Ban Từ thiện Thiền viện Vạn Hạnh (TTVH), quận Phú Nhuận, TP.HCM với nhiều thành viên là công nhân viên chức, Phật tử và một số bác sĩ thiện nguyện đang làm việc ở các bệnh viện trong thành phố thường tranh thủ những ngày nghỉ lên đường đi cứu trợ, tặng quà và khám bệnh phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo. Nơi mà Ban dừng chân là những vùng xa xôi hẻo lánh hầu hết các tỉnh, thành ở miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên…
Những chuyến đi từ thiện không phải lúc nào cũng thuận lợi như dự tính, có khi trước chuyến đi thời tiết xấu, mưa gió bủa vây… nhưng lịch trình của chuyến đi đã được thông báo trước cho chính quyền địa phương để họ giúp lập danh sách những gia đình nghèo cung cấp cho đoàn. Vì thế thời gian hầu như không thay đổi.
Hơn nữa, những người dân nghèo họ cũng phải vượt qua chặng đường dài vất vả để đến được nơi tập trung đã định. Họ rất háo hức chờ đoàn đến nên dù thời tiết thay đổi khắc nghiệt thế nào chăng nữa, Hòa thượng Trưởng ban TTVH vẫn quyết định khởi hành như lịch định.
Ban TTVH tổ chức khám bệnh, phát thuốc đến người nghèo – Ảnh: P.D
Nhờ vậy, hơn 25 năm qua Ban TTVH đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các mạnh thường quân, các doanh nghiệp, những Phật tử ở trong và ngoài nước luôn hỗ trợ tịnh tài, tịnh vật, cùng sự tham gia nhiệt tình của các bác sĩ, các Phật tử luôn gắn bó chân thành làm công việc cứu trợ hữu ích…
Với thiện tâm chính đáng, rõ ràng và trong sáng đó nên Ban Từ thiện đã vượt qua chặng đường khó khăn thách thức, trên con đường hành thiện. Những phần quà như một sự chắt chiu tình cảm, nâng bao mảnh đời nghèo khổ, từ những ki-lô-gam gạo, những thùng mì gói, những chai nước tương, những gói bột nêm, đường, sữa, áo quần và một ít tiền mặt… dù không nhiều nhưng thấm thía với câu “một miếng khi đói còn hơn một gói khi no”.
Hay những viên thuốc chan chứa ân tình từ bàn tay của những bác sĩ thiện nguyện trao cho những người nghèo có bệnh, chia sẻ ấm áp giữa người đưa và người nhận. Đó là hình ảnh đẹp thường thấy đâu đây trên đất nước này.
Tôi chỉ mới ba năm “dấn thân” theo đoàn từ thiện với thực tế kiểm chứng những hoàn cảnh đến nhận quà và khám bệnh, bà con cho biết “phải chạy ăn từng bữa lấy đâu ra tiền mà khám bệnh”. Những trường hợp đó họ gần như buông xuôi, nói cách khác là phó thác cho định mệnh và số phận đẩy đưa tới đâu hay tới đó. Từ đó mới thấy hết giá trị nhân văn sâu sắc của những chuyến đi hành thiện “thương người như thể thương thân”.
Ấn tượng hơn, Ban TTVH còn tổ chức những đợt trao tặng học bổng cho các em, cháu học sinh nghèo hiếu học ở nhiều địa phương, xây dựng những ngôi nhà tình thương, xây cầu bê-tông xóa cầu khỉ nông thôn ở các tỉnh: Long An, Trà Vinh, An Giang; tặng giếng khoan nước ở những vùng khô hạn với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Một ưu điểm nổi bật của Ban TTVH, đó là không hề có sự phân biệt đối xử giữa lằn ranh lương-giáo.
Tôi đã có dấu ấn tốt đẹp với vợ chồng anh chị T, là giáo dân Thiên Chúa giáo nhưng anh chị thường xuyên tham gia đi cứu trợ cùng Ban TTVH vì thấy Hòa thượng Trưởng ban TTVH cũng như các Phật tử trong đoàn không hề có sự phân biệt đối xử giữa tín đồ Phật giáo hay tín đồ Thiên Chúa giáo.
Anh chị T đã xúc động bày tỏ suy nghĩ của mình: “Chúng tôi rất thích thú khi tham gia cùng Ban TTVH. Bởi lẽ, chúng tôi tận mắt chứng kiến đoàn từ thiện đã nhiều lần đến tặng quà cho bà con Hội Người mù ở các huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất, Xuân Lộc (Đồng Nai).
Các địa phương này hầu hết là các thành viên trong Hội Người mù đều là tín đồ Thiên Chúa giáo nhưng họ vẫn được Hòa thượng Trưởng ban TTVH luôn lưu tâm giúp đỡ đưa đến tận tay những phần quà thiết thực nặng nghĩa nặng tình và tạo thêm niềm tin vui cho người bất hạnh, khuyết tật. Trong mắt vợ chồng chúng tôi đã ghi sâu dấu ấn tốt đẹp ấy qua bao năm tháng chúng tôi tháp tùng theo chân đoàn Từ thiện thiền viện Vạn Hạnh”.
Tâm Tín
(Giác ngộ)