Việc tìm hiểu giáo lý nhà Phật với diễn viên Thanh Trúc chưa bao giờ là đủ. Bởi theo cô, càng khám phá, càng học hỏi, càng nhận ra bản thân còn nhiều khiếm khuyết. Vì vậy, từng bước, từng bước cô tích lũy cho mình lời Phật dạy, để rồi chính từ những lời dạy đó đã giúp Thanh Trúc có được phương thuốc giúp tâm bình an.
Mẹ là người dẫn lối
Những ngày đầu được mẹ dắt đi chùa, Thanh Trúc chẳng biết gì ngoài tiếng mõ, câu kinh mà các sư trì tụng. Nhưng từ xuất phát điểm này mà bản thân cô đã được tưới tẩm, gieo vào hạt giống Chánh pháp. Để rồi ngày một ngày hai, qua sự kèm cặp và chỉ dẫn của mẹ, cô bé tuổi lên 9 lên 10 đã có cơ hội biết đến những lời Phật dạy.
Trước tiên là việc kiên nhẫn ngồi nghe quý thầy, quý cô thuyết giảng. Lúc bấy giờ, việc một cô bé đang tuổi ăn tuổi chơi như Thanh Trúc, thì việc ngồi im lặng, nghiêm trang hàng giờ đồng hồ không phải là điều dễ làm. Đi qua giai đoạn thử thách đó, Thanh Trúc ngày càng tinh tiến, không chỉ thụ động ngồi nghe các sư giảng giải, bản thân cô cũng đã mày mò mượn sách Phật về đọc.
Những điều nào chưa nghe, chưa biết, chưa hiểu thì ngày hôm sau cô đến chùa để nhờ các sư giải thích cặn kẽ. Nhờ vậy mà trải những điều căn bản như: thực tập tâm từ, xả bỏ tham-sân-si… từ mỗi khóa tu một ngày ở chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP.HCM), chùa Tịnh Quang (Đà Lạt, Lâm Đồng), Thanh Trúc dần ý thức bản thân, rồi đem những điều được học thực hành và áp dụng vào sinh hoạt thường ngày. Từ đó, với cuộc sống hay công việc, mỗi khi gặp phải điều không vui, khó khăn và cả thử thách, thì việc ứng dụng lời Phật dạy làm cô có động lực và niềm tin để vượt qua tất cả.
Diễn viên Thanh Trúc – Ảnh: NVCC
Học buông bỏ và tha thứ
Thanh Trúc chia sẻ, việc tìm hiểu, học hỏi giáo lý và áp dụng vào cuộc sống, công việc cần phải trải thời gian dài, cũng như bản thân cần có đức kiên nhẫn mới có kết quả. Do vậy, theo Thanh Trúc, ở thời điểm hiện nay việc học buông bỏ và tha thứ luôn là nền tảng, là kim chỉ nam để cô có thể tiếp tục tiếp cận, thực hành lời Phật dạy.
Thanh Trúc tâm sự, buông bỏ và tha thứ là điều mà cô vẫn cố gắng học và thực hành. Bởi vì, mỗi người khi buông bỏ được “tham-sân-si” thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn. Thói quen của con người luôn thích nắm và cố nắm hơn buông, nên tự chuốc cho mình quá nhiều phiền não. Cũng giống như khi ai đó nắm lưỡi dao, càng nắm thật chặt thì càng đau và sẽ dẫn đến chảy máu. Sao ta không buông bỏ những ham muốn, buông bỏ những phiền muộn, học cách biết đủ để cuộc sống thanh thản hơn? – Thanh Trúc tâm niệm.
Rồi cô nói, những gì chúng ta chưa buông bỏ được là những điều trong thâm tâm còn suy nghĩ và vọng tưởng về chúng. Bản thân Thanh Trúc đã từng trải qua tuổi thơ với rất nhiều vết thương tinh thần, và suốt thời gian dài cô bị dằn vặt, trách cứ cũng như luôn đau đáu về chúng. Cho đến khi cô ngộ ra rằng: Tại sao mình không tha thứ? Tha thứ cho những người thân chung quanh cũng là cách để giải thoát cho chính bản thân.
“Tha thứ là liều thuốc hữu hiệu để chữa lành những vết thương trong lòng, kể cả những nỗi đau mà con người ta dành cho nhau” – Thanh Trúc đúc kết.
Cô tâm đắc, nếu ai cũng biết Phật pháp thì xã hội sẽ bớt đi những vấn đề tiêu cực và lý giải: “Phật dạy chúng ta phải biết khiêm nhường, phải biết từ bỏ “cái tôi”, phải biết điềm tĩnh trước mọi vấn đề… Từ đó lòng tham không còn trỗi dậy, sân si trong mỗi người không còn cơ hội bộc phát. Nhờ vậy, chúng ta có thể sống chậm lại, có thể soi xét việc đúng – sai của bản thân nhiều hơn”.
Còn với công việc nghệ thuật mà Thanh Trúc đang theo đuổi, lĩnh vực này vốn là môi trường đầy cám dỗ, bon chen khắc nghiệt, nên việc giữ tâm không xao động trước những cạm bẫy không phải là điều dễ dàng. Cũng giống như làm sao giữ cho bản thân mình như một đóa sen, dù gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Thanh Trúc bảo, đôi khi nhìn chị em trong nghề chưng diện túi hiệu, xe sang, bản thân cô cũng dấy lên lòng tham, cũng ao ước được sở hữu chúng. Nhưng rồi, khi nghĩ những thứ đắt đỏ ấy có xứng đáng để mình đổ đồng tiền mồ hôi nước mắt làm được ra mua chúng không? Khi sở hữu chúng có làm tăng thêm giá trị nhân cách và đạo đức của bản thân hay không?… Nghĩ đến những điều đó, bỗng ham muốn trong lòng cô vơi đi và dần tan biến.
Đi lên bằng nghị lực Không chỉ tạo ấn tượng với khán giả bằng những vai diễn, Thanh Trúc còn là một học sinh giỏi 12 năm liền, 2 lần liên tiếp đạt Huy chương đồng tại kỳ thi Olympic Văn vào những năm 2010 – 2011 và 2011 – 2012. Để có được thành quả như vậy, bản thân cô gái xuất thân từ gia đình lao động này đã phải nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ… Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thuở nhỏ Thanh Trúc nhút nhát, lầm lì. Ai bảo gì, nói gì cô cũng chỉ trả lời bằng cách gật và lắc đầu. Khác với chúng bạn cùng trang lứa, trước khi bước vào lớp một, Thanh Trúc không được học qua lớp mầm, lớp chồi hay mẫu giáo gì cả. Những ngày đầu tiên đến lớp, trong khi bạn bè đã đọc được hết bảng chữ cái, thì cô vẫn lóng ngóng. Được cô giáo bảo đánh vần chữ – má, cô đã chẳng chần chừ mà bi bô: ‘‘Mờ a ma nặng má’’. Nhưng rồi, cũng chính từ xuất phát điểm thiếu nền tảng này, Thanh Trúc đã tự tạo cho mình sự siêng năng, cần cù. Nhờ vậy, cô từ từ vươn lên trong nhóm học sinh đứng đầu của lớp, cũng như duy trì kết quả học tập xuất sắc của mình trong suốt những năm tiểu học, trung học cơ sở, trung học phố thông, đại học và công việc diễn xuất ở hiện tại. |
Viên Quang
(Giác ngộ)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, trang web Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)