Post: : Admin

Hai chữ 'Trụ Trì' bây giờ sao mong manh quá. Để từ một thảo am xây dựng thành ngôi chùa vô cùng khó khăn, đó là mồ hôi, là nước mắt, là bao công sức tâm huyết của thầy trụ trì.



Thời bây giờ, chùa không xây dựng, bảo trì thì bảo “sao ở chùa mà không xây dựng chùa”. Chư vị Tăng ni chúng tôi ăn chay, tụng kinh niệm Phật, ba y một bình bát, nếu chỉ cho nhu cầu bản thân thì cần chùa to Phật lớn để làm gì? Phật tử đến chùa tu học, cần cơ sở vật chất để thuận lợi tu hành, mà xây chùa to thì bảo tu hành dựng chùa to để làm gì?


Đừng vô cảm với sư Trụ trì

Lễ bổ nhiệm Đại đức Thích Quảng Tú trụ trì chùa Minh Bảo tỉnh Yên Bái. Ảnh: nhân vật cung cấp


Nhìn ngôi Tam Bảo xuống cấp theo thời gian làm sao chúng tôi đành lòng cho đặng. Nói ra liệu ai thấu hiểu, mà cũng không biết làm sao cho hợp lòng mọi người. Giáo hội cho chủ trương, phương hướng, còn tất cả mọi sự còn lại là do thầy Trụ trì cố gắng.


Khi thầy Trụ trì có lời kêu gọi xây dựng chùa, quý Phật tử thường chọn cúng chuông, cúng tượng phật, cúng xây chánh điện để được nhiều phước báu, chứ có mấy ai cúng tiền thiết kế bảng vẻ xây dựng, cúng tiền chạy giấy tờ, tiền làm cổng Tam Quan, tiền xây nhà Tăng chúng, nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà có khách đến ở, tiền mua đất, tiền xây nhà tổ, giảng đường, và nhiều hạn mục khác. Cái đó các thầy chỉ âm thầm lặng lẽ cố gắng.


Có Trụ trì xây chùa xong mắc nợ, thì lại được nghe “có điều kiện thì thì xây không thì thôi, tu hành ai bắt đâu”. Nghe nói thì đúng là như thế thật, có ai muốn làm khổ mình đâu. Nhưng phải ở trong hoàn cảnh đấy thì mới hiểu được để thông cảm cho các Ngài. Chùa được hoàn thiện, thì chùa là của dân, còn Trụ trì mang nợ là việc của Thầy. Nếu dân hiểu đạo lý, thực là phúc đức quá, không thì việc chư Tăng Ni được mời ra khỏi chùa là chuyện bình thường. Đời quý thầy bây giờ cống hiến cả đời, hi sinh một đời nhưng mong manh lắm. Quý thầy cái nhìn khác Phật tử. Vì chí nguyện hoằng pháp độ sanh nên không màng gian lao, không từ khó nhọc nhìn vào chấp nhận mọi thứ để sau này xây dựng ngôi chùa để lại cho đời, cho những thế hệ tiếp nối có cơ hội để tu. Còn mọi người chỉ nhìn thấy những điều thấy được, sờ được..từ đó đánh giá, bình phẩm phán xét theo ý kiến cá nhân.


Có người còn nói “đi tu sướng lắm”, tôi thành tâm mong rằng câu nói đó chỉ là câu đùa vui không ý tứ của các chư vị lúc rảnh rỗi. Phàm các vị Trụ trì đều hiểu thế sự, hiểu bản chất của đời nên dù có gặp khó khăn hay nghe những điều chướng tai đều hoan hỷ chấp nhận, thay vì tỏ ra buồn bã không phải vì chư vị Tăng ni không biết buồn đâu mà vì không muốn Phật tử buồn, bởi vì người xuất gia cũng là người phàm, đang tập tu, cố gắng sửa đổi bản thân từng ngày mà thôi.

Đừng vô cảm với sư Trụ trì

Đừng vô cảm với sư Trụ trì

Cuộc đời tu hành, đều là từ phàm mà tu lên bậc Thánh, Thượng căn thì  từ Trung căn mà lên, Trung căn từ Hạ căn mà có. Nếu chúng ta không bao dung tha thứ cho nhau, không đặt mình vào vị trí người khác, không biết lắng nghe, không biết suy xét thì làm sao có thể gạn đục khơi trong, làm sao có thể từ cát sỏi mà ra được châu ngọc. Thói thường mình sai bao nhiêu lần cũng được, nhưng với người khác thì rất nghiêm khắc. Cứ ai gặp nạn, chưa biết đúng sai đã hùa vào lên án dưới đủ hình thức mà không cần biết sự thật như thế nào, cứ thích nói gì nói, vô trách nhiệm với lời nói của mình để rồi tạo nghiệp, làm tổn hại lẫn nhau, tổn hại cả Phật Pháp.


Tôi lại nhớ đến lời Đức Thế Tôn dạy trong luật Ma ha tăng kỳ: “Này các Tỳ kheo! Những người đồng hạnh với các ông bị đau ốm, các ông không săn sóc cho nhau thì ai săn sóc? Các ông mỗi người đều khác họ, khác nhà, vì niềm tin mà bỏ nhà xuất gia, sống không nhà, đều cùng một họ Sa môn Thích tử, đồng tu phạm hạnh, nếu không săn sóc lẫn nhau thì ai săn sóc? Này các Tỳ kheo! Ví như các con sông Hằng, sông Diêu Phù Na, sông Tát La, sông Mê Hê chảy vào biển cả, liền mất tên cũ mà hòa chung thành một hợp thể, gọi là đại dương. Các ông cũng như vậy, ai nấy đều bỏ họ cũ mà cùng chung một họ mới là Sa môn Thích tử. Các ông không săn sóc cho nhau thì ai sẽ săn sóc?


Ví như các chủng tộc Sát lợi, Bà la môn, Phệ xá, Thủ đà la, mỗi người đều khác họ, rồi cùng vượt đại dương đi kinh doanh trên thương trường thì được gọi là người đi buôn trên biển.. Cũng như thế đó, các Tỳ kheo, các ông mỗi người đều khác họ, khác nhà, vì niềm tin, bỏ nhà xuất gia, sống không nhà, đều cùng một họ là Sa môn Thích tử, nếu không săn sóc lẫn nhau thì ai săn sóc?” Người tu chúng tôi, cắt ái từ thân, ngoài bản thân mình, trên chỉ còn biết nương tựa vào Tăng đoàn, vào Thầy Tổ, bên ngoài thì nhờ vào sự hộ trì của cư sĩ Phật tử. Giờ đây, trước những pháp nạn như thế này, nếu trên chẳng bảo vệ, ngoài chẳng hộ trì, thì chư Tăng Ni sẽ ra sao, Phật Pháp rồi sẽ ra sao?

Đừng vô cảm với sư Trụ trì

Đừng vô cảm với sư Trụ trì

Tôi hay nói các Phật tử. Chùa nhỏ cũng ăn ngày 3 bữa, sở dĩ muốn làm rộng ra, xây dựng lên để tiếp tăng độ chúng, tổ chức khoá tu cho các Phật tử. Có những nỗi khó khăn, những nỗi lòng các thầy âm thầm chịu đựng. Chia sẻ thì bảo than thở, mà không chia sẻ thì mấy ai hiểu cho. Mỗi khoá tu tổ chức, các chương trình quý thầy làm chuẩn bị cả mấy tháng. quý Phật tử tới tu xong về có hiểu được đâu.


Quý thầy bây giờ không chỉ hướng dẫn các Phật tử tu tập, còn lo vấn đề an sinh cho xã hội. Vừa trách nhiệm đối với giáo hội các cấp, vừa đối với chính quyền các cấp, nhân dân phật tử. Gánh nào cũng cố gắng lo cho tốt. Đâu phải khi nào cũng thuận lợi, đôi khi gặp những câu chuyện trớ trêu chỉ biết mỉm cười chấp nhận nhẫn nhục mà sống. Thầm nghĩ rằng tu không gặp chướng nạn đạo không thành. Coi đó là thử thách trong con đường tu để rồi cố gắng.


Càng ngày trên mạng họ nói qua nói về, bỡn cợt nhau, vui đùa trên nỗi khổ của người khác lấy đó làm niềm vui. Sợ thật, ai cũng cho mình hay tài giỏi sẵn sàng chà đạp lên nhau mà sống. Không hiểu rằng chúng ta đang tạo nghiệp, không ai gây nghiệp mà không phải gánh cả. Quan trọng trước hay sau mà thôi. Thế nên người con Phật luôn sống trong chính niệm, trước khi nói và làm gì cần suy nghĩ cẩn trọng. Không thương được thì đừng làm khổ nhau, đừng tạo nên oan kết oan gia trái chủ oan thù chấp đối khổ cho mình và những người thân của mình bị kéo thôi. Cả đời tu tập đôi khi chỉ vì những ác khẩu mà tiêu hết phước báu huống hồ gì cả đời không lo tu. Thế nên Bồ Tát sợ nhân chúng sanh sợ quả. Bồ tát biết nhân xấu nên không dám làm. Chúng sanh cứ làm khi nào quả đến khi ấy mới biết sợ. Cuộc đời này nỗi đau lớn nhất là chúng ta không hiểu nhau, làm tổn thương nhau.


Thích Quảng Tú

trụ trì xây chùa, vô cảm, đuổi trụ trì, ra khỏi chùa, tu hành, chà đạp sư