Khát vọng hướng đến sự an lạc và hạnh phúc là khát vọng muôn thuở của đời người. Tuy nhiên, tuỳ theo cảm quan và trình độ nhận thức của mỗi người mỗi khác mà tột cùng hạnh phúc vẫn có nhiều cấp độ khác nhau.
Tựu trung quan điểm về hạnh phúc của nhân sinh cũng không đi ra ngoài bốn quan điểm: đó là hạnh phúc do vật chất tạo ra; hạnh phúc theo tinh thần an bần lạc đạo; hạnh phúc theo quan điểm của các tôn giáo và hạnh phúc theo quan điểm Phật giáo. Chúng ta thử so sánh các niềm hạnh phúc đó để tìm ra được đâu là hạnh phúc chân thực.
Số đông con người đều cho rằng khi có được vật chất đầy đủ, danh vọng lẫy lừng là có hạnh phúc. Nhưng thử hỏi ở thế gian này có được mấy người chu toàn sở nguyện. Và trong số những người hưởng được hạnh phúc do vật chất tạo ra mấy ai được vẹn toàn các phương diện: xinh đẹp, khoẻ mạnh, thông minh, trong gia đình thì vợ đẹp con xinh, ngoài xã hội thì mọi người kính trọng? Nhìn kĩ lại trong xã hội, kẻ nghèo cùng bệnh tật ốm đau đã chiếm đến tám chín phần.
Dầu có đạt được vật chất đầy đủ, danh vọng lẫy lừng con người có hạnh phúc hay không? Ở đời ai giàu sang phú quý bằng các bậc đế vương nhưng các vị đó vẫn không có được niềm hạnh phúc trọn vẹn. Thật tế lịch sử trải qua các triều đại thịnh suy đã chứng minh điều đó. Chung quy hạnh phúc của kiếp người không thể tìm kiếm hay định nghĩa bằng những danh từ giàu sang phú quý, danh vọng lẫy lừng bởi những thứ đó chỉ là niềm hạnh phúc tạm bợ nhất thời, chứ không phải là hạnh phúc chân thực.
Một số người không chấp nhận quan điểm hạnh phúc từ vật chất tạo ra, mà họ đưa ra thuyết an bần lạc đạo làm tiêu chuẩn để xây dựng hạnh phúc. Theo họ hạnh phúc không phải là vật chất xa hoa, chỉ cần sống trong cảnh thanh bần nhưng không làm điều gì trái với lương tâm khiến lòng thanh thản là có hạnh phúc.
Quan điểm hạnh phúc của các bậc hiền triết ở thế gian “Một đai cơm một bầu nước, co cánh tay gối đầu trong đó có sự vui. Còn giàu cùng sang đối với ta như mây nổi”. Và “Cao lương kia tuy sang nhưng lợm. Mùi hoắc lê tuy đạm mà ngon” hoặc “Gành đá Khương công đôi khóm trúc. Áo xuân Nghiêm tử một vai cày”, đều là những thú vui an bần lạc đạo của nhà Nho.
Tuy nhiên, sự hạnh phúc trong cảnh nghèo cùng mà lương tâm thanh thản đó chỉ là đối lại với cái giàu sang ô trược nhằm nói lên hạnh phúc vật chất không bằng hạnh phúc tinh thần. Thực ra, đã là con người sống giữa cõi đời không ai có thể thoát ra ngoài sự chi phối của vật chất. Thử hỏi con người dù trong sạch lương thiện đến mấy nhưng sống trong cảnh bần hàn, chạy ăn từng bữa thì những người đó có được hạnh phúc hay không?
Các tôn giáo khác quan niệm tình đời như nước chảy, việc đời như mây trôi, cảnh bụi hồng đầy ngắn ngủi phù du, việc giàu sang chỉ là bèo tan bọt nổi, nên họ cổ xuý mọi người đi tìm hạnh phúc bằng cách vào rừng thẳm lên non cao để tu tập thiền định, học pháp trường sanh bất tử, cải lão hoàn đồng.
Xưa nay biết bao kẻ cố công đi tìm phương thuốc trường sanh bất tử nhưng thảy đều bỏ mạng ngoài biển cả, hoặc xác nằm bụng cá. Giả sử họ có tìm ra được phương thuốc thần tiên đó, dù có kéo dài mạng sống đến ngàn năm kết cuộc vẫn có ngày chung tận. Bởi vì tất cả các pháp hữu vi đều không thoát ra ngoài sự chi phối của quy luật vô thường và biến hoại.
Hoặc như họ có tu tập thiền định đắc dược cảnh giới sâu mầu, như đắc được Tứ thiền hay phá hoại sắc ấm chứng được Tứ không, nhưng khi sức định hết rồi vẫn bị đoạ vào sáu nẻo luân hồi. Như trong kinh Phật bảo với Mãn túc khi chưa xuất gia là đệ tử của Uất đầu lan phất: “Thầy ông dầu chứng được cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng định, nhưng qua tám vạn đại kiếp vẫn đoạ làm con phi ly”. Bởi vì theo đạo Phật các lối tu tập của ngoại đạo vẫn không thoát ra ngoài sự chi phối của ngã và ngã chấp, có khác nhau chỉ là cấp độ thô và tế mà thôi.
Vậy đâu là niềm hạnh phúc chân thực là cảnh giới an vui giải thoát vượt ra ngoài hệ luỵ của nhân sinh. Theo quan điểm Phật giáo hạnh phúc chân thực của con người chỉ có được khi xả trừ ngã và ngã chấp, ngày nào bóng dáng ngã và ngã chấp không còn ngự trị trong tâm ngày đó chúng ta mới có được hạnh phúc.
Không có một hạnh phúc chân thực nào được thiết lập trên nền tảng của ngã và ngã chấp. Khi chúng ta còn say sưa trong ý niệm cái này là ta, là sở hữu của ta thì trăm ngàn vạn đám mây mù phiền não được kéo đến. Và những đám mây mù phiền não đó đã bao phủ bầu trời tự tánh thanh tịnh sáng suốt của chúng ta, nó cũng là động lực để đẩy đưa ta lang thang mãi trong cuối nẽo chân trời gốc biển sanh tử luân hồi.
Chủ trương tu hành của đạo Phật là phá trừ ngã và ngã chấp, điều này hoàn toàn khác với lối tu hành ngoại đạo là bám víu vào ngã. Nếu chúng ta buông bỏ huyễn ngã tức sẽ đạt được chân ngã. Chân ngã đó chính là bản lai diện mục, là Phật tri kiến và khi đó chúng ta mới đạt đến niềm hạnh phúc chân thực. Cảnh giới vô ngã tuôn trào niềm hạnh phúc đó đã được thiền sư Quy tông chi chỉ diến bày khi sống một mình cô liêu trên đỉnh núi làm bạn giữa non nước mây trời:
Trên ngàn đỉnh núi một gian nhà
Một nửa cho mây một nửa ta
Đêm rồi gió thổi mây đi mất
Tỉnh lại sao nhàn bằng lão gia.
Ngài thành Phật thánh hiệu là Thích ca mâu ni. Thích ca mâu ni là từ ghép giữa hai danh từ Thích ca là họ chủng tộc, Mâu ni là đức hiệu của thánh giả. Thích ca mâu ni phạn ngữ Sakya Muni ý là “Thánh nhân xuất thân ở tộc Thích ca”. Thích ca mâu ni còn gọi Thích ca văn ni, Đoạt ca dạ mâu ni, lược xưng Thích ca mâu ni. Trước khi tìm hiểu ý nghĩa của thánh hiệu Ngài chúng ta cần phải tìm hiểu cội nguồn xuất xứ của thánh hiệu.
Theo quan điểm của Phật giáo, danh xưng Thích ca mâu ni là thánh hiệu của Bồ tát Hộ minh (vị Bồ tát từ cung Đâu suất giáng hạ xuống Nam thiện bộ châu thành Phật, vào tiểu kiếp giảm tiểu kiếp thứ chín của trung kiếp thành lúc tuổi thọ của con người cao nhất là một trăm tuổi) lúc thành Phật. Bàn về thánh hiệu chúng ta cần phải biết rằng về nguyên nhân quá khứ là do đức Phật Nhiên đăng thọ ký cho Ngài, về nguyên nhân hiện tại là do đức vua Tịnh phạn đặt tên cho Ngài.
Theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả ghi lại: “Về thưở quá khứ xa xưa vào thời Phật Nhiên đăng tại thế. Bấy giờ có một vị tiên nhân tên là Thiện huệ thâm tín Tam bảo. Một hôm Thiện huệ gặp một Tỳ nữ cầm bảy hoa sen đi ngang qua Thiện huệ chạy theo hỏi Tỳ nữ “Hoa sen này cô có bán không?” Tỳ nữ đáp “Sen này tôi đang đem về cung vua”.
Thiện huệ muốn mua hoa sen dâng cúng Phật, bèn lấy năm trăm đồng tiền để mua năm cành sen dâng Phật. Tỳ nữ sau khi biết nguyên do của việc mua hoa thấy tâm lượng rộng lớn của Thiện huệ như thế, bèn phát nguyện gởi thêm hai cành sen. Khi đó vua và các quan đến đảnh lễ đức Phật và rải hoa dâng cúng Phật. Các hoa đều rơi xuống đất, duy năm cành sen của Thiện huệ bay giữa hư không, hai cành sen của Tỳ nữ dâng cúng lại ở hai bên đức Phật. Nhân đó đức Phật Nhiên đăng tán thán và thọ ký cho Thiện huệ rằng “Qua một vô số kiếp nữa ông sẽ thành Phật hiệu là Thích ca mâu ni”. (3)
Bốn chữ Thích ca mâu ni là đức hiệu của Phật. Chư Phật có nhiều công đức khác nhau nên mỗi Ngài có một danh hiệu bất đồng. Nhưng hiện tại chúng ta gọi là Thích ca mâu ni là ước về đức Phật xuất hiện tại thế giới Ta bà vào tiểu kiếp giảm của tiểu kiếp thứ chín thuộc trung kiếp thành lúc tuổi thọ cao nhất của con người là một trăm tuổi. Ngài đản sanh vào một chủng tánh thuộc giai cấp Sát đế lỵ tại An độ. Danh hiệu Thích ca mâu ni này do phụ vương Tịnh phạn đặt, Thích ca là họ của Phật Mâu ni là tên của Phật.
Thích ca (Sakya) họ của chủng tộc. Thích ca Trung quốc dịch là Năng nhu hay Năng nhân hoặc có chỗ dịch là Trực lâm. Chữ nhân có nghĩa là nhẫn hai chữ Năng nhân ý nghĩa là Năng nhẫn. Dụ như có người tán thán công đức thiện hạnh của Phật, Phật cũng không bao giờ vì sự tán thán đó mà hiện ra thái độ hiu hiu tự đắc. Hoặc như có người nào phê bình những điểm không đúng của Phật, Phật cũng không bao giờ vì sự phê bình đó mà sanh tâm bất mãn sân nộ. Thế là Phật đối với sự việc đáng vui hay đáng bất mãn nhưng trong tâm Ngài hoàn toàn bất động nên gọi là Năng nhân.
Mâu ni (Muni) là đức hiệu của thánh giả Trung quốc dịch là Tịch mặc, là tên do đức vua Tịnh phạn đặt ra cho Ngài. Nguyên nhân đức vua đặt tên đó trong kinh nói như sau: “Chính lúc Ngài chưa xuất gia còn là thái tử, một lần tham dự hội nghị của các chủng tộc do chủng tộc Thích ca chủ trì. Trước thời gian hội nghị khai mạc, nhân vì số lượng người tham dự quá đông nên có những âm thanh ồn tạp dị thường. Nhưng khi thái tử Tất đạt đa vừa đến tất cả những người tham dự hội nghị thấy thái tử liền im lặng ngay tức khắc. Đức vua Tịnh phạn trông thấy cảnh tượng như vậy nội tâm của nhà vua rất cao hứng phi thường, nhân đó liền đặt tên cho thái tử là Mâu ni”.
Như vậy Thích ca là họ chủng tộc Mâu ni là đức hiệu của thánh nhân, nên hợp lại giữa họ và tên của Ngài thành Thích ca mâu ni. Bốn chữ đó thông thường đều giải thích như trên.
Nhưng cũng có thuyết đứng trên lập trường tôn giáo, giải thích bốn chữ Thích ca mâu ni như sau: Thích ca gọi là Năng nhân là đại biểu cho tâm đại bi của Phật. Biểu thị đức Phật là bậc đã chứng đắc cảnh giới Niết bàn rốt ráo nhưng vì đại bi tâm Ngài không nỡ để chúng sanh trầm luân trong bể khổ sanh tử. Cho nên đức Phật dù đã an trú trong cảnh giới Niết bàn nhưng vẫn từ cảnh giới Niết bàn ra vào sanh tử luân hồi để hóa độ chúng sanh.
Mâu ni là Tịch mặc đại biểu cho đại trí tuệ của Phật. Biểu trưng đức Phật tuy ở trong biển cả sanh tử để hóa độ chúng sanh, nhưng do chỗ sáng suốt đại trí tuệ của Ngài, khiến Ngài thấu rõ sanh tử là bể khổ mà cũng là hư giả, không có gì chân thật như mộng huyễn… cho nên Ngài không bị sanh tử làm loạn động vẫn an trú nơi cảnh giới giải thoát Niết bàn.
Căn cứ vào sự giải thích này, chúng ta có thể biết : Thích ca mâu ni Phật là bậc đại giác bi trí song vận. Chính vậy nên chúng ta tôn xưng Ngài là Thích ca mâu ni Phật. (4)
Thích Nguyên Liên