Giá trị của khổ đau

Hình Giá trị của khổ đau
- Tác giả: admin

Khổ đau đến giống như những ngày mưa gió bão bùng để nhắc nhở chúng ta biết sống và trân quý những ngày nắng đẹp, gió hiền. Tất nhiên, không ai muốn mình bị đau khổ và luôn tìm mọi cách để tránh né chúng. Nhưng đôi lúc, chúng ta cần có đau khổ để cảnh báo mình phải dừng lại để đánh giá cuộc sống của mình.

Những người đạt đến đỉnh cao hạnh phúc trong đời sống là những người biết hướng tâm nhiều về tâm linh và thường không quan tâm nhiều đến vật dục. Mỗi ngày, chúng ta phải trải qua một cuộc đấu tranh lớn bên trong nội tâm. Đó là cuộc đấu tranh giữa thể xác và tâm hồn. Thể xác là nơi phát sinh những đam mê vật dục mà mình sinh ra đã có sẵn, hay mình đã tạo tác trong quá khứ. Đau khổ thường xảy ra khi vật dục không được đáp ứng thỏa đáng, và tâm hồn thì cứ tiếp tục đòi hỏi thêm mãi. Nghĩa là thân và tâm không được hòa hợp, bình an.

Giá trị của khổ đau image-1731725644774

Ảnh: minh họa

Một người kia vừa mới chết và được sinh vào một nơi thật xinh đẹp, bao quanh với mọi thứ lạc thú không thể nào tưởng tượng được. Một người bận áo choàng trắng đến đón chào anh ta và nói: “Ngài có thể có mọi thứ ngài muốn – thức ăn, khoái lạc, mọi thứ giải trí”. Anh ta thật sung sướng, và cả ngày anh ta thử hết tất cả những món mà mình đã mơ ước khi ở trần gian. Nhưng một ngày kia, anh ta đâm chán với tất cả mọi thứ, và cho gọi người hầu đến, nói: “Tôi chán hết mọi thứ ở đây rồi, tôi cần một việc gì đó để làm. Ông có việc gì cho tôi làm hay không?”.

Người hầu buồn bã lắc đầu, rồi đáp: “Xin lỗi ngài. Đó là điều duy nhất chúng tôi không thể thỏa mãn yêu cầu của ngài. Không có việc làm gì ở đây cho ngài cả!”.

Nghe người hầu trả lời xong, anh ta bèn quát lớn: “Thật là hay chưa! Tôi chẳng thà sinh vào địa ngục”.

Người hầu đáp nhẹ nhàng: “Vậy ngài nghĩ ngài đang ở đâu đây?”.

Câu chuyện cho thấy, nếu sống ở đời mà không có khổ đau thì đời người thật trống vắng và buồn chán! Điều đáng nói ở đây là: Tại sao đau khổ lại cần thiết trong đời sống? Đau khổ sẽ mang lại lợi ích gì mà mình cần đến nó? Nếu chúng ta tư duy cho kỹ sẽ thấy tại sao Phật lại nói về Khổ đế (sự thật về khổ), một trong bốn sự thật (Tứ đế) trong bài giảng đầu tiên, Chuyển pháp luân. 

Tại sao Đức Phật không khởi đầu bằng Đạo đế (sự thật về đạo diệt khổ)? Nhớ lại lịch sử khi Đức Phật còn là thái tử, trong lúc dạo chơi ngoài thành, Ngài đã trực tiếp nhìn thấy khổ đau. Ngài kinh ngạc phát hiện ra rằng những khổ đau này không chừa ai cả! Như lời ông Xa-nặc đã trả lời: “Hễ làm con người tức là phải có bệnh, có lão, và có tử. Không ai có thể tránh khỏi”. Ngài lại càng ngạc nhiên thêm khi thấy hầu như ai cũng mặc nhiên chấp nhận sự thật này mà không hề làm một cái gì đó để thoát ra. Khổ đau là đầu mối khiến Thái tử Sĩ-đạt-ta ưu tư không dứt và là một trong những nguyên nhân khiến Ngài quyết tâm cầu đạo giải thoát.

Nếu tôi nhớ không lầm thì trong một đoạn kinh văn có ghi: Sau khi Đức Phật giác ngộ, Ngài bèn lên đường trở lại giáo hóa cho 5 anh em Kiều Trần Như. Trên đường, Ngài có gặp một hành giả du-già khổ hạnh. Vị hành giả này thấy Phật tướng hảo, nhưng lại quá sạch sẽ, gọn gàng, trông không giống một vị du-già sư, bèn hỏi: “Ngài là ai? Tu hạnh gì? Sao trông nhẹ nhàng, tự tại vậy?”. Đức Phật trả lời: “Ta là Phật, là bậc Giác ngộ, đã thấu rõ mọi lẽ sanh diệt của tất cả các pháp thế gian nên không còn luân hồi sanh tử nữa!”. Vị du-già sư nghe xong, quay lưng bỏ đi. Ông vừa đi, vừa lắc đầu không tin, và trong đôi mắt có vẻ thương hại Phật vì nghĩ rằng Phật đã mất trí nên mới dám xưng tụng mình như vậy!

Câu chuyện cho chúng ta thấy nếu Phật chỉ nói về sự giác ngộ của Ngài thì có lẽ không ai có thể hiểu nổi! Cái mà chúng ta kinh nghiệm nhiều nhất đó là đau khổ. Và chính vì vậy, Đức Phật đã dạy chúng ta cách nhìn thấy sự thật về đau khổ để tìm con đường diệt khổ (Đạo đế). Sự thật mà nói, dù chúng ta đã trải nghiệm nhiều về đau khổ, nhưng phần nhiều chúng ta chỉ biết sợ khổ; và hầu như, ít khi nào học được gì nhiều từ đau khổ. Bằng chứng là chúng ta luôn chạy theo vật dục để kiếm tìm hạnh phúc và cố tránh né, càng nhiều càng tốt, tất cả những gì mang lại khổ đau. Thậm chí mình phát tâm tu là cũng vì ‘sợ khổ’. Thế mà oái oăm thay, mình lại cứ đụng phải khổ đau hoài!

Thực ra, khổ đau không phải lúc nào cũng là điều tiêu cực đáng chán, đáng sợ; ngược lại, có nhiều lúc chúng ta cần có đau khổ để thức tỉnh bản thân. Như vậy, đau khổ là một vị thầy, nhắc nhở chúng ta biết hồi đầu hướng thiện. Cho nên trong 2 câu đầu của 10 điều tâm niệm, Phật dạy: “1. Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì dục vọng dễ sanh. 2. Ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy”. 

Cái bệnh khổ và hoạn nạn ở đây đóng một vai trò cần thiết trong đời sống tu tập. Đó là chúng giúp diệt trừ dục vọng và kiêu mạn. Như vậy, có tuệ giác nằm bên trong bệnh khổ và hoạn nạn. Chỉ có điều là chúng ta có nhìn thấy cái tuệ giác bên trong đó hay không? Vì phần nhiều chúng ta chỉ biết than oán và lo sợ. Chính tâm phiền não và sợ hãi này đã che lấp tuệ giác của mình, cho nên khiến mình không vận dụng được cặp mắt chánh tri kiến để thấy rõ giá trị của bệnh khổ và hoạn nạn.

Phật dạy rằng khi mình thật sự cảm nhận được nỗi đau khổ trực tiếp, chúng ta ngay lập tức buông bỏ, cũng giống như khi mình cầm lên cái chảo sắt đang nóng bỏng sẽ khiến mình rút tay lại. Khi chúng ta cảm thấy cái đau khổ cùng cực, mình sẽ muốn được giải thoát khỏi chúng ngay vì mình học được từ tuệ giác nằm bên trong mỗi kinh nghiệm, đặc biệt là càng thống khổ thì tuệ giác càng sâu.

Như câu chuyện về nàng Liên Hoa Sắc, con một trưởng giả vô cùng sang giàu. Lên 16 tuổi, Liên Hoa Sắc lấy chồng, sinh một bé gái. Nhưng cảnh đời trớ trêu, cha chồng chết sớm, mẹ chồng loạn luân vô đạo, và đối xử tệ bạc với nàng. Quá buồn tình uất ức, Liên Hoa Sắc trốn nhà ra đi, bỏ con gái lại cho chồng, lang thang đó đây, kiếm kế sinh nhai. Sau đó Liên Hoa Sắc tái giá với một thương gia giàu có. Một hôm chồng bà dẫn về một nàng vợ hầu trẻ đẹp. Không ngờ, nàng vợ hầu của chồng lại chính là con gái của bà với người chồng trước. Chán nản thế thái nhân tình, Liên Hoa Sắc quyết đi làm gái bán hoa để phá hoại gia thất của các chàng sở khanh.

Một hôm, ngài Mục-kiền-liên đang trên đường đi khất thực, Liên Hoa Sắc đón đường ra chọc ghẹo. Nhờ có đạo lực, ngài Mục-kiền-liên dừng lại từ tốn hỏi thăm và quyết tâm thuyết phục người dâm nữ trở về nẻo thiện. Ngài dạy Liên Hoa Sắc: “Tâm hồn bất tịnh thì hãy đem Phật pháp mà tẩy. Đức Phật của tôi có hàng vạn pháp môn rất khế lý khế cơ, con người có thể tùy theo hoàn cảnh, khả năng, để chọn pháp môn tu tập”. “Mê nhất kiếp, ngộ nhất thời”, qua lời giải thích an ủi đầy đạo lý, Liên Hoa Sắc tỉnh ngộ, nét mặt trở lại tươi tỉnh, xin đi theo ngài Mục-kiền-liên để bái yết Phật. Liên Hoa Sắc được Phật cho phép xuất gia, trở thành Tỳ-kheo-ni gương mẫu, và về sau chứng quả A-la-hán, trở thành vị Thánh Tỳ-kheo-ni có thần thông đệ nhất.

Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc đã thấu rõ tuệ giác bên trong hoàn cảnh đầy bất hạnh của mình. Khi quán chiếu sâu vào cuộc đời của Liên Hoa Sắc, chúng ta thấy sự nổi bật của đau khổ, luôn biến hóa, thay đổi tiến trình đời sống của bà. Nhưng chính nhờ những kinh nghiệm đau khổ ấy mà Liên Hoa Sắc đã dễ dàng thấu hiểu và thực hành đúng những pháp môn Phật đã chỉ bày, và nhanh chóng chứng đắc Thánh quả.

Đúng là: “Khổ đau là bạn, hoạn nạn là thầy”. Khổ đau là người bạn chân thật, không giấu giếm, khoe khoang, không màu mè, kiểu cách. Nó trực tiếp thức tỉnh chúng ta phải nhìn lại đời mình, xem những giá trị mình đang theo đuổi có thực sự quan trọng như mình nghĩ hay không? Hoạn nạn cũng vậy, nó đã dạy chúng ta biết dừng lại để nhìn thấy rõ đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là chân giá trị của cuộc đời mình.

Nhờ có chánh tri kiến, chúng ta thấy rằng ai cũng cần có khổ đau. Chúng ta cảm thấy khổ đau không phải là một cái gì thật đặc biệt, chỉ có mình phải chịu như trong câu chuyện Phật dạy bà Ki-sa Go-ta-mi về cái chết của đứa con 7 tuổi của bà. Ai cũng đã từng trải nghiệm khổ đau, bất kể kẻ sang, người hèn. Cứ mỗi lần kinh nghiệm với khổ đau, chúng ta lại thấy được nhiều điều giá trị. 
Và nếu chúng ta biết dừng lại, quán chiếu những kinh nghiệm đó, mình sẽ tìm thấy cái tuệ giác ngay chính trong kinh nghiệm khổ đau đó. Do vậy, khổ đau không còn là kẻ thù mà có thể là một người bạn tuy khó tính, nhưng rất chân thật mà ai cũng cần có để giúp mình tu tập, chuyển hóa.

Tuệ Nghiệp

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Tin mới

Người lái đò thầm lặng trong cuộc đời

Thầy! Người xuất hiện trong cuộc đời những người học trò như chúng e một cách nhẹ nhàng nhưng đã lắng đọng lại những bài học vô cùng sâu sắc và không bao giờ mờ nhạt  đó chính là kiến thức mà thầy cô đã tận tụy truyền đạt, và cả những bài học về

Chùa Phước Huệ: Chư hành giả Tăng – Ni Giáo đoàn VI cùng nhau “Sống chung tu học”

9g sáng, ngày 6/1/2025 nhằm mùng 7/12/Giáp Thìn. Hòa thượng Giác Minh, Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ đã thân lâm về chùa Phước Huệ, khu phố Long An, phường Long Phú, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang theo lời mời của Thượng tọa Giác Nhuận trưởng Ban tổ chức khóa tu lần 7

Nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện”

Với hiệu quả thiết thực của bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đến nay Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhân rộng mô hình “Bếp ăn từ thiện” (BATT) tại nhiều bệnh viện trong tỉnh. Đặc biệt, hoạt động nhân văn này ngày càng thu hút

Gập ghềnh con đường đến trường

Mẹ bỏ đi khi em tròn 1 tuổi. Ít lâu sau người cha cũng qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại em cho bà nội. Em lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ, nhưng lại đầy ắp tình yêu thương của bà. Tuy nhiên, sức khỏe bà ngày càng

Sống tích cực là con đường tới thành công

Một người hạnh phúc không phải là một người sống trong hoàn cảnh thuận lợi, mà là một người có thái độ sống đúng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có thể trong một khoảnh khắc, một quãng thời gian nào đó bất kỳ ai cũng có thể có cảm giác mệt mỏi về khó

Ca sĩ Anh Tâm kể nhân duyên đến với Phật pháp

Là một ca sĩ hát nhạc thị trường bỗng có duyên lành hát ở chùa, tham gia các công tác từ thiện Phật giáo…, ca sĩ Anh Tâm dần chuyển sang hát nhạc Phật. Mới đây, anh cho ra mắt album Lạy mẹ Quan Âm với tâm nguyện cúng dường Tam bảo. Anh còn tham

Điều kỳ diệu của cho đi và nhận lại

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh. Ảnh: minh họa Trên đường đi, hai

Richard Gere trải nghiệm cuộc sống người vô gia cư

Trong bộ phim mới của mình đang được thực hiện, Richard Gere đã trả nghiệm cuộc sống của những người vô gia cư và nhận ra nhiều điều thú vị. Hình ảnh nam tài tử gạo cội Hollywood bước ra đường chỉ với 100USD được đưa lên facebook đã gây nhiều tò mò cho người