Quê tôi, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu), vừa được chính phủ ưu tiên xây mới công trình bệnh viện đa khoa từ nguồn trái phiếu, một tổ hợp tương đối hiện đại với nhiều hạng mục phục vụ chuyên môn khám và điều trị, thay cho bệnh viện cũ đã xuống cấp trầm trọng có từ trước 1975, tọa lạc cách đấy chừng hơn 2 km vốn đã bị dân kêu ca nhiều về mọi thứ.
Bác sĩ Thùy tại phòng khám số 5 bệnh viên đa khoa thị xã Giá Rai
Bệnh viện mới là một không gian xanh khá tuyệt với nhiều cây cảnh và thảm cỏ được chia cắt bởi những lối đi nhỏ sạch sẽ- hình ảnh tương phản với “người anh em” cũ đã … hoàn thành nhiệm vụ!
Có một số vấn đề mạn tính như khớp và chứng mất ngủ kinh niên, tôi thường xuyên làm khách bệnh viện từ lúc cơ sở cũ hãy còn. Chỉ riêng việc nhớ lại cảnh chen chúc chờ đến lượt khám đã hãi và có lúc nghĩ trong bụng: có lẽ cảnh này chỉ hợp với người có sức khỏe loại A chứ bệnh nhân sau thấu!
Bệnh viện mới song cảnh cũ hãy còn, cho dù – nói công bằng- cũng có chút it chuyển biến. Nhân sự tăng cùng cơ sở vật chất gấp hai- ba lần cơ sở cũ, trang thiết bị tương đối tốt nếu so với một bệnh viện tuyến huyện, song bệnh nhân không hay bớt “khóc” về cảnh chen chúc đông đúc chờ khám thì lại vẫn “khóc” vì thái độ “hình sự” của y bác sĩ, họ thực hiện các ca thăm khám nhanh như máy và tìm hiểu bệnh sử như ..hỏi cung vậy! Người bệnh sợ bác sĩ là có thực. Rất nhiều bác sĩ có phòng mạch tư có khi không thua một phân viện nhỏ với đủ trang thiết bị y tế trợ giúp khám và điều trị cũng như nhân viên giúp việc, và họ có lẽ nôn nóng về với cơ ngơi ấy chăng, nơi mà thù lao khám và điều trị vượt rất xa mức chi trả của bảo hiểm y tế nghe đâu chỉ có mấy nghìn một ca? Cũng không biết rõ, song chắc chắn bệnh nhân, thân nhân đều mệt mỏi ức chế trước thái độ phục vụ của đội ngũ thầy thuốc không thay đổi nhiều vì thực ra na ná chuyện các cầu thủ cũ đá bóng trên sân mới mà thôi.
Nhưng có một ngoại lệ. Ở phòng khám đông y cuối dãy ở tầng trệt được đánh số 5, người ta “đồn” với nhau về một bác sĩ nữ trẻ, người Bắc, rất tận tâm và có phong cách thăm khám tuyệt vời, bac sĩ Nguyễn Thùy.
Rồi tôi cũng được gặp vị bác sĩ ấy, một, hai, ba ..lần, ở phòng số 5. Đấy là một thầy thuốc trẻ, có nhân dáng đẹp trong áo bluse trắng và quả thực, giọng nói rất nhẹ nhàng đến mức chính tôi- vốn làm quen với sự phục vụ thô bạo- bất ngờ! Bác sĩ từ tốn hỏi tôi về bệnh sử, quá trình điều trị cũng như môi trường sống.. Qui trình thăm khám diễn ra như được mô tả trong các giáo trình y khoa, và sự mong đợi của người bệnh vùng quê xa xôi này có lẽ đến thế là cùng. Có lần tôi nhận xét: bác sĩ thực hiện công việc y như các thầy thuốc ở nước ngoài, bác sĩ gia đình, chu đáo. Vốn là do tôi được nghe kể nhiều về công việc chuyên nghiệp của bác sĩ gia đình ở Mỹ và một số quốc gia phát triển, vốn cung cấp dịch vụ với mức phí rất cao. Bác sĩ Thùy chỉ cười….
Sự tận tâm của nữ bác sĩ trẻ này trở thành một hiện tượng ở bệnh viện đa khoa thị xã Giá Rai, bệnh nhân khen ms. Thùy từ lúc trên ghế ngồi chờ đến khi nhận thuốc ra về, điều ấy không hề dễ có, thực sự là biệt lệ.
..Và tôi quen nữ bác sĩ ấy, được biết cô sinh năm 1984, quê quán ở Phú Bình – Thái Nguyên, vùng chè. Thì ra cô học ở Trường Trung học y tế bạc Liêu (nay là Trường cao đẳng y tê), về bệnh viện Giá Rai năm 2006 và sau hai năm phục vụ đã học đại học ngành y học cổ truyền tại Đại học y dược TP HCM, tốt nghiệp 2013. “Lẽ ra cháu tốt nghiệp một năm trước đó chú ạ, nhưng bố bệnh ung thư mất và con nhỏ nên phải thêm một năm đẻ hoàn thành chương trình đại học”- cô ấy tâm sự như thế- trong mail.
Bác sĩ Nguyễn Thùy có một động cơ rất chi nhân văn về nghề cao quý cô đang phụng sự : “bố cháu hay bênh, chú ạ. Và ngay từ bé cháu đã mơ ước học nghề thuốc để trị bệnh cho mọi người. Người giàu họ giúp người nghèo bằng tiền, mình có thể giúp bằng cách trị bệnh”, tôi rất thú vị khi nghe vậy. Bộc bạch này phù hợp với những gì tôi và mọi người được thấy, tiếp xúc- thăm khám bệnh nhân với cô là cả một nghệ thuật, bằng con tim, không hề mang dấu ấn “hình sự” hay hành chính như …. Cô ấy đã sử dụng ái ngữ để trị liệu bệnh nhân ngay từ khâu khám, mà điều này đâu có dễ.
Nếu dùng từ NHÂN TỐ MỚI có lẽ thích hợp với trường hợp nữ thầy thuốc trẻ này, sự tận tâm phục vụ của cô lung linh như giọt ngọc trong bức tranh không lạc quan lắm ở bệnh viên đa khoa mới tinh và hoành tráng. Nhân tố mới ấy tất yếu đóng góp cho sự nhen nhóm, khơi gợi tinh thần phục vụ ở những thầy thuốc đến với nghề với động cơ vôi cùng nhân văn: người ta giúp đời bằng tiền còn mình giúp đời, giúp người nghèo bằng trị bệnh. Thực tế thì bác sĩ Nguyễn Thùy đã giúp được, nhiều….
Con người trẻ ấy rất chi khiêm tốn: nói thiệt, con học cũng không giỏi giang gì… nhưng với tôi và mọi người từng được khám ở phòng số 5, cố ấy rất giỏi.
Chuyện như thế…
Bạc Liêu, 23 tháng 8 năm 2016
Thành Công
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)