“Đức Phật đã thuyết bốn pháp tạo lợi ích hiện tại này ở thị trấn Kakkarapatta xứ Vajjī, cho thiện nam tử Dīghajānu. Có bốn pháp đưa đến an lạc hiện tại cho người cư sĩ tại gia.
1- Đầy đủ sự nỗ lực (Uṭṭhānasampadā) tức là có sự siêng năng tháo vát trong nghề nghiệp, không biếng nhác, biết phương pháp làm việc để đạt đến kết quả.
2- Đầy đủ sự bảo quản (Ārakkhasampadā), tức là có khả năng bảo vệ gìn giữ tài sản đã thu hoạch, không để bị thất thoát hư hại do thiên tai hỏa hoạn trộm cướp …
3- Có bạn lành (Kalyānamittatā), tức là giao du thân cận với những người hiền thiện đạo đức là những người giàu lòng tin, có giới hạnh, có bố thí và có trí tuệ.
4- Cuộc sống thăng bằng (Samajīvitā), tức là biết sống chừng mực điều độ, vừa với sự thu nhập, không phung phí quá độ cũng không hà tiện bón rít. — A.IV.281″
(THERAVĀDA Phật giáo Nguyên Thủy
CƯ SĨ GIỚI PHÁP
Tỳ kheo Giác Giới
(Bodhisīla Bhikkhu biên soạn)
Lời bàn:
Đức Phật với lòng lòng bi mẫn bao la, sự quan tâm của Ngài không chỉ đến các bậc xuất gia mà còn trải rộng muôn cùng khắp đến các hàng cư sĩ tại gia và những lời pháp nhủ của Đức Bổn Sư sẽ đem đến sự an vui ngay trong hiện tại cho những ai biết lắng nghe,thấu hiểu và thực hành. Một người cư sĩ khi có một nghề nghiệp vững chắc ổn định đem lại thu nhập có thể nuôi sống bản thân và gia đình ngoài ra điều này còn đem lại tâm trạng an vui thoải mái vì vật chất cũng hỗ trợ một phần nào đó khiến cho tinh thần phấn chấn,lạc an. Nếu người cư sĩ có đức độ, phước báu và trí tuệ thì sẽ có khả năng bảo vệ tài sản của mình tránh được sự mất mát hư hoại do nhiều nguyên nhân khác nhau từ đó hạn chế được phiền não do sự thất thoát tài vật gây nên. Khi có một người bạn lành thì sẽ đem lại nhiều sự an vui vì người đó sẽ giúp đỡ ta trong lúc khổ đau hoạn nạn,cùng nhau chia sẻ những niềm vui nỗi buồn hay cùng nhau đàm luận và sẻ chia Phật Pháp khiến cho những tâm thiện lành sanh khởi, một thiện bạn hữu đóng một vai trò quan trọng góp phần dẫn đến sự thăng hoa về tinh thần và tâm linh.Và khi người cư sĩ biết vui, biết đủ và chi tiêu hợp lí phù hợp so với thu nhập của mình hiện tại thì tâm lí sẽ cảm thấy an vui vì khi sử dụng quá mức tài sản của mình vào những mục đích không chính đáng thì sẽ gây nên sự tổn hao tài sản không đáng có, dẫn đến nợ nần, thiếu hụt và phiền não phát sanh. Đức Phật dạy con người ta hướng tới hạnh phúc cao thượng bằng sự tu dưỡng đạo đức bởi những lời pháp nhủ đầy trí tuệ với tâm từ bình đẳng không phân biệt dù đó là bất cứ ai. Các hàng cư sĩ cũng được Ngài lưu tâm khuyến giáo bằng diệu pháp hết sức gần gũi, thực tế đem lại hiệu quả thiết thực trước mắt. Đối với những ai có niềm tin tưởng và hành trì theo Chánh Pháp thì sẽ gặt hái được nhiều lạc an trong cuộc sống. NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Thiện An