Bát chánh đạo trong Phật giáo được xem là một trong những phương pháp học tập và hành trì rất quan trọng. Nó có chức năng bồi dưỡng và phát huy tính giác ngộ của tự thân, xây dựng cho mình cuộc sống hạnh phúc, bình an.
Hơn thế nữa, Bát chánh đạo còn là những phương pháp thù thắng để thực hành hạnh giáo hoá độ sinh, là những phương pháp giúp mọi người xoa dịu nỗi khổ niềm đau, chuyển hoá những tập tính lâu đời và giúp những ai có cuộc sống bất hạnh, tinh thần bế tắc, sầu bi, khổ não, v.v… thay đổi thái độ nhận thức cuộc sống tích cực hơn, lạc quan hơn. Từ những nhận thức trên, người viết cho rằng Bát chánh đạo là phương pháp, là điều kiện rất hữu ích cho những người thực hiện công tác giáo dục và cả những người được tiếp nhận giáo dục. Và hơn ai hết, đó chính là những người “Thầy” truyền trao kiến thức khoa học, và giáo dục làm người cho thế hệ kế thừa, thế hệ tương lai. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không nghiên cứu đến toàn bộ tác dụng, chức năng hoặc các vấn đề khác của Bát chánh đạo trong giáo dục Phật giáo. Cũng không phê phán một cá nhân hay tập thể giáo dục nào, mà chỉ trình bày vài suy nghĩ tác dụng của giáo dục trong Bát chánh đạo mà thôi.
Giá trị giáo dục của Bát Chánh Đạo
Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy không ít các bài báo phản ánh những sự kiện tiêu cực của một số cá nhân thầy cô giáo, cũng như các bạn sinh viên, học sinh. Điều này, không thể đánh giá hay kết luận cho một hệ thống giáo dục nào đó là tốt hay tiêu cực. Tuy nhiên, nó đã dấy lên một làn sóng tranh luận, khiến chúng ta không thể không chú ý đến các vấn đề nảy sinh và tồn tại trên thực tế trong giáo dục của xã hội hiện nay. Nguyên nhân dẫn đến các hiện trạng này, phải chăng do những người giáo dục, hay do người tiếp nhận giáo dục, hay do cả quá trình giáo dục? Chúng ta không thể đỗ lỗi cho một đối tượng nào, vì cũng có thể là do “giáo bất nghiêm, sư chi đoạ”, hoặc cũng có thể do “dưỡng bất giáo, phụ chi quá” v.v…nói chung là có rất nhiều yếu tố khách quan và cả yếu tố chủ quan trong giáo dục đã dẫn đến những biểu hiện không mấy đẹp mà trong ngành giáo dục không hề muốn xảy ra. Nhưng vấn đề không phải là “truy tội” mà vấn đề là chúng ta cần nghiên cứu và tìm ra những biện pháp, giải pháp nào có thể góp thêm phần tích cực cho sự nghiệp giáo dục được tốt đẹp hơn. Để thực hiện điều này, chúng ta cần bắt đầu từ vấn đề ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cá nhân ở đây là người thầy, là gia trưởng, phụ huynh và là mỗi học sinh, sinh viên.
Theo quan điểm Phật giáo, nguyên nhân đưa đến kết quả bất thiện, không hoàn mỹ, khổ đau, v.v… đều do “Vô minh”, tức chưa thấy rõ bản chất của vấn đề, nhận thức không hoặc chưa rõ ràng, hoặc sai vấn đề, v.v.. nói chung là tính chất “Trí tuệ” vẫn chưa bồi dưỡng và phát huy một cách thấu triệt. Hành vi, động tác được thực hiện bắt đầu từ tư duy, suy nghĩ, nhận thức dần dần trở thành quan điểm, sở thích, ý thức hệ, và y vào đó để thiết lập định hướng cho sự nghiệp và cuộc đời của chính bản thân mình. Từ nhận thức cá nhân, hành vi cá nhân rồi dần hồi trở thành những hành vi xã hội, và chính những môi trường xã hội đã ảnh hưởng trở lại các cá nhân. Chu trình vận hành này là sự biểu hiện của các thuộc tính duyên sinh Phật giáo. Và tất cả các cá nhân và hiện tượng xã hội đều nằm trong khả năng chi phối của giáo dục, nói cách khác, giáo dục có khả năng bồi dưỡng và hoàn thiện nhân cách đạo đức của các cá nhân và có khả năng thay đổi môi trường xã hội. Nói như thế, để thấy rằng chức năng giáo dục là vô cùng quan trọng cho cả đời sống cá nhân và cuộc sống xã hội. Trong đó, chúng tôi nghĩ, giáo dục của Bát chánh đạo là một trong những phương pháp, phương tiện để thực hiện các quá trình giáo dục là tốt nhất, là tích cực nhất. Ở đây cần nhấn mạnh, Bát chánh đạo có thể trực tiếp làm chức năng giáo dục, và cũng có thể làm chức năng điều khiển các chức năng trong quá trình giáo dục.
Ví như, chúng ta có thể sử dụng Chánh kiến, Chánh tư duy trong việc nhận thức về trách nhiệm của dạy và học. Chúng liên quan đến các vấn đề như: Tính chủ đạo và các nguyên tắc chỉ đạo của người dạy, tính chủ động, tự giác của người học; Mục đích dạy và học không chỉ là việc truyền trao và tiếp nhận kiến thức, mà còn là vai trò bồi dưỡng và đào tạo tố chất nhân văn, nhân cách đạo đức, phương pháp tư duy trong cuộc sống, v.v…Hoặc là, Chánh ngữ, Chánh tinh tấn, Chánh định trong ứng sử giáo dục như, ngoài việc dùng các kỷ năng “ái ngữ”, “cẩn ngữ”, … trong quá trình ứng sử dạy và học, thì yếu định tỉnh, sự tinh chuyên, kiên trì, chuyên tâm tức là sử dụng chức năng chánh định, sáng suốt trong dạy học. Và chánh tinh tấn là quá trình nổ lực, chuyên cần duy trì tính tỉnh táo, tính chuẩn xác, nhờ đó giảm thiểu các sai sót do tính chất nóng vội, qua loa hững hờ, gián đoạn trong việc giáo dưỡng và học tập. Hoặc trong việc duy trì và phát huy đạo đức nghề nghiệp cho những người làm công tác giáo dục; hoặc trong việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp, định hướng cuộc sống, ý chí nguyện vọng cho thế hệ kế thừa, chúng ta có thể vận dụng Chánh niệm, Chánh mạng, Chánh nghiệp.
Nói chung, giáo dục của Bát chánh đạo là sự liên hệ giữa lý luận và thực tiễn, hợp nhất giữa tri thức và ứng dụng, thông qua các hoạt động thực tiễn của giáo dục để nâng cao trình độ nhận thức, nâng cao hiệu quả thực tiễn giáo dục. Nó như là nguyên tắc định hướng cho cuộc sống, là kim chỉ nam cho việc thực hiện giáo dục trong thời đại hiện nay. Thời đại thông tin bùng phát, xuất hiện nhiều giá trị quan bất đồng, thật giả khó phân, khiến không ít người tưởng chừng mất định hướng, cảm giác hụt hẩn mong lung … Một thời đại mà các nhà làm công tác giáo dục có nhiều cơ hội nghề nghiệp, nhưng cũng không ít những thách thức của cuộc sống xã hội. Mà quan trọng nhất vẫn là vấn đề hiệu quả giáo dục cho thế hệ tương lai, thế hệ kế thừa của xã hội. Đây mới là trọng trách của các nhà giáo dục, không chỉ là trách nhiệm của người thầy đối với học trò, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, trách nhiệm của một thế hệ đi trước. Hơn lúc nào hết, những người làm giáo dục cần phải bồi dưỡng cho mình cái “Chánh kiến”, “Chánh tư duy”, “Chánh niệm”, từ đó có niềm tin vững chắc, chuyên tâm (chánh định), mà xây dựng và thực hiện “Chánh nghiệp”, “Chánh mạng” của sự nghiệp “trồng người”. Hay nói một cách ngắn ngọn, là những người làm giáo dục cần phải có “Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ” để nhận định rõ ràng về tình hình xã hội, để tìm ra và sử dụng những biện pháp giáo dục cho phù hợp với tình trạng thực tế của xã hội đương đại.
Thích Giác Nhường / Phật học đời sống
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)