Post: : Admin

Hỏi : Thưa thầy khi quản lý một doanh nghiệp con luôn phải vươn tới, phải tham vọng. Tất cả các đối thủ đều như vậy, nếu con không như vậy sẽ tụt hậu. Như vậy làm sao con có thể đi, ăn mà chỉ nghĩ về hiện tại cho được. Như thế đối với doanh nghiệp như thế nào là đủ ?



Doanh nghiệp làm thế nào để kinh doanh không tụt hậu?

Thiền sư Nhất Hạnh và chư tôn đức cùng tăng thân Làng Mai trong một lần trò chuyện bên nhau thân mật.

Đáp : Làm giàu không phải là chuyện xấu. Nhưng mình nên biết rằng mình muốn giàu là tại mình muốn hạnh phúc. Nếu giàu mà không có hạnh phúc thì giàu để làm gì? Khi mình hạnh phúc rồi thì tiền bạc đó sẽ tạo thêm hạnh phúc chung quanh mình. Khi chung quanh mình người ta hạnh phúc thì hạnh phúc của mình cũng tăng lên.


Chúng ta hay lo lắng cho tương lai, lo lắng cho sự thành công của tương lai, chúng ta lại hay sợ hãi về tương lai. Nhưng trong tuệ giác của đạo Bụt thì tương lai được làm bằng hiện tại cũng như hiện tại được làm bằng quá khứ. Nếu mình biết quản lý hiện tại với tất cả khả năng của mình tức là mình đã làm tất cả mọi cái cho tương lai rồi đó. Còn ngồi đó mà tiêu phí năng lượng trong sự lo lắng sợ hãi thì làm hư tương lai thêm.

Mình có quyền thiết kế tương lai nhưng mà mình phải thả neo trong giây phút hiện tại. Mình vẫn an trú trên mảnh đất của thực tại để thiết kế tương lai, có nghĩa là mình đừng có đánh mất mình trong sự lo lắng, sợ hãi về tương lai. Lo lắng và sợ hãi không có ích lợi gì cho tương lai hết mà còn làm hại cho tương lai nữa. Vấn đề không phải là lo lắng, sợ hãi cho tương lai mà là ngồi cho thật vững trong hiện tại để nếu cần thì thiết kế cho tương lai. Trở về với giây phút hiện tại, mình chăm sóc được cho thân và tâm của mình. Có những căng thẳng, đau nhức trong thân. Nếu mình cứ tiếp tục sống như lâu nay thì những căng thẳng, những đau nhức đó càng ngày càng bị dồn nén và nó sẽ sinh ra đủ thứ bệnh.

Stress cũng sinh ra đủ thứ bệnh rồi nó ảnh hưởng tới tâm. Trong tâm sẽ có những buồn khổ, những lo lắng, những bực dọc và những căng thẳng. Có những căng thẳng trong tâm rồi thì những tư tưởng, những lời nói, những cử chỉ của mình sẽ bạo động, tại vì nó bị thúc đẩy bởi những khổ đau, những lo lắng và những sợ hãi kia. Những cái này tạo ra sự đổ vỡ trong bản thân mình, trong gia đình mình và trong doanh nghiệp của mình.


HT Thích Nhất Hạnh



Bài liên quan:


- Gieo trồng quan hệ tốt đẹp trong doanh nghiệp
- Phật dạy người kinh doanh nhanh hưng thịnh
- Hãy có lòng trân trọng kinh doanh lời Phật dạy