Tối qua, 24-3, trong khuôn khổ giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ X (năm 2017), được tổ chức tại hội trường Sunflower – khách sạn Rex (Q.1, TP.HCM), đã chính thức vinh danh 6 gương mặt tiêu biểu, góp nhiều tâm huyết, trí tuệ cho sự nghiệp canh tân văn hóa và giáo dục của Việt Nam thời đương đại.
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mang tên nhà văn hóa lỗi lạc Phan Châu Trinh (1872 – 1926), được thành lập với sứ mệnh “Góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21”.
Quỹ trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, do một nhóm các trí thức tâm huyết với văn hóa của đất nước thành lập, với những hoạt động này nhằm vinh danh các cá nhân xuất sắc đã và đang có những nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp canh tân văn hoá và giáo dục Việt Nam.
Theo đó, Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh năm nay đã chính thức tôn vinh vị danh nhân văn hóa sẽ là nhân vật tiếp theo được vinh danh vào “Dự án Tôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại”: học giả, nhà thơ, nhà văn, danh nhân văn hóa Phan Khôi. Đồng thời, tôn vinh và trao giải ở 4 lĩnh vực/hạng mục, bao gồm: Giải Nghiên cứu cho GS.Trịnh Văn Thảo vì những đóng góp đặc sắc trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và lịch sử Việt Nam cận và hiện đại, và GS.Trần Đình Sử vì những đóng góp to lớn và lâu dài trong lĩnh vực nghiên cứu văn học; Giải Dịch thuật cho nữ dịch giả Nguyễn Hồng Nhung vì những công trình dịch thuật công phu và đặc sắc văn học và triết học Hungari; Giải Việt Nam học cho Nhà Việt Nam học người Canada Alexander Woodside vì những công trình nghiên cứu uyên bác và đặc sắc về lịch sử Việt Nam; và cuối cùng là Giải Vì sự nghiệp Văn hóa – Giáo dục cho GS.Cao Huy Thuần vì những đóng góp to lớn và sâu sắc cho sự nghiệp văn hóa – giáo dục Việt Nam của ông.
“Dân tộc tôi nếu muốn định nghĩa về |
Trong diễn từ nhận giải của mình, GS.Cao Huy Thuần bên cạnh sự tri ân đến giải thưởng mà ông cho rằng “đây là một vinh dự quá to lớn cho một việc làm còn quá nhỏ của tôi”, giáo sư đã khiến cả khán phòng như vỡ òa với phát biểu sâu sắc của ông về giá trị cốt lõi của văn hóa mà những con người Việt Nam cần gìn giữ cho chính dân tộc Việt Nam của mình.
Và ở đó, ông đặc biệt nhấn mạnh tinh thần và sự hiện hữu của Phật giáo là yếu tố không thể thiếu cho sự duy trì văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay. Nguyên văn bài diễn từ của GS.Cao Huy Thuần, trong chất giọng còn nguyên âm hưởng Huế, ông nói:
“Trong tâm tình của tôi về văn hóa dân tộc, tôi xin chia sẻ một chút tâm tình về đạo Phật, vì 2 tâm tình này trong tôi chỉ là một trong toàn bộ chữ viết của tôi. Có lần trả lời cho báo Lao động tôi nói, tất cả những gì tôi viết đều là thư tình, tình thư tôi gửi về cho quê hương, dù khi nói với đời, dù khi nói với đạo. Có một con chim bị đâm gai, nằm chảy máu dưới một bông hoa trắng, và hoa trắng ấy đã thành hoa hồng, hoa hồng ấy tôi dâng tặng cho đất nước của tôi từ xa. Dân tộc tôi nếu muốn định nghĩa về bản sắc của mình, không thể không nói đến đạo Phật. Vì đạo Phật thiết yếu như vậy cho sự sống còn của văn hóa dân tộc tôi, nếu chùa chiềng biến chất trong một hiện tại đầy hoài nghi về văn hóa và giáo dục này, nếu đạo Phật cũng héo hon theo thì cái hồn của quá khứ của tôi và cả hiện tại cũng bơ vơ bản sắc, như một con én không để mất mùa xuân, tôi không muốn thấy đạo Phật của dân tộc tôi bị lão hóa bởi thời đại kim tiền.
Tôi muốn đạo Phật của tôi vẫn là nhựa sống của tuổi trẻ, của các bậc cha mẹ, của mọi gia đình. Nhựa ấy muôn đời vẫn thế, vẫn còn đấy, nhưng hãy làm cho nó chảy trong cành tươi.
Trong sự nghiệp trung thành với đạo Phật của tôi, trung thành với dân tộc của tôi, tất cả những gì tôi viết, dù là nước mắm, dù là tương chao, dù là văn hóa, dù là giáo dục, đều nhắm đến một lý tưởng, lý tưởng của Phan Châu Trinh: “Tiến bộ”.
Đừng tưởng đạo Phật không cần tiến bộ, không tiến bộ thì xa lìa đời sống, còn dân tộc khỏi nói, không tiến bộ thì thế giới đạp lên xác pháo. Nhưng đạo Phật biết một cái rất quý, nói trong kinh Pháp hoa: “một viên ngọc giấu trong áo cũ, áo cũ phải thay, viên ngọc vẫn giữ”, dân tộc của tôi, nghẹn ngào nói, có ngọc quý mà không giữ, lấy đá cuội của người làm ngọc của mình nạm lên vương miệng. Tôi xin kết thúc ở đây”.
GS.Cao Huy Thuần (thứ 2 từ phải qua) trong đêm nhận giải – Ảnh: Giao Hảo GS.Cao Huy Thuần được biết đến là một trong những nhà hoạt động văn hóa – giáo dục có uy tín nhất không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Đặc biệt, ở vị giáo sư đang sinh sống và giảng dạy tại trường Đại học Picardie (Pháp), là một tâm hồn mang đậm âm hưởng Phật giáo, một tôn giáo mà với ông là thần hồn của dân tộc, là điểm tựa để con người sống đúng nghĩa là con người. |
Giao Hảo / GNO
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)