Mẹ bỏ đi khi em tròn 1 tuổi. Ít lâu sau người cha cũng qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại em cho bà nội. Em lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ, nhưng lại đầy ắp tình yêu thương của bà. Tuy nhiên, sức khỏe bà ngày càng yếu nên con đường đến trường của em ngày càng mờ mịt. Đó là hoàn cảnh đáng thương của em Phạm Thị Mỹ Chi (SN 2000) ở tổ 1 Chí Thành, thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung (Bình Sơn).
Căn nhà của bà Võ Thị Tùng (80 tuổi) nằm sâu trong con ngõ nhỏ. Khi chúng tôi ghé thăm cũng là lúc bà đang ngồi làm bẫy chuột để giữ vài bao lúa mới thu hoạch vụ rồi. Kể về cháu Chi, bà Tùng không giấu được nỗi buồn: “Mẹ nó bỏ đi biệt tích từ khi nó còn nhỏ. Trước đây, một mình tôi nuôi con khôn lớn, tưởng đâu con sẽ sống hạnh phúc, ai ngờ giờ lại dành phần đời còn lại nuôi cháu. Nhưng được cái, bé Chi rất ngoan, học giỏi và hiếu thảo, luôn biết giúp bà”. Hiểu được khó nhọc của bà, Chi cố gắng học hành, nhiều năm liền đạt thành tích tiên tiến trong học tập và mới đây em thi đậu vào lớp 10 Trường THPT Trần Kỳ Phong. Đường đến trường giờ đây cách nhà hơn 10 cây số, nhưng Chi vẫn chưa bao giờ để bà ăn cơm một mình. Bà nội Chi cũng vậy, dù em có về trễ bà vẫn đợi.
Tranh thủ thời gian nghỉ, Chi phụ bà hái lá trầu để bán kiếm thêm tiền mua rau.
Nhưng niềm vui đậu lớp 10 cũng là nỗi lo của hai bà cháu: “Nhịn ăn, nhịn mặc để dành tiền cho cháu đi học, còn sức lo tới đâu thì hay tới đó thôi”, bà Tùng trầm ngâm. Quả thật, bà Tùng không quản ngại khó nhọc, bà làm mọi việc để có tiền nuôi cháu ăn học. Mặc dù đã già, nhưng bà vẫn làm những việc đồng áng: Phun thuốc, rải phân, gặt lúa. Tới mùa gặt, ai thuê cũng đi. Sản phẩm từ 1,5 sào ruộng và 1,5 sào mì là nguồn thu của hai bà cháu. Được mùa thì nhờ, mất mùa coi như đói. Đầu năm học mới vừa rồi, bà Tùng chạy khắp nơi vay tiền để cho cháu gái sắm sửa sách vở, nộp học phí. Rồi đợi đến thu hoạch mì bà trả dần.
Thương bà tần tảo sớm hôm, Chi siêng năng dậy sớm ra đồng phụ giúp bà, những công việc nặng em đều giành làm thay. Nhiều hôm, giữa trưa nắng gắt, một mình em thồ ba bao phân ra ruộng cho bà. Tranh thủ những ngày nghỉ hè, em đi hái ớt, cuốc cỏ mì thuê, việc gì em cũng không ngại làm. “Em chỉ mong sao bà khỏe mạnh, ngày ngày được cùng bà thủ thỉ, nhưng bà em ngày càng già yếu, đau ốm liên miên, em lo lắm! Học hết lớp 10, không biết năm sau có được cùng bạn bè học lớp 11, 12 hay không, nhưng miễn được học ngày nào em sẽ cố gắng ngày đó để không phụ công của bà”, Chi cố tỏ vẻ rắn rỏi.
Nói về hoàn cảnh của hai bà cháu Phạm Thị Mỹ Chi, bà Trịnh Thị Vân – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Trung cho biết: “Chi là cháu gái chăm ngoan, học giỏi, nhưng vì tuổi già sức yếu bà nội không còn đủ sức lo cho em, em đang đứng trước nguy cơ phải nghỉ học. Chúng tôi mong sẽ nhận được sự chia sẻ từ mọi người để con đường đến trường của em không phải dang dở”.
Đăng Sương
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)