Thuở thiếu thời, lúc đi học ở Huế, Ngài được ở trong chùa Báo Quốc, hấp thụ được không khí mùi thiền và đã qui y với Hòa thượng Tâm Khoan tại đây. Cho nên khi làm quan, Ngài càng nhận thấy cuộc đời là trường danh lợi, mạnh hiếp yếu, thiếu tình thương, đầy khổ não. Ngài tự nghĩ: phải chăng chỉ có ánh đạo Từ Bi mới cứu vớt được nhân loại thoát ra ngoài bể khổ, đem lại hạnh phúc cho chúng sinh. Thêm vào đó, thân phụ Ngài là một nhà Nho thâm đạt Phật lý, chánh tín tu hành, sống đời từ bi bác ái. Khi sắp sửa từ trần, cụ ngồi xếp bằng niệm Phật, rồi thoát thần một cách tự nhiên. Bấy giờ được chứng kiến cảnh vãng sanh Tây phương đầy nhiệm mầu của thân phụ, tâm ý Ngài càng hướng mạnh về con đường giác ngộ của đức Phật. Ngài bèn trao ấn từ quan, xuất gia hành đạo. Trước hết muốn có nhiều kinh nghiệm, Ngài vân du sang Nhật, sang Trung Hoa v.v… để tham khảo giáo lý, văn hóa ngoại bang, quan sát tình hình Phật giáo tại những nước có phong trào phục hưng cao. Sau đó Ngài trở về Huế, đem nhận xét, hiểu biết của mình áp dụng trong bước đường tu hành và đóng góp cho công cuộc hoằng dương chánh pháp trong nước.

Đầu tiên, Ngài khai sơn chùa Giác Phong ở Quảng Trị. Do đó Ngài mới có biệt hiệu là Giác Phong. Mãi tới năm Bảo Đại thứ 10 (1935), Ngài mới thọ đại giới ở trường Kỳ chùa Sắc Tứ Tịnh Quang ở Quảng Trị và đắc pháp với Hòa thượng Hải Đức – Thích Phước Huệ, nên có pháp hiệu Bích Không. Nhờ uyên thâm Nho học, Ngài nghiên cứu sâu vào huyền nghĩa của tam tạng kinh điển. Học hỏi các vị cao Tăng thạc đức ở Huế xong, Ngài lại vào Bình Định tham học với Hòa thượng Thập Tháp – Quốc sư Phước Huệ. Nhân trong buổi học kinh Lăng Già, Hòa thượng chỉ nói một câu “Bán cú phi bất đa” mà Ngài được tỏ ngộ. Từ đó Ngài bắt đầu thực hành sự nghiệp lợi tha, hoằng dương chánh pháp.

Vào những năm 1935 – 1937, là lúc phong trào chấn hưng Phật giáo đang lên cao tại miền Trung, Ngài đã có công đóng góp cho các tỉnh từ Đà Nẵng trở ra Nghệ Tĩnh. Ngài đã cộng tác với chư Tôn đức ở Đà Nẵng, thành lập hội “Đà Thành Phật Học”, xuất bản một tạp chí lấy tên là Tam Bảo và khai mở Phật học đường tại chùa Phổ Đà cho hai cấp Tiểu học và Trung học do Ngài làm Giám đốc và Ngài Giác Viên (trú trì chùa Hồng Khê) làm chủ giảng. Chủ trương của hội Đà Thành Phật Học qua tờ Tam Bảo thường đề cập tới sự cần thiết thống nhất các đoàn thể Phật giáo trong xứ thành một hội “Phật Giáo Liên Hiệp” với tôn chỉ là:

1) Phò khởi Tăng giới, nguyện cùng chư sơn Nam – Bắc liên đoàn để bảo tồn Tăng Bảo.

2) Nguyện cùng chư sơn chấn chỉnh tôn phong, chung một điều lệ thi hành, cần nhất là phải giữ cho được hoàn toàn giới hạnh.

Thời gian Ngài ở Đà Nẵng, bộ Lễ Nam triều cấp bằng sắc phong Ngài làm trụ trì chùa Sắc Tứ Phổ Thiên. Tiếp đó Ngài lại vào Nha Trang mở trường hoằng pháp cho Tăng chúng và tín đồ tu học kiết hạ an cư rất đông tại chùa Sắc Tứ Hải Đức. Tăng Ni ở các chùa Hải Ấn (Saigon), Bình Quang (Phan Thiết) và chùa Thập Tháp (Bình Định), các chùa ở Huế, Đà Nẵng v.v… đều qui tập về đây tu học.

Thời gian ở Khánh Hòa, Ngài làm cố vấn tối cao cho Tỉnh hội Phật học, tham gia rất nhiều trong việc xây dựng chi hội, khuôn hội. Ngoài ra Ngài còn tham gia Phật sự ở Đà Lạt và các Tỉnh hội ở miền cực Nam Trung kỳ. Tăng tục đều được thấm nhuần pháp vũ của Ngài. Pháp tử của Ngài ở khắp mọi nơi. Ngài còn ra các tỉnh miền Bắc Trung Kỳ tham gia chấn hưng Phật giáo, gây được phong trào rất sôi nổi ở Nghệ An.

Khi Ngài ở chùa Linh Vân thường gọi chùa Diệc ở thành phố Vinh, Ngài đã hóa duyên cho một cư sĩ tên là Bạch Hưng Nghiêm. Ông này đã phát tâm ấn tống rất nhiều kinh điển Đại thừa. Ngài cũng vân du hóa đạo ra Thanh Hóa và một số nơi ở miền Bắc.

Hòa thượng Bích Không - Thích Giác Phong (1894-1954) image-1732289310131

Năm 1942, Ngài lại trở vào Nha Trang làm Tuyên Luật sư tại trường Kỳ chùa Kim Long ở huyện Ninh Hòa. Năm 1944, Ngài làm Tuyên Luật sư tại giới đàn chùa Bình Quang ở Phan Thiết để tiếp dẫn Ni chúng. Năm ấy Ngài còn chứng minh cuộc đại trùng tu Tổ đình Phật Quang ở đây.

Bấy giờ chùa Hải Đức ở Nha Trang nằm trong thành phố thuộc quyền quản lý của Hòa thượng Phước Huệ thừa kế Tổ khai sơn, đã bị hư hỏng nhiều, vì Hòa thượng già yếu, lại bận nhiều Phật sự ở Huế, không thể trực tiếp trông coi được, nên năm Bảo Đại thứ 14 (1939) Hòa thượng cho mời sơn môn tỉnh Khánh Hòa lại, lập di chúc giao hẳn chùa Hải Đức cho Ngài trọn quyền điều hành tái thiết, sử dụng mọi động sản và bất động sản.

Được giao trọn quyền, Ngài thấy chùa nằm trong thành phố với một khuôn viên chật hẹp, không thể phát triển được, bèn cùng sơn môn và bổn đạo quyết định dời chùa lên núi Trại Thủy, chặt cây phá núi để có mặt bằng xây dựng. Bấy giờ đang lúc thế chiến thứ hai vào hồi quyết liệt, kinh tế suy sụp, dân chúng dưới hai tầng áp bức Pháp – Nhật. Việc trùng tu di dời chùa gặp không ít khó khăn. Nhưng Ngài đã vượt qua tất cả với một quyết tâm cao, nên mới có được một đại tòng lâm uy nghi ngày nay (Trường Cao Đẳng Phật Học Nha Trang) để cho chư Tăng tu học và Phật tử chiêm bái.

Chẳng những xây dựng ngôi phạm vũ trang nghiêm, Ngài lại ra làng Hà Già thuộc huyện Ninh Hòa, cách Nha Trang 50 cây số về hướng Bắc, xin đất lập nông thiền trên 50 mẫu để cung cấp lương thực lâu dài cho chúng Tăng tu học ở đại tòng lâm. Chùa làm xong, vật dụng thường dùng trong chùa thiếu thốn. Ngài phải quay về Quảng Trị bán hết phần gia tài điền sản của Ngài ở quê, lấy tiền mua sắm các thứ đem vào. Bấy giờ xe lửa bị Nhật trưng dụng, đi lại rất khó khăn, nguy hiểm, thường bị máy bay Đồng Minh ném bom. Chuyến đi ấy Ngài mang theo các vật dụng trong chùa rất nhiều, bằng sành, bằng sứ, bằng đồng thuộc loại cổ xưa, tàu đến ga Tam Quan ở Bình Định, bị bom mất hết. Ngài còn đưa theo số đông bà con, dân làng vào lập nghiệp tại nông thiền.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, quân Pháp đổ bộ Nha Trang, Ngài cùng đệ tử phải xa chùa theo dân chúng tản cư, lần hồi ra đến Huế. Năm 1946 Ngài làm Giám đốc Phật học viện Báo Quốc và cùng chư Tôn đức chủ trương xuất bản tạp chí Giải Thoát để làm cơ quan ngôn luận cho Phật giáo đương thời.

Năm 1947 mặt trận Huế vỡ, quân Pháp đánh tràn ra. Ngài lại phải tản cư ra Quảng Trị rồi lần đến Nghệ An, tá túc tại chùa Diệc, tiếp tục hoằng pháp. Nhưng bấy giờ tình thế đã thay đổi. Với khẩu hiệu tất cả cho kháng chiến, mọi hoạt động đều phải ngưng trệ, trong đó kể cả việc hành đạo. Về cuối đời, Ngài an trú ở thành phố Vinh, rồi mắc trọng bệnh. Ngày 15 tháng 9 năm Giáp Ngọ (1954) Ngài đã trở về đất Phật, hưởng thọ 60 tuổi đời và 21 tuổi đạo.

Công cuộc chấn hưng Phật giáo ở suốt dải đất từ Thanh Nghệ cho đến Phan Thiết đều có dấu tích hoằng dương Đạo pháp của Ngài. Ban rải mầm Từ Bi và giống Bồ Đề không hề ngơi nghỉ trong suốt chặng đường trần có mặt, Ngài Bích Không vẫn sáng mãi như thế hệ của Ngài, thế hệ nở rộ những bông hoa Ưu Đàm cho ngày sau hưởng quả.


TT.Thích Đồng Bổn

Trích Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX tập 1

PHẬT GIÁO Ở GIAI ĐOẠN CHIA ĐÔI ĐẤT NƯỚC


Chú thích:

1) Viết theo tài liệu của Thượng Tọa Thích Viên Giác, tọa chủ chùa Giác Hải ở ấp Xuân Tự, huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa, in trong quyển “Phẩm Phổ Môn” xuất bản ở Sài gòn năm 1961.
2) Tài liệu của Thượng tọa Viên Giác không cho biết thế danh của Hòa thượng Giác Phong, nhưng căn cứ vào quê quán của Ngài và người anh đậu Hoàng giáp, chúng ta có thể suy đoán Ngài là con của Cử nhân Hoàng Hữu Xứng, và anh Ngài là Hoàng giáp Hoàng Bính (còn tên là Hoàng Hữu Tiệp). Xét các nhà khoa bảng tỉnh Quảng Trị chỉ có 3 người đậu Hoàng giáp là các ông Nguyễn Văn Chương quán xã Vĩnh Hòa, huyện Đăng Xương, đậu khoa Giáp Thìn (1844). Thiệu Trị thứ 4; Nguyễn Văn Hiểu quê xã Mỹ Chánh, huyện Hải Lăng, đậu khoa Đinh Mùi (1847) Thiệu Trị thứ 7; Hoàng Bính quê xã Bích Khuê, huyện Đăng Xương, đậu khoa Kỷ Sửu (1889) Thành Thái nguyên niên.

Tin mới

Người lái đò thầm lặng trong cuộc đời

Mục lục bài viết: Thầy! Người xuất hiện trong cuộc đời những người học trò như chúng e một cách nhẹ nhàng nhưng đã lắng đọng lại những bài học vô cùng sâu sắc và không bao giờ mờ nhạt  đó chính là kiến thức mà thầy cô đã tận tụy truyền đạt, và cả

Tây Ninh: Hơn 100 Tu sĩ đi khất thực “Khóa tu Khất sĩ lần thứ 36”

Mục lục bài viết: PHĐS: Khất thực, một truyền thống lâu đời trong Phật giáo, mang ý nghĩa sâu xa hơn việc nhận thực phẩm. Đó là hành động thể hiện sự khiêm nhường, nhắc nhở về mối liên kết giữa tu sĩ và cư sĩ. Người tu hành đi khất thực không chỉ nhận

Nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện”

Mục lục bài viết: Với hiệu quả thiết thực của bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đến nay Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện” (BATT) tại nhiều bệnh viện trong tỉnh. Đặc biệt, hoạt động nhân văn này

Gập ghềnh con đường đến trường

Mục lục bài viết: Mẹ bỏ đi khi em tròn 1 tuổi. Ít lâu sau người cha cũng qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại em cho bà nội. Em lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ, nhưng lại đầy ắp tình yêu thương của bà. Tuy nhiên, sức

Sống tích cực là con đường tới thành công

Mục lục bài viết: Một người hạnh phúc không phải là một người sống trong hoàn cảnh thuận lợi, mà là một người có thái độ sống đúng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có thể trong một khoảnh khắc, một quãng thời gian nào đó bất kỳ ai cũng có thể có cảm giác

Ca sĩ Anh Tâm kể nhân duyên đến với Phật pháp

Mục lục bài viết: Là một ca sĩ hát nhạc thị trường bỗng có duyên lành hát ở chùa, tham gia các công tác từ thiện Phật giáo…, ca sĩ Anh Tâm dần chuyển sang hát nhạc Phật. Mới đây, anh cho ra mắt album Lạy mẹ Quan Âm với tâm nguyện cúng dường Tam

Điều kỳ diệu của cho đi và nhận lại

Mục lục bài viết: Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh. Ảnh: minh họa

Richard Gere trải nghiệm cuộc sống người vô gia cư

Mục lục bài viết: Trong bộ phim mới của mình đang được thực hiện, Richard Gere đã trả nghiệm cuộc sống của những người vô gia cư và nhận ra nhiều điều thú vị. Hình ảnh nam tài tử gạo cội Hollywood bước ra đường chỉ với 100USD được đưa lên facebook đã gây nhiều