Phật học đời sống - tin tức Phật giáo - tin nhanh
XUÂN AN LẠC

Đầu xuân xuất hành viếng chùa

04-02-2017 - Admin
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHĐS - Nữ sĩ Ninh Giang Thu Cúc và hôn phu Văn Noa, có lẽ thức sớm lắm, ngày mồng ba Tết đã lục đục gọi nhau chuẩn bị lên đường. Chiếc xe bảy chỗ đậu ngoài đầu ngõ, điện thoại reo, nữ sĩ chưa mở điện thoại đã biết tài xế Tiến báo giờ khởi hành.
.


- Con quẹo ra chợ lấy mấy bao gạo đi cúng chùa - nữ sĩ bảo.
- Dạ, Tiến mau lẹ, tháo vác của tuổi trai xuân, mở cóp xe cho hàng vào.
Mồng ba Tết chợ còn vắng vẻ, lác đác vài cửa hàng le lói ánh đèn khuya. Quán cà phê đã có mấy ông lớn tuổi ngồi tán gẩu. Thị trấn Hốc Môn, ngay trước chùa ông, lồng đèn, cờ, cổng vòm rực rỡ sắc Xuân. Vòng xoay trang trí đèn led hình hai con gà (có lẽ gà trống) và chùm đèn đơn điệu.
Cư sĩ...đã chỉnh tề ngồi đợi trước nhà đối diện trường Nguyễn An Ninh, người mà mỗi khi nghe ai đó rủ đi chơi, trong bụng cứ như mở cờ.
Đầu xuân xuất hành viếng chùa
Chả hiểu ngọn gió nào đã thổi nữ sĩ và gia đình từ Bình Định trôi giạt về Hốc Môn, ngự cuối con hẽm nhỏ. Tuy về mới vài năm mà người đưa thư đã nhớ tên nữ sĩ còn hơn công an khu vực nhớ tên từng người trong khu phố của mình. Cái nhà nhỏ gọn xinh xắn, nhất là thư phòng trên lầu, có vuông cửa sổ nhìn ra khung trời bị chẻ nhỏ bởi những mái nhà lô nhô trong xóm. Hình như ông trời luôn tặng cho nữ sĩ những ngoại cảnh vừa thân thiện, vừa khó chịu. Những lúc rỗi, thực ra lúc nào nữ sĩ lại không rỗi, con cái đều nên gia thất, chỉ có hai ông bà liêu xiêu nơi tổ tò vò suốt ngày; nữ sĩ hầu như ít ngày nào vắng khách, không khách thì cũng có những cuộc điện đến thăm hỏi, chả bù lại cho ông xã, quanh năm lủi thủi với chiếc cần câu và ông bạn hàng xóm, ông có mặt nơi vùng nước xa xôi tận Long An, Bình Chánh nhiều hơn có mặt ở nhà. Bất kể nắng mưa, bất kể Tết nhất, thích là xách cần đi câu, dù đi một mình. Những lúc đó, nữ sĩ đọc sách no, lại qua nhà kế cận trò chuyện, ừ mà họ là đồng hương cơ mà, cái giọng Huế dịu dàng sông Hương, đặc sệch như cơm hến; nói đến cơm hến người dân xứ Huế tha phương không làm sao quên được Cồn Hến ở làng Cồn thuộc xã Hương Lưu, phường Vĩ Dạ, cách thành phố Huế chừng vài km.Không hiểu từ bao giờ câu nói: "ăn hến nói nặng", nhưng người chính gốc Huế thi giọng nhẹ như tơ; Món ăn dân giả như thế mấy ai xa xứ có thể quên được.Ngoài gia đình đồng hương cận kề, thân thiện, nữ sĩ lại chịu một cay nghiệt xé lòng, cái nhà trước cổng nuôi lắm chó mà không hề biết thương chúng. Có lẽ chúng sinh ra để trả nợ cho cái nhà mà mụ đàn bà chanh chua ác khẩu. Mỗi lần thấy bóng người lạ là chúng sủa, mụ chủ cay đắng với tiếng sủa mà hình như đã từng bị ai đó tạo cho mụ một ác cảm khó phai; mụ vừa mắng chửi vừa đánh đập không nương tay, chó càng la, mụ càng đánh, chúng càng vẫy đuôi thì bên trong nhà, nữ sĩ càng nát lòng. Hình như những trái nghịch trong cuộc sống nữ sĩ thường đối mặt, làm cho tâm hồn nữ sĩ phong phú hơn, yêu đời hơn của người con Phật xứ núi Ngự sông Hương. Nổi dằn vật thầm kín nào đó chôn chặt hồn nữ sĩ mà gia đình không thể là nơi gửi gấm, có lẽ vì thế, nữ sĩ rất cần bạn như cần thơ. Nữ sĩ có rất nhiều bạn và bạn có nhiều nơi mời đến giao lưu, nhưng oái oăm, nữ sĩ bao giờ cũng tùy thuộc vào ông xã đưa đón, vì tuổi 75, thân bệnh, chân yếu không tự mình đi lại bên ngoài. Nữ sĩ đành bỏ lỡ nhiều chương trình giao lưu quan trọng khi mà ông nhà lên cơn phản đối. Người phụ nữ Huế thường an phận cam chịu như cây liễu rũ trước bão táp phong ba.
***
Chiếc xe hướng về ranh giới Củ Chi, qua cầu Phú Cường, băng qua đại lộ Bình Dương về thẳng Biên Hòa. Đường sá vắng vẻ, lưa thưa vài xe hai bánh, thỉnh thoảng xuất hiện xe du lịch. Còn cách Biên Hòa vài km, điện thoại reo, nữ sĩ vội mở máy:
-Dạ con nghe, sắp tới rồi Hòa Thượng à
Anh Tiến tài xế hỏi vào đường nào ngay ngả ba thành phố Biên Hòa, cư sĩ lớ ngớ, nữ sĩ đưa máy cho cư sĩ:
-Bạch thầy, chùa ở đường nào ạ?
-Ơ, cái anh nầy, đến chùa bao nhiêu lần mà còn hỏi như người xa lạ.- Hòa thượng ngạc nhiên.
- Dạ bạch thầy, con vừa từ cỏi trên xuống. - cư sĩ đáp đùa
Trên xe, không ai nhịn cười được, ai cũng ngớ ngẩn khó hiểu cái ông cư sĩ...
Mồng ba Tết chùa vắng như chùa Bà Đanh, có lẽ giao thừa và mồng một họ đã đi lễ hết. Mặt tiền chùa sừng sững, sân chùa tô điểm hoa mai hoa cúc để báo hiệu cho biết chùa vẫn có Tết. Đi thẳng lên lầu, nhà thơ Hạnh Phương từ căn cứ 4 gần Gia Rai vào từ sớm; Hòa thượng mời đoàn lên nhà Tổ  điểm trà trước khi điểm tâm.. Cây Mai Cúc vàng rực, uốn dáng Bonsai không chịu nhả vài cánh khô héo còn cố bám trên cành. Hạnh Phương và nữ sĩ thay phiên chụp ảnh bên cội Mai và cạnh Hòa Thượng. Tập thơ "Giao Cảm" vừa ra mắt tại chùa Phi Lai-Phú Yên của thầy kèm với phong bao lì xì cho từng người, đó là thời điểm chia tay đầu năm với một vị thầy khả kính có tâm hồn văn nghệ, để thầy ra sân bay kịp về Phú Yên.
***
Chùa Phật Ân, đúng, chùa Phật Ân lần nầy không cần gọi điện hỏi đường mặc dù ít khi đến
- Đến đâu chú? Tiến hỏi
- Em cứ chạy hoài chạy mãi, gặp ngả ba đường mới mở quẹo trái.
Hình như chú tài chưa tin tưởng lời hướng dẫn lắm, chùa Phi Lai Biên Hòa thường xuyên đến mà còn không nhớ thì chắc gì nhớ nơi xa xôi nầy. Chú ta hơi ngời ngợ.
- Em cứ chạy, tới ngả ba Suối Trầu hay suối Trâu gì đó rẽ vào, chạy miết cuối đường rẽ trái thấy mấy ngôi chùa liền kề, chùa Phật Ân nằm cuối.
Trên xe có người thắc mắc con người hướng dẫn nầy thuộc cỏi nào mà nói như mù rờ voi.
Chùa Phật Ân vừa xây dựng thêm căn nhà gỗ không có vách. Mà hầu như chùa nầy đúng nghĩa "không môn". Gần 40 năm trước, thầy về đây với đôi tay trắng, đói quá hái lá mì ăn, thầy trò say nằm dẹp. Gần 80 tuổi mà vóc dáng thầy vững vàn như một nông dân. Thầy không có thị giả, tự nấu ăn, tự giặt đồ, mặc dù chùa đông chúng và nhiều đệ tử thành đạt trụ trì nhiều nơi. Thầy bình dị qua phong cách cho đến lời văn. Thầy viết rất nhiều, viết lối tự truyện, viết như nhật ký, tường thuật, tuy vậy vẫn không dấu được khí tiết dũng trí của bậc chân tu.Thầy thiết kế nơi thờ linh, thờ cốt giản dị, có phòng thờ cho các cháu thai nhi sinh non chết yểu, làm hồ nước và sắm đồ chơi cho các cháu như mọi trẻ con còn sống. Máy bay, xe tàu, búp bê...nhưng còn thiếu chiếc cyclo, có lẽ các cháu còn nhỏ không lao động bằng nghề cyclo được.
Thầy đưa đi vãng cảnh, giới thiệu từng hạn mục xây dựng. khuôn viên rộng, cây cối xanh tươi thoáng mát. Tuy xa xôi hẻo lánh, vẫn thường xuyên có người viếng cảnh lễ Phật. Chú Tiến tài xế đưa bao gạo xuống, thầy bảo:
- Ăn bữa cơm mà cúng bao gạo...cả đoàn vui cười


Chư Tăng cúng ngọ trên trai đường, thầy mời đoàn xuống bếp ngồi ăn cho thoải mái, khỏi nghi thức lễ bái rườm rà. Mít kho là món thổ sản hầu hết người Huế ưa thích, Hòa Thượng cũng xuất thân từ Huế, thuộc giòng quan lại, gặp phải đồng hương, nữ sĩ thân thiện như món ăn thân thiện của mít; tuy đạm bạc nhưng thâm tình ngoài cái thâm tình của máu văn nghệ. Trở lại phòng khách, thầy tặng mỗi người sách thầy vừa in xong:-"Ngớ ngẩn đời tôi" - "chuyện nhà tôi". Hạnh Phương và mọi người đều xin chữ kỳ của thầy. Chuyện trò một lúc như chợt nhớ, nữ sĩ hỏi: -sao anh không đưa sách cho thầy ký tặng? - cư sĩ đáp: - thầy nói thầy lười ký thì tôi cũng lười đưa ký. Vừa nói xong mọi người cười vui vẻ, thầy đưa tay bắt với sự đồng tỉnh.

Sách là quà tặng tinh thần, thầy không quên món quà vật chất, trái mít vườn vừa đưa tới, cho lên xe như dấu hiệu giả từ đầu năm giữa thầy trò. Trên thân xe bóng loáng và mặt kính trong, phản chiếu bóng cây, cảnh chùa và khung trời xanh thẳm di chuyển dần về phía sau khi xe lăn bánh. Không khí mát dịu như lòng người mát dịu được vãng cảnh đầu năm với những vị thầy thông thoáng.
***
Tu viện Phước Hoa không xa tu viện Thường Chiếu, nhưng vì con lương nên xe phái đánh vòng khá xa. Từ ngoài lộ vào, hai bên khá nhiều chùa. Đồng Nai -Bà Rịa Vũng Tàu là khu đất Thánh, hình như cả nước không nơi nào chùa nhiều như đây. 30 năm trước, khu rừng âm u được cố Hòa Thượng tọa chủ Phước Hoa và Tăng chúng khai hoang để 30 năm sau, một tu viện uy nghi bề thế, không những là nơi tu học mà còn là tổ đình cho giới văn nghệ sĩ Thành phố quy tụ mỗi mùa Vu Lan.Phong cách của cố Hòa thượng cũng như thầy trụ trì thừa kế đều là ấn tượng khó quên cho các phật tử nói chung và anh chị em văn nghệ sĩ nói riêng. Cố Hòa thượng có hàng trăm đệ tử hoằng hóa khắp nơi, ba miền trung-Nam-Bắc đều có đủ.
Mỗi mùa Vu Lan, Hòa Thượng được anh chị em nghệ sĩ về giúp vui , thăm viếng Hòa thượng cùng Tăng chúng. Hòa thượng thích nhất giọng ngâm của nghệ sĩ Thúy Vinh.
Ngày nay, tuy Hòa thượng vắng bóng, đường vào chùa, hai hàng cây đều treo hình ảnh tưởng nớ ơn thầy với những vần thơ thắm tình đượm nghĩa của đệ tử. Thầy Huyền Lan kế thừa sự nghiệp của Hòa thượng chăm lo Tăng chúng, duy trì sinh hoạt nội viện cũng như sinh hoạt cho giới văn nghệ sĩ. Thầy còn trẻ nhưng chu đáo và thủy chung. Từ Long Thanh xa xôi, thầy vẫn gửi quà tặng giới văn nghệ tại Thành phố vào dịp cuối năm cứ như rãi hạt giống từ trên mãnh ruộng phước. Thầy là một trong năm anh em xuất gia, như một cội nở hoa năm nhành.
****
Hòa thượng  chùa Phi Lai Biên Hòa, HT chùa Phật Ân Long Thành, thầy Huyền Lan đều là những bậc chân tu thông thoáng, có lẽ nhờ tưới tẩm tinh thần văn nghệ nên các thầy giản dị, hài hòa,bình dân, dễ thương. Trên chuyến xe xuôi về Thành phố, qua ngã Cát Lái, tìm đến nhà dưỡng lão do vợ chồng chị Hồng phát tâm nuôi dưỡng 70 vị, trong đó hết 36 bệnh nhân bại liệt. Đây là cặp vợ chồng mang hạnh Bồ tát từ lúc còn trẻ. Khi tuổi 30, họ đã nuôi dưỡng trong nhà 4 cụ bệnh tật già nua, để rồi, lòng từ dần phát triển, cô Hồng năn nỉ chồng tiếp tục bán ruộng để lập nhà tình thương nhận nuôi những vị không ai chăm sóc.Lúc đầu chồng không đồng ý, vì nuôi người trẻ thì người trẻ sợ mình, nuôi người già thì mình sợ người già, bởi mình sợ có điều gì sơ suất sẽ làm người già tủi thân - đó là lời tâm sự của cô Hồng.
- Thưa chị, nhà nước có hỗ trợ cho mình không? đoàn hỏi
- Họ không làm khó mình là may rồi, vì cơ sở mình tự phát không qua thủ tục hành chánh, mà mình dân quê có biết thủ tục thế nào, đợi cho xong thủ tục thì các cụ nầy ai lo! chị Hồng đáp.
Chủ nhân đưa đoàn vòng qua các dãy phòng thoáng mát gọn gàng. mỗi phòng có bốn giường bằng inox. Bệnh nhân được thay đồ mỗi ngày 4 lần, tắm rữa sạch sẽ. Ba giờ khuya, chủ nhà đã thức để nấu ăn cho các cụ.Dân trong xóm thỉnh thoảng đến phụ giúp chăm sóc, họ chăm như chăm người thân. Các cụ còn đi lại được, mỗi ngày phải ra truớc bàn thờ niệm phật. Cơ sở nằm sâu cách đường hơn 6km, chung quanh đều là ruộng, xa xóm làng, nơi đây thành ốc đảo hoang vu, thanh tịnh.Từ trường an lành bao phủ cuộc sống như cuộc sống được bao phủ tình thương của đôi vợ chồng trẻ giàu tâm đạo.
Nữ sĩ xúc động tán thưởng cô Hồng. -Mồng ba Tết năm nay, có một chuyến đi thật ý nghĩa - nữ sĩ Ninh Giang Thu Cúc ngồi trên xe tỏ ra mãn nguyện, cảm thán!
***
Phụ nữ có những người là nữ tướng, phụ nữ có những người thành đạt trên chính trường, có những phụ nữ vang danh trên văn thi đàn thì cũng có những phụ nữ âm thầm trãi lòng từ, hòa mình niềm đau nỗi khổ với chúng sanh - đó là hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm. TRỜI CHÂN NHƯ
HỒNG TRẦN MỘT CHUYẾN DẠO CHƠI
SẮC KHÔNG CHỪ ĐỂ CHO ĐỜI VUI CHUNG
TA VỀ TRONG CỎI CÔ TUNG
NGHE CON CHIM NHỎ TỰ TÌNH CHÂN NHƯ
(Lăng Già Tâm)


MINH MẪN

(mồng 8 tháng giêng năm Đinh Dậu 04/02/2017)

Các tin đã đăng:
Tòa soạn: 207A - Võ Thị Sáu - Phường 7 - Quận 3 - Tp. HCM - ĐT: 0777719559 - VPĐD: 76 Lê Thị Trung - P.Phú Lợi - Tp. Thủ Dầu Một - Bình Dương - ĐT: 0122.771.9559